Rà soát nguyên nhân vốn huy động đột ngột giảm
Có hiện tượng tín dụng tiêu dùng, cho vay bất động sản tăng nhanh. Ngân hàng Nhà nước đang rà soát tìm nguyên nhân vì sao nguồn vốn huy động đột ngột giảm để xem vốn vào kênh sản xuất kinh doanh hay bất động sản.
Sẽ hội nghị đối thoại lớn giữa ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc tạo đầu ra cho dòng vốn. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng Ảnh: T.L.
|
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 tổ chức hôm 23-1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết như trên.
Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Ông Tú cho hay đang có hiện tượng tín dụng tiêu dùng, cho vay bất động sản tăng nhanh và yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu tư quá đà vào đây vì nguồn gốc từ việc nợ xấu tăng mà các ngân hàng phải vất vả xử lý trong nhiều năm qua có nguyên nhân từ việc cho vay bất động sản quá đà vào những năm 2007 - 2008.
Ngoài ra một thông tin đáng lưu ý được ông Đào Minh Tú đưa ra, đó là gần đây huy động vốn tại các ngân hàng giảm. Theo ông Tú, đây là một hiện tượng đáng lưu ý và các ngân hàng tới đây phải rà soát nguyên nhân xem nguồn vốn đi đâu, vào kênh bất động sản hay sản xuất kinh doanh, hay kênh khác.
Ông Tú cũng thông tin vào tháng 3 tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một hội nghị đối thoại rất lớn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Trong đó về phía ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ mời đến cả lãnh đạo chi nhánh. Mục tiêu của hội nghị là nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp - ngân hàng đối thoại, qua đó hai bên thấu hiểu nhau và nhà quản lý cũng ban hành các cơ chế chính sách hợp lý và tháo gỡ ngay những vướng mắc phát sinh.
Theo ông Tú, từ trước đến nay đã có các hội nghị đối thoại giữa ngân hàng - doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều ngân hàng chưa coi trọng đúng mức và chỉ cử cấp dưới dự, do vậy hội nghị kết nối toàn quốc này sẽ là dịp để hai bên trao đổi nhằm tháo gỡ những vướng mắc.
Xử lý nợ xấu bị "ngáng" đường
Nhiều ngân hàng cũng cho biết dù có nghị quyết 42 nhưng trên thực tế các ngân hàng vẫn gặp những rào cản trong xử lý nợ xấu. Nguyên nhân là có hiện tượng người vay dựng lên các vụ tranh chấp giả để "ngăn" ngân hàng xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo Vietcombank chi nhánh TP.HCM dẫn chứng một vụ dù đã có bản án vào năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành án do người vay là hai vợ chồng dựng lên hàng loạt vụ tranh chấp giả, vợ kiện chồng, chồng kiện vợ, kiện trong quá trình mua bán có tranh chấp… nên khoản nợ dù chỉ có 1,6 tỉ nhưng lay lắt mãi không thu hồi được.
Vị lãnh đạo này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có kiến nghị tòa án xem xét khi thụ lý những đơn kiện có dấu hiệu tranh chấp giả như trên để gỡ thế bí cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), lại nêu ra thực tế khác. Ngân hàng này có nhiều khoản cho vay nhận thế chấp là đất nông nghiệp. Khi người dân không trả được nợ đã đồng ý bàn giao tài sản cho ngân hàng để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên cái khó ở đây là không thể sang tên cho ngân hàng, mà theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ được giữ tài sản này trong vòng 3 năm.
"Hiện giá trị tài sản gán siết nợ từ đất nông nghiệp của nông dân cho ngân hàng vào khoảng 200 tỉ, nếu sang tên ngân hàng có thể bán và thu hồi đến hơn 230 tỉ, đủ bù phí và lãi, nhưng nếu không sang tên được thì các ngân hàng sẽ bị ép giá rất dữ dội, có thể chỉ còn khoảng 100 tỉ. Như vậy ngân hàng phải chịu lỗ. Do vậy đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng tháo gỡ cho các ngân hàng", ông Tùng kiến nghị.
A.HỒNG
Tuổi Trẻ
|