Bài cập nhật
Fed không nâng lãi suất, cam kết sẽ "kiên nhẫn" với các động thái chính sách tương lai
Vào sáng ngày thứ Năm (31/01 - giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất như kỳ vọng của nhà đầu tư và cam kết các động thái trong tương lai sẽ được thực hiện một cách kiên nhẫn và phụ thuộc vào tình hình kinh tế khi đó.
Khép lại cuộc họp chính sách hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoàn toàn nhất trí giữ nguyên lãi suất chính sách trong vùng 2.25-2.5%.
Đi kèm với đó là một tuyên bố về số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed, trong đó thể hiện rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc điều chỉnh giảm bớt danh mục trái phiếu của Ngân hàng Trung ương nếu các điều kiện cho phép. Trong tuyên bố, các quan chức cũng cho biết họ kỳ vọng sẽ hoạt động với nguồn cung dự trữ ngân hàng dồi dào, một điều cho thấy quy mô của bảng cân đối kế toán sẽ vẫn lớn một khi quá trình thu hẹp số dư hoàn tất.
Trong một động thái cho thấy sự khác biệt chính sách so với một vài năm trước đó, Fed đã bỏ cụm từ thể hiện có thể nâng lãi suất thêm – “nâng lãi suất thêm dần dần” (further gradual increases), như đã đề cập sau cuộc họp tháng 12/2018 – và cho biết họ đang sử dụng phương pháp tiếp cận có phần cẩn trọng hơn.
“Xét tới diễn biến kinh tế và tài chính toàn cầu hiện nay và việc không có nhiều áp lực lạm phát, Ủy ban (FOMC) sẽ kiên nhẫn khi xác định những điều chỉnh phạm vi lãi suất trong tương lai cho hợp lý để hỗ trợ cho những kết quả đó”, trích từ tuyên bố của Fed.
Động thái trên được đưa ra sau một giai đoạn biến động mạnh bắt đầu từ đầu tháng 10/2018.
Trong suốt một phiên hỏi đáp, Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết Fed vẫn còn cách xa so với mức tăng trưởng trung lập. Một nhận định đã khiến Phố Wall lao dốc sau đó và đẩy thị trường vào vòng xoáy suy giảm, trong đó các chỉ số chính tích tắc rơi vào thị trường con gấu.
Và trong tháng 12/2018, ông Powell một lần nữa khiến nhà đầu tư kinh hãi khi nói rằng chương trình thu hẹp tỷ trọng trái phiếu trên bảng cân đối kế toán đang trong chế độ “tự lái” (autopilot).
FOMC hạ đánh giá tăng trưởng kinh tế từ “mạnh” sang “vững chắc”, đồng thời lưu ý thước đo lạm phát “đã đi xuống trong vài tháng gần đây”.
Tuyên bố cũng loại bỏ phần “cán cân rủi ro” (balance of risks), trong đó Ủy ban đã tìm cách định lượng khả năng tăng trưởng kinh tế vượt hoặc thấp hơn dự báo.
Tuyên bố tách biệt về bảng cân đối kế toán
Ngoài ra, các quan chức cũng giải quyết vấn đề về bảng cân đối kế toán – một điều đã xuất hiện trước đây, phần lớn là trong biên bản họp của FOMC.
FOMC đưa ra tuyên bố gồm 3 đoạn lưu ý rằng“tại thời điểm này, sẽ là hợp lý để cung cấp thêm các thông tin liên quan tới các kế hoạch triển khai chính sách tiền tệ trong dài hạn”.
Bảng cân đối kế toán của Fed bao gồm phần lớn là kết hợp giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp – những chứng khoán mà họ đã mua vào nhằm mục tiêu giảm bớt lãi suất dài hạn và kích thích nền kinh tế trong suốt và sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tại đỉnh điểm, số dư trên bảng cân đối kế toán tăng lên 4.5 ngàn tỷ USD dù trước khi chương trình kích thích kinh tế bắt đầu, số dư lúc đó còn chưa tới 1 ngàn tỷ USD.
Bắt đầu trong tháng 10/2017, Fed bắt đầu cho phép thu hẹp số dư dần mỗi tháng (ở một mức giới hạn), đồng thời tái đầu tư phần còn lại. Các quan chức Fed dự báo việc thu hẹp số dư sẽ không tác động quá nhiều tới thị trường, nhưng nhà đầu tư lại ngày càng dễ hoảng sợ về “sự thắt chặt định lượng” kể từ đó.
Tại cuộc họp tuần này, FOMC nói rõ rằng họ sẵn lòng xem xét lại chương trình nếu các điều kiện cho phép và không còn trong chế độ “tự lái” như ông Powell đã đề cập.
“FOMC sẵn lòng điều chỉnh bất kỳ chi tiết nào để hoàn tất quá trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán tùy thuộc vào các diễn biến kinh tế và tài chính”, trích từ tuyên bố của Fed.
Hơn nữa, trong tuyên bố, Fed cho biết sẽ “sẵn lòng sử dụng toàn bộ công cụ, bao gồm điều chỉnh quy mô và thành phần của bảng cân đối kế toán nếu các điều kiện kinh tế tương lai cho phép chính sách tiền tệ mang hơi hướng hỗ trợ hơn, thay vì chỉ có thể đạt được thông qua giảm bớt lãi suất quỹ liên bang (fed fund rate)”.
Phần sau của tuyên bố cho thấy, các quan chức Fed luôn luôn nhấn mạnh lãi suất chuẩn luôn là công cụ chính sách quan trọng của họ.
Tuấn Kiệt (Theo CNBC)
FiLi
|