Điện rác kén nhà đầu tư
Các dự án điện rác đem lại hiệu quả cao về mặt môi trường, nhiều nhà đầu tư hào hứng nhưng lại không dễ làm
Nhiều dự án điện rác được khởi công thời gian qua cho thấy nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến dạng năng lượng đặc biệt này. Tháng 11-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phối hợp với Công ty CP Tasco khởi công Nhà máy Xử lý - Tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi với công suất thiết kế 500 tấn/ngày. Tại Hà Nội, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cũng được TP chấp nhận chủ trương xây dựng với công suất tiêu thụ dự kiến 4.000 tấn rác/ngày.
Nhiều địa phương kêu gọi đầu tư
Là một trong những đô thị có lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cực lớn, cao điểm lên tới 9.300 tấn/ngày, TP HCM đã ban hành bộ tiêu chí kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đấu thầu xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện. Theo đó, các dự án được kêu gọi phải đạt công suất 1.000 tấn/ngày với đơn giá xử lý không quá 21 USD/tấn và xử lý được rác sinh hoạt chưa qua phân loại, đồng thời bảo đảm thiết bị, máy móc mới 100%.
Bên trong nhà máy xử lý chất thải rắn - phát điện có vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vừa đưa vào vận hành ở TP Cần Thơ. Ảnh: Ca Linh
|
Không riêng TP HCM, nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... cũng tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa các dự án điện rác nhằm xử lý một cách có hiệu quả khối lượng rác thải phát sinh.
Về phía nhà nước, do xác định điện rác là nguồn năng lượng được ưu tiên đặc biệt vì mục đích xử lý ô nhiễm môi trường nên giá mua điện đối với dự án điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 10,05 cent/KWh - cao hơn giá mua điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, giá điện đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 7,28 cent/KWh.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết luôn sẵn sàng mua bán và đấu nối trực tiếp lên lưới điện đối với các dự án điện rác. "Lưới để tiếp nhận điện rác không gặp khó như đối với điện gió và điện mặt trời. Vì ở TP, thị trấn lớn mới có đủ nguồn rác thải để đốt và phát điện. Tại đây cũng tập trung những trung tâm phụ tải điện lớn, có hệ thống lưới tiếp nhận thẳng điện vào sử dụng, không phải tải điện đi xa như dự án năng lượng tái tạo. Mặt khác, phát điện từ đốt rác có độ ổn định cao, không bị phụ thuộc thời tiết nên dễ dàng cho công tác điều độ" - đại diện EVN nhận định và hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án điện rác hiệu quả.
Một ưu điểm khác của điện rác là thời gian thu hồi vốn nhanh. Ông Đồng Minh Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước - chủ đầu tư một dự án điện rác, tính toán với giá mua điện hiện nay, cộng thêm nguồn thu từ chi phí xử lý chất thải được chủ nguồn thải chi trả thì khả năng thu hồi vốn của dự án khá khả thi. Nếu như các dự án điện gió, mặt trời cần khoảng 10 năm để hoàn vốn thì điện rác chỉ mất chừng 5 năm.
Tiềm năng không lớn
Nếu nhìn vào lượng rác thải sinh hoạt hiện tại cần xử lý tại các đô thị, địa phương có quy mô dân số lớn thì thấy tiềm năng cho các dự án điện rác khá dồi dào. Bởi vậy, không ít doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư về thiết bị đã mạnh dạn "đổ tiền" vào điện rác. Thế nhưng, trên thực tế, để triển khai một dự án điện rác lại không hề dễ dàng.
Chủ đầu tư một số dự án năng lượng tại Việt Nam nhìn nhận điện rác được đánh giá cao về hiệu quả môi trường nhưng lại khó mang lại được hiệu quả lớn về mặt kinh tế, trừ những địa phương tập trung lượng rác thải quy mô trên 1.000 tấn/ngày và giá xử lý 21 USD/tấn trở lên. Trong khi đó, thực tế, chỉ 5-6 địa phương trên cả nước có quy mô rác thải đủ lớn để mang lại lợi nhuận kinh tế cho chủ đầu tư.
"Như thế, điện rác tuy có giá trị cao trong xử lý ô nhiễm môi trường nhưng lại "kén" địa bàn. Nếu không đạt được quy mô kỳ vọng là 1.000 tấn/ngày, cũng phải đạt ít nhất 500 tấn/rác thải cần xử lý mỗi ngày thì dự án mới vận hành hiệu quả. Đa phần các địa phương chỉ phát sinh rác thải quy mô 100-200 tấn/ngày, không đủ để làm dự án. Tuy không phải làm điện rác không có lãi nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế thì cần tính toán rất kỹ" - chủ đầu tư này phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương kêu gọi làm điện rác đi kèm với lời hứa hẹn một số ưu đãi nhất định cho chủ đầu tư. Bản thân chủ đầu tư nếu đủ năng lực triển khai dự án thì sẽ được hưởng lợi từ nhiều "đầu", bao gồm hưởng ưu đãi của địa phương, hưởng chi phí xử lý rác thải theo thỏa thuận và hưởng giá bán điện khá hấp dẫn. Do vậy, chủ đầu tư nhỏ, năng lực không mạnh sẽ khó chen chân có được dự án.
"Dự kiến, nếu làm hết năng lực thì cả nước cũng có không quá 200 MW điện từ rác - quá nhỏ bé so với tổng công suất điện cả nước. Ngoài ra, tính ổn định đầu vào của nguyên liệu rác cũng đáng lo ngại nếu như cơ quan chức năng không cam kết bảo đảm cho các dự án" - chủ đầu dự án điện nêu trên dự báo.
Mặt khác, theo giới chuyên gia, để đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đòi hỏi công nghệ rất khắt khe. Phần lớn công nghệ đốt rác phát điện của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản được thiết kế để đốt phần hữu cơ còn lại sau phân loại để tận thu vật liệu tái chế. Khi áp dụng vào Việt Nam, bắt buộc phải bổ sung hệ thống phân loại bởi khâu phân loại rác của Việt Nam còn rất yếu, dẫn đến tăng chi phí. Phương án khác là sử dụng công nghệ lò đốt trên ghi động, áp dụng với nhiên liệu là chất thải rắn đô thị chưa phân loại nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư được.
Mới có 9,03 MW điện rác
EVN cho biết tập đoàn đã ký hợp đồng mua bán điện với 3 chủ đầu tư dự án điện rác nhưng tổng công suất còn rất nhỏ - chỉ 9,03 MW. Trong đó, Nhà máy Phát điện Gò Cát công suất 2,43 MW, Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ 6 MW và Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại khu xử lý rác Nam Sơn 0,6 MW.
|
Phương Nhung
Người Lao Động
|