Chính sách BĐS 2018 (Kỳ 2): Nhà ở xã hội vẫn còn là câu chuyện dài… Kể từ đầu năm 2018, hàng loạt các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội được ban hành, quy định rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ riêng việc theo chương trình ngân sách Nhà nước phải bố trí đến 1,160 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội thì trong năm 2018 chỉ mới phân bổ được 500 tỷ đồng. Ngày 22/01/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký Quyết định 117/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm. Ngày 23/01/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Ngày 02/04/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 18/2018/QĐ-TTg về hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2018 và áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015. Theo quyết định của Thủ tướng, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay chương trình nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 3%/năm, áp dụng trong giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp đó vào ngày 03/04/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, cho thuê nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2018 là 4.8%/năm (0.4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Theo chương trình ngân sách Nhà nước phải bố trí đến 1,160 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội nhưng thực tế trong năm 2018 chỉ mới phân bổ được 500 tỷ đồng. Trong 500 tỷ đồng đó, Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phép cho hộ gia đình cá nhân vay theo nghị định 100 và chủ đầu tư không được tiếp cận nguồn vốn vay này. Mặt khác, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại hiện nay cũng chưa có. Theo ông Vũ Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng nhận định tại Hội thảo “Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019” sáng ngày 11/12, cả hiện nay và trong thời gian tới, nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tiếp tục hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thị trường hiện có 205 dự án nhà ở xã hội chậm trễ, trong đó có một số dự án được “vay một chút” trong gói 30,000 tỷ đồng trước đây. Trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đạt 12.5 triệu m2 nhưng đến nay mới thực hiện được 31% mục tiêu, tương đương với 3.92 triệu m2. Mới đây, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam nhìn nhận, “nhu cầu nhà ở xã hội tại TP.HCM luôn rất cao do thu nhập cơ bản của người dân còn ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, nguồn cung thị trường đáp ứng loại hình này không được như kỳ vọng. Những nguyên nhân làm cho nhà ở xã hội chưa phát triển như mong đợi có thể kể đến như quỹ đất, vị trí dự án, thủ tục pháp lý phức tạp cho cả chủ đầu tư và người mua, tín dụng tài chính, lợi nhuận kém hấp dẫn,…”. Có thể thấy rằng, mặc dù đã có nhiều chính sách quy định về ưu đã cho nhà ở xã hội, song hiệu quả của những chính sách này trên thực tế vẫn còn là câu chuyện dài… Nguyên Ngọc FILI
|