Các thương hiệu xa xỉ đang cảm nhận “nỗi đau” ở Trung Quốc!
Người mua sắm Trung Quốc đang mua ít điện thoại thông minh hơn. Túi xách và đồng hồ đắt tiền có thể là những món hàng tiếp theo.
Cổ phiếu của các thương hiệu xa xỉ ở châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề vào hôm thứ Năm vừa qua, sau khi Apple cho biết họ bán được ít iPhone hơn dự kiến trong ba tháng cuối năm 2018 vì sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Cụ thể, cổ phiếu của LVMH, công ty sở hữu các thương hiệu Fendi và Louis Vuitton, đã giảm 3%. Cổ phiếu Burberry giảm 5.8% và Kering, chủ sở hữu thương hiệu Gucci, giảm 4%. Tập đoàn đồng hồ Thụy Sĩ, Swatch, giảm 3%.
Chi tiêu cho hàng xa xỉ của dân Trung Quốc vẫn mạnh trong nửa đầu năm 2018 mặc dù nền kinh tế này bị trì trệ. Tuy nhiên, các hãng thời trang châu Âu vẫn chưa báo cáo kết quả cho cuối năm nay và các nhà đầu tư lo lắng rằng chúng có thể ẩn chứa một số bất ngờ không mấy dễ chịu.
Nếu người mua hàng Trung Quốc không sẵn sàng chi tiêu lớn cho một chiếc iPhone mới, thì họ cũng có thể tạm dừng mua những món hàng xa xỉ đắt tiền.
Một số bằng chứng đã xuất hiện.
Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho biết số lượng đồng hồ được bán tại Trung Quốc đã giảm trong tháng 11.
Vào hôm thứ Năm vừa qua, Viện kinh tế Thụy Sĩ “châm” thêm sự lo lắng khi nói rằng những nhà sản xuất đồng hồ của nước này đã giảm đáng kể kỳ vọng của họ đối với các đơn đặt hàng trong ba tháng tới.
Flavio Cereda, một chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies, nói: "Vấn đề không phải có sự giảm tốc trong doanh số hàng xa xỉ ở Trung Quốc hay không mà là mức độ nghiêm trọng của nó".
Thị trường Trung Quốc
Các nhà bán lẻ hàng xa xỉ đến từ châu Âu đã phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Bain và liên đoàn hàng xa xỉ Ý, Altagamma, người mua sắm Trung Quốc hiện chiếm 1/3 doanh số hàng xa xỉ toàn cầu. Con số đó tính ra là hơn 7 tỷ USD một năm, theo McKinsey.
Bain dự đoán rằng người mua sắm Trung Quốc sẽ chiếm phân nửa trong tổng số tiền chi tiêu cho hàng xa xỉ vào năm 2025.
"Trung Quốc là thị trường chủ chốt, do đó sự biến động ở các cổ phiếu của các thương hiệu xa xỉ là điều dễ hiểu", Cereda nói.
Trước đây, ngành công nghiệp này đã bị ảnh hưởng nặng bởi phụ thuộc vào Trung Quốc.
Người mua sắm Trung Quốc đã từ bỏ các thương hiệu xa xỉ suốt đợt trừng trị nạn tham nhũng của chính phủ bắt đầu vào năm 2012. Chiến dịch này khiến cho các sản phẩm và đồng hồ xa xỉ trở thành những mặt hàng “không dám đụng tới” đối với các quan chức nhà nước và giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hiện nay là tăng trưởng kinh tế yếu hơn.
Sau nhiều thập kỷ mở rộng nhanh chóng, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Tăng trưởng trong năm 2018 có thể sẽ là yếu nhất kể từ năm 1990, và năm nay có vẻ còn tồi tệ hơn.
Hai báo cáo được công bố trong tuần này cho thấy lĩnh vực sản xuất khổng lồ của nước này đang bị thu hẹp lại. Cũng có những lo ngại về thị trường bất động sản và cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Helen Brand, một chuyên gia phân tích tại UBS, cho biết: "Nếu xét đến căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ đang diễn ra thì niềm tin của người tiêu dùng sẽ bị trượt khỏi các mức cao".
UBS dự đoán chi tiêu dành cho hàng xa xỉ của Trung Quốc đã tăng khoảng 10% trong nửa cuối năm ngoái. Mặc dù con số đó có vẻ cao, nhưng đó là một sự giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 16% được ghi nhận trong nửa đầu năm 2018.
Brand nói rằng Nhân dân tệ của Trung Quốc yếu hơn đang khiến người mua sắm chi tiêu ít hơn ở nước ngoài. Mua sắm trong kỳ nghỉ chiếm tới 2/3 tổng chi tiêu của Trung Quốc cho hàng xa xỉ.
Nhã Thanh (Theo CNN)
FILI
|