Việt Nam nói không với nhiệt điện than, được không?
Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường và đi ngược xu hướng thế giới. Tuy nhiên, với bối cảnh thiếu điện và khó có nguồn thay thế, Việt Nam đứng trước bài toán khó.
Thiếu khoảng 4 tỷ kWh sản lượng thủy điện và phải chuyển sang bù bằng nhiệt điện than là bài toán đau đầu của EVN trong năm 2019.
Nhiệt điện than được nhiều nước cảnh báo gây tác hại ô nhiễm môi trường, vận hành kém hiệu quả, nhưng với bối cảnh của Việt Nam thì đây lại là một “cứu cánh” cho sự tăng trưởng nhanh về nhu cầu sử dụng điện.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể hạn chế nhiệt điện than, nhưng bài toán là phải tìm được nguồn điện thay thế hữu hiệu. Giá cả nguồn điện thay thế, trình độ phát triển của công nghệ, sự tăng trưởng nhu cầu điện… đang là bài toán khó mà ngành điện phải tìm lời giải.
Thủy điện đã không còn nhiều trữ lượng
Theo Bộ Công Thương, không có nước nào có cơ cấu sản lượng điện giống nhau. Cơ cấu sản lượng điện của từng nước tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng ở nước ngoài của mỗi nước.
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng thủy điện vào loại khá của thế giới. Theo tính toán lý thuyết, tổng công suất thủy điện của nước ta vào khoảng 35.000 MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam.
Tiềm năng kỹ thuật (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26.000 MW, tương ứng với gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm có thể sản xuất hơn 100 tỷ kWh, trong đó nói riêng thuỷ điện nhỏ có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15-20 tỷ kWh/năm.
Trữ lượng thủy điện đã được khai thác gần như toàn bộ ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Thắng.
|
Đến nay các dự án thủy điện lớn có công suất trên 100 MW hầu như đã được khai thác hết. Các dự án có vị trí thuận lợi, có chi phí đầu tư thấp cũng đã được triển khai thi công. Còn lại chủ yếu là các dự án thủy điện công suất nhỏ.
Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện tăng từ khoảng 56 tỷ kWh năm 2015 lên gần 90 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 96 tỷ kWh (tỷ trọng 17%) vào năm 2030. Riêng năm 2018, sản lượng thủy điện dự kiến đạt khoảng 88 tỷ kWh, tương đương 39% tổng sản lượng điện quốc gia.
Theo PGS. TS. Đặng Đình Thống, Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội), thủy điện là một nguồn năng lượng sạch, rẻ và đóng góp quan trọng trong ngành điện Việt Nam trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã khai thác được 90 tỷ kWh sản lượng điện so với tiềm năng khoảng 100 tỷ kWh.
Số nguồn còn lại chưa khai thác được là những thủy điện nhỏ lẻ, ở các vùng xa xôi. Các nhà máy thủy điện được xây dựng rải rác tại các tỉnh miền núi và cao nguyên trong cả nước, việc đầu tư lưới truyền tải rất lớn, gây tốn kém và khó huy động nhà đầu tư do không hiệu quả.
Hơn nữa, xây dựng thủy điện ở Việt Nam chủ yếu chiếm đất chủ yếu là rừng, bình quân 9,8 ha để có công suất 1 MW, đây là tỷ lệ cao trên thế giới. Nhà máy thủy điện khi vận hành cũng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Điển hình như năm nay, hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên gần mực nước chết trong vòng hàng chục năm, dẫn tới khó khăn trong sản xuất.
Ông Thống nhấn mạnh Việt Nam khó có thể trông chờ nhiều hơn nữa vào thủy điện mà cần phải tìm kiếm các nguồn thay thế khác.
Điện mặt trời và điện gió có phải là cứu cánh?
Theo quy hoạch điện 7 đến năm 2020, điện mặt trời, điện gió và điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 9% tổng sản lượng điện. Nghĩa là sản lượng năm 2020 được dự báo khoảng 260 tỷ kWh thì các nguồn trên đóng góp sản lượng khoảng 23 tỷ kWh.
Tuy nhiên, dự án nhà máy điện hạt nhân đã bị đưa ra khỏi quy hoạch, nghĩa là mục tiêu của nhóm này khó hoàn thành.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, sản lượng điện gió và mặt trời sẽ đóng góp vào sản lượng điện chung cả nước năm 2019 khoảng 3-4 tỷ kWh. Đây là con số không đáng kể so với tổng sản lượng điện điện là 241 tỷ kWh vào năm tới.
Nhìn về tương lai, nhiều người sẽ kỳ vọng điện mặt trời và điện gió sẽ nhanh chóng vươn lên đóng góp vào sản lượng điện quốc gia. Đặc biệt một loạt các nhà máy điện mặt trời được triển khai trên cả nước như Krông Pa (Gia Lai) công suất 49 MW; dự án điện mặt trời của tập đoàn Xuân Cầu (Tây Ninh) với công suất 2.000 MW; nhà máy của Công ty Xuân Thiện tại Đắk Lắk với công suất khoảng 3.000 MW...
Phát triển điện mặt trời vẫn là thách thức lớn trong hệ thống điện ở Việt Nam. Ảnh minh họa.
|
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9, cả nước đã có 121 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược TKV, thành viên Hiệp hội năng lượng Việt Nam, đánh giá nếu như nhìn vào công suất lắp đặt của các dự án sẽ cho nhiều tín hiệu lạc quan khi tổng công suất đăng ký đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW).
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh công suất lắp đặt của nhà máy điện mặt trời không thể tương ứng với thủy điện, do không thể hoạt động 24/24, mà phải phụ thuộc vào mặt trời. Ví dụ, một nhà máy điện mặt trời công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW, nếu so sánh có thể tương đương thủy điện Hòa Bình.
Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ hoạt động khoảng 5-8 giờ nắng/ngày, do đó cho sản lượng điện thấp hơn nhiều so với việc thủy điện Hòa Bình hoạt động 24/24h.
“Không thể cộng công suất lắp đặt vào và so sánh ngang bằng được bởi bản chất hoạt động của 2 nguồn là khác nhau. Công suất lắp đặt cao, nhưng sản lượng thấp là nhược điểm của điện mặt trời. Khi không có nắng phải tìm nguồn khác phụ tải”, ông nói.
Về mặt kỹ thuật, ông cũng chỉ ra nếu các dự án điện mặt trời được phát triển ồ ạt, biểu đồ phụ tải (theo ngày) trong hệ thống điện sẽ có mức dao động lớn hơn và nhu cầu đầu tư bổ sung công suất của ngành điện sẽ phải tăng lên, gần như tỷ lệ thuận với công suất điện mặt trời được bổ sung.
Ngoài ra, trong một hệ thống điện, nếu tỷ trọng điện mặt trời và điện gió lớn thì tần số của hệ thống sẽ bị thay đổi liên tục, có thể dẫn đến sụp đổ tần số, sụp đổ hệ thống điện. Để đảm bảo ổn định trong cung cấp điện đòi hỏi phải xây dựng thêm rất nhiều các nhà máy phát điện truyền thống để duy trì tần số của hệ thống.
Vấn đề đấu nối của các nhà máy điện mặt trời với lưới quốc gia cũng là vấn đề khó khăn mà ông Sơn lưu ý. Ông nhấn mạnh bài toán hiệu quả được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, đang là thách thức lớn.
Tìm nguồn phát điện mới hay điều chỉnh ưu tiên?
Theo ông Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC), hệ thống điện đang phải vận hành căng thẳng do các thủy điện miền Nam và miền Trung hoạt động cầm chừng, còn công tác cấp than cho các nhà máy nhiệt điện không hoàn toàn theo mong muốn.
Đây là 2 nguồn điện chủ lực nên tình hình khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân đối và cung cấp điện ngay trong thời gian này, cũng như năm 2019. Ông dự báo năm 2019, sản lượng sản xuất từ nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng cao, tới khoảng 114,4 tỷ kWh, chiếm 47,3% sản lượng của toàn hệ thống.
Về dài hạn, ông Đinh Quang Tri, cho rằng nguy cơ thiếu điện của Việt Nam sau năm 2020 là hiện hữu khi thời gian tới có rất ít nhà máy mới được đưa vào hoạt động.
Theo bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), hiện Bộ này đã tính toán để đưa quy hoạch nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế các dự án nhiệt điện chạy than (dự án trong Tổng sơ đồ phát điện VII) trong tương lai gần. Nguồn năng lượng này được cho là thân thiện với môi trường.
Với tiềm lực kinh tế hiện nay, phát triển nhiệt điện vẫn là một kênh quan trọng với Việt Nam. Ảnh: Năng Lượng Việt Nam.
|
Hiện LNG của Việt Nam trong nước đáp ứng 45%, còn 55% phải nhập khẩu. Thách thức là Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ngày càng nhiều loại khí này để phục vụ cho các cụm công nghiệp nặng: khí, điện, đạm. Ngoài ra cần tính đến biến động gia nhiên liệu, chi phí đầu tư cảng biển, đường ống dẫn và khó chứa….
PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam (Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), thì cho rằng tỷ trọng nhiệt điện than của Việt Nam vào loại trung bình của thế giới (39,1% so với 38,1%), nhưng sản lượng điện than tính theo đầu người chỉ là 793 kWh, bằng 61,5% bình quân đầu người của thế giới (1.290 kWh).
Trong bối cảnh điều kiện kinh tế của Việt Nam, điện than vẫn là một lựa chọn đáng lưu ý.
“Vẫn cần điện than bởi xét tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế, tiềm năng nguồn tài nguyên than trong nước, khả năng nhập khẩu than, mức độ phát thải khí nhà kính”, ông nói.
Đi đôi điện than, TS Nam nhấn mạnh cần đẩy nhanh phát triển điện từ các nguồn tài nguyên năng lượng khác, nhất là điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Việc phát triển nhiệt điện than sắp tới cũng phải đổi mới theo hướng sạch hơn, nghĩa là tăng hiệu suất, giảm lượng khí phát thải, công nghệ hiện đại hơn.
Trong khi đó, vấn đề lớn hơn là thay đổi cấu trúc kinh tế, giảm tỷ trọng các ngành thâm dụng điện năng. Khi làm được như vậy, nhu cầu về điện giảm, sẽ giảm áp lực về cung cấp điện cho nền kinh tế, có thể đầu tư dài hơi cho năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Đến năm 2017 Việt Nam có tổng phát thải CO2 từ ngành năng lượng chỉ chiếm 0,6% tổng phát thải CO2 toàn thế giới. Tính theo bình quân đầu người thì chỉ bằng 45,3% bình quân đầu người của thế giới, 30,2% của Trung Quốc, 44,5% của Thái Lan, 24,8% của Malaysia, 15,2% của Hàn Quốc, 22,1% của Nhật Bản, 21,9% của Đức, 12,9% của Mỹ.
|
Hiếu Công
ZING.VN
|