Thứ Ba, 11/12/2018 10:49

Taxi công nghệ, chỗ quản chỗ buông

Trong khi cuộc tranh luận định danh mô hình hoạt động của Grab còn chưa đi đến hồi kết, một loạt ứng dụng gọi xe tương tự đã đua nhau nở rộ mà không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào.

FastGo đã hoạt động được nửa năm nhưng vẫn nằm ngoài vòng quản lý của Bộ GTVT - Ảnh chụp màn hình

Rầm rộ hoạt động dù chưa đăng ký

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời Sở GTVT Đà Nẵng đối với đề nghị hướng dẫn liên quan đến ứng dụng gọi xe FastGo.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết tính đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa nhận được đề xuất của Công ty cổ phần FastGo Việt Nam, đồng thời khẳng định phần mềm gọi xe FastGo không thuộc đối tượng tham gia thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Đà Nẵng lưu ý công ty FastGo không thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn. Bên cạnh đó, FastGo không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ trên khi chưa được sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và sự phối hợp của Sở GTVT Đà Nẵng.

Đáng nói, dù chưa đăng ký tham gia thí điểm với Bộ GTVT nhưng FastGo đã hoạt động rầm rộ tại hai thành phố lớn nhất nước là TP.HCM (từ ngày 10.8) và Hà Nội (từ ngày 12.6).

Không chỉ đơn thuần cung cấp ứng dựng cho taxi (như mô hình GrabTaxi), FastGo còn kết nối hành khách với xe cá nhân nhàn rỗi, giống GrabCar. Do đó phần mềm này chắc chắn phải đăng ký thí điểm theo đề án 24 của Bộ GTVT

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam

Chỉ sau nửa năm ra mắt, FastGo Việt Nam tự tin thông báo họ đã ước tính chiếm khoảng 15-20% thị phần, kết nối khoảng 40.000 tài xế trên toàn quốc. Không những thế, ứng dụng gọi xe này còn tiến hành vòng gọi vốn 50 triệu USD nhằm mở ra các thị trường Đông Nam Á như Indonesia và Myanmar. 

Một cán bộ thuộc Bộ GTVT cho biết, không chỉ riêng FastGo, rất nhiều ứng dụng gọi xe như Aber, VATO... dù đã tiến hành hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký tham gia đề án thí điểm 24 của Bộ.

Rủi ro ai chịu?

Trên trang web chính thức, FastGo tự giới thiệu là công ty công nghệ cung cấp ứng dụng dịch vụ cho phép kết nối khách hàng và xe taxi, xe tư nhân trên nền tảng điện thoại và thiết bị di động thông minh.

Trong đó, về quy định hợp đồng với người dùng, cách sử dụng dịch vụ, ứng dụng, điều kiện tham gia trở thành đối tác lái xe... hầu như không có gì khác với Grab hiện nay.

Thế nhưng cũng chính "người bạn đồng môn" này mới đây đã gửi công văn đến tòa án TP.HCM liên quan vụ kiện giữa Vinasun và Grab, "tố" Grab không phải mô hình công ty công nghệ thuần túy, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác, đồng thời đề xuất cơ quan quản lý có quy định quản lý phù hợp.

 

Nhiều ứng dụng gọi xe ra đời mà không chịu sự quản lý của cơ quan nào - Ngọc Dương

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam đánh giá đây là chiêu tiếp thị, quảng bá hình ảnh thông minh của FastGo nhưng doanh nghiệp này không lường trước được rằng chính việc gây chú ý kiểu "đốt đền", đổ thêm dầu vào lửa này đã khiến mọi người chú ý và phát hiện bản thân FastGo hiện không ai quản lý.

Chưa nói đến thuế, bảo hiểm xã hội, các vấn đề cơ bản mà người dân quan tâm là chất lượng xe, sức khỏe và lý lịch tư pháp của tài xế đều không có ai quản. Vậy nếu rủi ro xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

TS kinh tế Lương Hoài Nam

Theo ông Hậu, nếu đơn vị này tự nhận là đơn vị cung cấp phần mềm công nghệ kết nối khách hàng và xe taxi, xe tư nhân thì về bản chất mô hình này không khác gì Grab, Uber. Không chỉ đơn thuần cung cấp ứng dựng cho taxi (như mô hình GrabTaxi), FastGo còn kết nối hành khách với xe cá nhân nhàn rỗi, giống GrabCar. Do đó phần mềm này chắc chắn phải đăng ký thí điểm theo đề án 24 của Bộ GTVT.

"Bộ GTVT cần nhanh chóng giám sát, thanh kiểm tra xem cụ thể mô hình của FastGo là gì. Bộ GTVT cũng cần nhanh chóng ban hành Nghị định 86. Việc quá chậm trễ đưa ra khung pháp lý chính là nguyên nhân gây ra lỗ hổng lớn, sự lúng túng trong việc quản lý các mô hình mới như thế này" - ông Hậu đề xuất.

Đồng tình, TS kinh tế Lương Hoài Nam nhận định FastGo, Grab, Aber hay các ứng dụng gọi xe khác về bản chất hoàn toàn giống nhau. Sự liên kết giữa họ với các lái xe đều hình thành dịch vụ vận tải và phải được quản lý giống nhau, cụ thể là theo đề án thí điểm 24 của Bộ GTVT.

"Hàng ngàn cuốc xe, dịch vụ vận chuyển, vận tải thông qua các ứng dụng này đang được diễn ra hằng ngày nhưng không ai quản lý. Chưa nói đến thuế, bảo hiểm xã hội, các vấn đề cơ bản mà người dân quan tâm là chất lượng xe, sức khỏe và lý lịch tư pháp của tài xế đều không có ai quản. Vậy nếu rủi ro xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?" - ông Nam đặt vấn đề.

Hà Mai

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Nhiều kịch bản hóa giải thiếu điện (11/12/2018)

>   Sai phạm tại dự án BV Nhi đồng TP.HCM: Kiểm điểm nghiêm túc tập thể, cá nhân liên quan (11/12/2018)

>   Chính phủ 'bác' những đề xuất sửa luật để tăng quyền cho kiểm toán (11/12/2018)

>   Nguyên Tổng Giám đốc Vinashin bị khởi tố, bắt tạm giam (10/12/2018)

>   Taxi Việt bắt tay nhau - cuộc chiến mới trên thị trường đặt xe? (10/12/2018)

>   Thêm một ngành hàng của Việt Nam lọt top xuất khẩu tỷ USD (10/12/2018)

>   Nỗi lo “thuế chồng thuế” của doanh nghiệp bất động sản (10/12/2018)

>   Tân Phó chủ tịch tài chính sẽ là thảm họa tài chính của VFF? (10/12/2018)

>   Ông Trần Văn Thuận giữ chức bí thư Quận ủy quận 2 (10/12/2018)

>   'Ế' quảng cáo trên xe buýt (10/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật