Triệt bỏ tín dụng đen
Làm cách nào để triệt bỏ tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê lộng hành khắp nơi?
Bị nhóm giang hồ đòi nợ thuê khóa trái cửa, người dân phải cầu cứu chính quyền đến cắt khóa để vào nhà
- Ảnh: CTV
|
Không hẹn mà gặp, một trong những bức xúc nổi cộm ở kỳ họp HĐND hầu hết các tỉnh thành cả nước vừa qua là tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê lộng hành khắp nơi, từ vùng quê hẻo lánh đến thành thị, thách thức cơ quan công quyền. Vậy cách nào để xóa bỏ tình trạng này?
Đại tá Phạm Văn Tám
Ảnh: Đình Trường
|
Trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen (56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản...).
Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến huy động vốn lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 4.510 vụ án hình sự, trong đó có rất nhiều vụ án liên quan, phát sinh từ tín dụng đen dẫn đến tội phạm và các vi phạm khác như: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác...; các tệ nạn xã hội, như: cờ bạc, mại dâm, sử dụng ma túy...
Tín dụng đen là “tội phạm nguồn”
Bộ Công an đã có kế hoạch chuyên đề đấu tranh với tội phạm tín dụng đen và sẽ thực hiện cao điểm ngay trong dịp giáp tết
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an
|
“Tín dụng đen” xảy ra từ nhiều năm nay và ngày càng gây bức xúc. Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) có ghi nhận gì về tình trạng này?
Các đối tượng gây ra các vụ án, vụ việc từ hoạt động của tín dụng đen chủ yếu có tiền án, tiền sự, côn đồ; cấu kết thành băng nhóm; bắt giữ người trái pháp luật; sử dụng vũ khí, đánh đập, đe dọa để siết nợ, đòi nợ thuê, thậm chí giết người; lợi dụng, núp bóng các doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong một số vụ việc, đối tượng đã “khủng bố tinh thần”, như: ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài trước nhà “con nợ”; gây sức ép khi đòi nợ; truy sát “con nợ” gây hoang mang, lo sợ, khiến “con nợ” bỏ trốn, tự sát để trốn nợ gây chấn động dư luận.
CSHS là một trong những lực lượng chủ công đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Đại tá cho biết những khó khăn, vướng mắc trong công tác này?
Tín dụng đen là hình thức tín dụng tư nhân, không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp; không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và có biểu hiện bên ngoài cực kỳ phức tạp.
Ngoài việc hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở, có thể thấy những đối tượng liên quan đã lợi dụng pháp luật và nhu cầu vay vốn để lôi kéo khiến người vay mắc vào cạm bẫy.
Ngoài ra, hệ thống tín dụng hợp pháp hiện nay không thể nhanh nhạy bằng các đối tượng ở bên ngoài. Làm gì có ngân hàng nào trong vòng 15 - 30 phút đã mang được tiền đến tận nơi cho khách vay?
Cũng có một nguyên nhân nữa, dù không cơ bản nhưng không phải ít, là một số người “vay nóng” để sử dụng vào những việc không chính đáng, như: cờ bạc, cá độ, làm ăn phi pháp hoặc không thể vay hợp pháp trong các tổ chức tín dụng...
Về mặt quy định pháp luật, khó khăn lớn nhất của lực lượng hình sự khi xử lý các vi phạm liên quan đến tín dụng đen là gì?
Đối với những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm phát sinh từ việc đòi nợ thuê dẫn đến “khủng bố”, đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật… nếu cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự ngay; không có gì khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, có cái “chấp chới” giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự. Ví dụ, những hành vi như: đổ chất bẩn, chất thải vào nhà... thì chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự vì nằm giữa ranh giới xử lý hành chính - hình sự. Ở một số địa phương, khi các ngành tố tụng phối hợp với nhau thì có thể truy tố về tội cố ý hủy hoại tài sản được. Nhưng với hành vi: đổ phân, đổ sơn thì phải giám định thiệt hại tài sản vì tội hủy hoại tài sản có “cấu thành vật chất”. Cụ thể, tội này quy định phải có thiệt hại tài sản và buộc phải đi giám định, thiệt hại khoảng 2 triệu đồng trở lên thì có thể xử lý hình sự.
Ngoài ra, các đối tượng thực hiện các hành vi “khủng bố”, đổ chất thải chỉ là những kẻ làm thuê nên chỉ xử lý được hành vi gây rối, đe dọa; còn đối tượng đứng sau thì không xử lý được. Chưa kể, tội cho vay nặng lãi thuộc tội ít nghiêm trọng được quy định trong bộ luật Hình sự, nhưng đây là tội phạm nguồn, vì từ đây sẽ phát sinh các loại tội phạm khác nhưng lại bị xử lý rất nhẹ. Việc xử phạt hành chính đối với hành vi này cũng đang rất khó khăn vì chưa quy định rõ thẩm quyền cụ thể của lực lượng chức năng, gây ra sự lúng túng cho các địa phương.
Đã có kế hoạch đấu tranh tội phạm tín dụng đen
Thưa đại tá, giải pháp nào được coi là căn cơ để giải quyết tình trạng tín dụng đen hiện nay?
Bộ Công an đang tham mưu để Thủ tướng ban hành chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện hàng loạt giải pháp đấu tranh dẹp bỏ tín dụng đen. Trong đó đặt ra hàng loạt vấn đề, như: sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các nghị định về xử phạt hành chính... liên quan lĩnh vực này. Các ngân hàng cũng cần phải cải tiến thủ tục cho vay đối với các hộ có nhu cầu về sản xuất gặp khó khăn. Tóm lại, mấu chốt quan trọng nhất là các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc.
Đối với một số quy định pháp luật hình sự hiện hành, chúng tôi cho rằng không cần thiết phải sửa luật mà liên ngành: Viện KSND, TAND, Bộ Công an có thể ban hành thông tư hướng dẫn xử lý loại tội phạm này… Cụ thể: thống nhất quan điểm cách tính lãi suất; áp dụng các biện pháp ngăn chặn hay không vì đứng đằng sau loại tội phạm này là các băng nhóm có tổ chức; phải có biện pháp cứng rắn, cương quyết và có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng.
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật - là giải pháp dài hạn - thì hiện nay, Bộ Công an đã có kế hoạch chuyên đề đấu tranh với tội phạm tín dụng đen và sẽ thực hiện cao điểm ngay trong dịp giáp tết.
Ý KIẾN
Giúp người dân tiếp cận vốn ngân hàng hàng dễ dàng hơn
Tín dụng đen giờ không còn ở những khu vực đô thị mà tràn tới cả những khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, khu dân cư hẻo lánh. Tôi cho rằng, các ngành chức năng phải kiên quyết xử lý, triệt phá những đối tượng cho vay nặng lãi với mức lãi suất “cắt cổ” mà người dân gần như không có khả năng trả được.
Hiện nay, các quy định về xử lý các hành vi cho vay nặng lãi này vẫn còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, bộ luật Hình sự mới vừa được sửa đổi năm 2017 nên không thể đưa ra sửa được ngay. Vì vậy, tôi cho rằng giải pháp lúc này là Chính phủ xem xét quy định xử phạt hành chính những hành vi này thật nặng. Khi phát hiện vi phạm lần 2 thì phải xử lý hình sự. Còn đối với những đối tượng manh động, dùng những biện pháp bạo lực, "xã hội đen" để đe dọa, đòi nợ, cơ quan chức năng phải có động thái trấn áp mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng đang gây bất an cho xã hội này.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận tình trạng tín dụng đen xuất phát từ nhu cầu vay của bà con. Tại sao 1 - 2 năm nay tình hình tín dụng đen lại trở nên phức tạp như vậy? Đó là vì nhu cầu của bà con quá lớn. Khi người ta quá túng bấn, không có cách nào khác thì dù biết lãi suất cao, không có khả năng trả được nhưng họ vẫn chấp nhận vay. Do đó, tôi nghĩ để giảm nạn tín dụng đen hoành hành thì ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng nên vào cuộc, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội, để hỗ trợ, giúp các đối tượng cần thiết tiếp cận nguồn vốn. Có thể tính đến cơ chế linh động nào đó để bà con không có tài sản thế chấp mà vẫn được tiếp cận vốn, được vay tiền… Chỉ giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng một cách dễ dàng hơn thì tín dụng đen mới giảm bớt được.
Trong dư luận cũng có thông tin cho rằng có dấu hiệu việc bảo kê của một số cơ quan thực thi pháp luật, những người có chức quyền đối với những đối tượng hoạt động tín dụng đen. Thực tế đây cũng là một biểu hiện của nhóm lợi ích, câu kết với nhau để hưởng tiền lãi chênh lệch của người dân. Tôi cho rằng, nếu phát hiện bất cứ trường hợp nào bảo kê cho người vay nặng lãi thì phải xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn, phải xử lý hình sự.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ảnh: Gia Hân
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Phạt cả người đi vay
Hiện nay, các hình thức xử lý đối với hoạt động cho vay nặng lãi vẫn còn nhẹ, theo quy định tại bộ luật Dân sự 2015 thì hành vi này chỉ bị phạt 5 - 15 triệu đồng. Vì thế, tôi cho rằng cần có hình thức phạt nặng hơn nữa để đủ tính răn đe. Để làm được điều này, một trong các giải pháp là các quy định của pháp luật cần phải mở ra, phân cấp cho các địa phương để các địa phương chủ động đưa ra các quy định về hình thức xử lý tùy theo điều kiện, tính chất của từng địa phương. Như hiện nay, luật quy định một khung chung trong khi mỗi địa phương có điều kiện khác nhau, có những vụ việc ở địa phương này tính chất đơn giản nhưng có những vụ việc ở địa phương khác lại rất phức tạp thành ra hình phạt trở nên rất nhẹ, không đủ tính răn đe.
Đại biểu Quốc hội Anh Tuấn
Ảnh: Gia Hân
|
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc xử phạt đối với hoạt động tín dụng đen không chỉ thực hiện đối với đối tượng cho vay mà nên phạt cả những người đi vay. Thực tế là có cầu thì mới có cung và các hợp đồng tín dụng đen thực chất là sự thỏa thuận về mặt dân sự giữa 2 bên nên khó xử lý. Vì thế, để chấm dứt tình trạng này thì đối tượng đi vay cũng cần có hình thức phạt vì đã tham gia vào một hoạt động trái luật.
Về lâu dài, giải pháp căn cơ để chấm dứt được tình trạng này là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được về những hành vi tín dụng phi pháp. Các tổ chức tín dụng cũng cần phải phát triển các hình thức tín dụng vi mô hay còn gọi là tín dụng cá nhân để những người không có vốn có thể tiếp cận nguồn vốn với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn, đồng thời giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay này một cách chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích. Chúng ta cứ nói tăng cường khả năng tiếp cận vốn một cách đơn thuần nhưng người được vay lại sử dụng vốn không đúng mục đích thì sẽ không thể cải thiện được gì.
Đại biểu Quốc hội Anh Tuấn (TP.HCM)
Thêm mô hình cho vay tài chính
Phía sau tín dụng đen là cả hệ thống đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, gây gánh nặng tâm lý lên toàn xã hội. Họ có thể dùng cả dao búa đè vào cổ người vay bất cứ lúc nào nên nhiều người đã phải bỏ trốn khỏi chỗ ở, thậm chí trốn cả ra nước ngoài. Tín dụng đen là ung nhọt của xã hội.
TS Lê Xuân Nghĩa
Ảnh: Anh Vũ
|
Để khắc phục tình trạng tín dụng đen lộng hành, quấy nhiễu cuộc sống người dân, phải có biện pháp giải quyết vấn đề từ gốc - tức là phải khắc phục, giải tỏa nguồn vốn vay cho người dân; thúc đẩy sự tham gia và phát triển của các mô hình công ty tài chính tiêu dùng để người dân có thêm nhiều lựa chọn vay vốn bên cạnh các hình thức truyền thống như ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng nhà nước. Sự phát triển của các công ty tài chính sẽ giúp ngăn chặn các hình thức tín dụng đen, giảm thiểu tối đa những hoạt động cho vay bất hợp pháp, bắt chẹt người dân, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn có nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ dùng cho mục đích tiêu dùng nhanh.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính quốc gia
Lê Hiệp - Anh Vũ (ghi)
|
Thái Sơn
THANH NIÊN
|