Thứ Tư, 12/12/2018 11:00

Thêm nạn nhân của chiêu lừa bán đất nền

Vì cả tin, nhiều khách hàng đã "dính bẫy" của Công ty Thiên Hưng Khang để rồi tiền mất tật mang

Sau bài viết "Nở rộ nạn lừa bán đất dự án" (ngày 10-12), Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc mua đất nền nhưng pháp lý không rõ ràng nên khi yêu cầu trả lại tiền thì cả chủ đầu tư và công ty môi giới đều chối trách nhiệm.

Bị mất tiền oan

Gửi đơn đến Báo Người Lao Động, vợ chồng anh Trần Công Dũng cho biết anh đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc Công ty Thiên Hưng Khang có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Anh Dũng kể hồi tháng 5, qua một công ty môi giới, vợ chồng anh đã mua một lô đất ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thuộc Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Tín An Phát (hiện đã đổi tên thành Công ty Thiên Hưng Khang, đường Lê Quang Định, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Tổng giá trị lô đất là hơn 1,5 tỉ đồng. Theo hợp đồng, vợ chồng anh Dũng thanh toán 60%, có cả tiền cọc. Tuy nhiên, khi kiểm tra từ Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, anh Dũng phát hiện lô đất này thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Văn Hùng. Đồng thời, anh cũng biết được thông tin công ty này chưa được phép phân lô, tách thửa. Anh Dũng bù thêm 300 triệu đồng để công ty đổi sang lô đất khác. Hai bên thỏa thuận trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký bản cam kết, công ty sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh Dũng. Thế nhưng, sau đó lãnh đạo công ty cứ hứa hẹn hết tuần này đến tuần khác với lý do "đang làm thủ tục chuyển thổ cư" để kéo dài và né tránh.

Dự án của Thiên Hưng Khang tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai chưa được phép phân lô bán nền

Ngày 11-12, trao đổi với phóng viên, vợ anh Dũng là chị Phan Thị Diễm cho hay TAND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có thông báo ngày 20-12 lên tòa để hòa giải. Dù vậy, phía Công ty Thiên Hưng Khang lại gửi thông báo sẽ trả lại cho anh Dũng số tiền 214,7 triệu đồng. Trong khi đó, trên các phiếu thu và cả biên bản thỏa thuận giữa hai bên, số tiền mà anh Dũng đã thanh toán cho công ty trên 900 triệu đồng. "Chúng tôi còn phát hiện lô đất mà công ty hứa đổi là một cá nhân khác đứng tên. Diện tích cũng không giống như cam kết. Tôi nghi ngờ công ty đã lừa đảo, vì vậy chúng tôi sẽ kiện đến cùng để đòi quyền lợi chính đáng của mình" - chị Diễm khẳng định.

Tương tự, chị Giang (nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng đã dính vào trường hợp mua đất nền không rõ ràng pháp lý của Công ty Thiên Hưng Khang. Sau một thời gian khổ sở đi đòi quyền lợi, chị Giang đã bị căng thẳng quá độ nên đành chịu mất 150 triệu đồng mà phía công ty gọi là "chi phí marketing" để nhận lại số tiền khoảng 1,35 tỉ đồng trong 1,5 tỉ đồng mà chị đã đóng.

Nhận diện các công ty lừa đảo

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty Thiên Hưng Khang qua điện thoại, tin nhắn nhưng vẫn không được hồi đáp. Sau đó, chúng tôi được một người xưng là Công ty Thiên Hưng Khang hẹn gặp để trao đổi sự việc tại văn phòng quận 7. Thế nhưng, khi chúng tôi đến nơi thì vị này giới thiệu là Nguyễn Ngọc Túy Linh, Trưởng Văn phòng luật sư Hưng Thịnh Phát - đại diện hỗ trợ pháp lý cho Thiên Hưng Khang. Điều đáng nói là vị này không trả lời được tất cả nội dung liên quan về pháp lý của dự án cũng như hướng giải quyết cho khách hàng.

Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm Tư vấn pháp luật TP HCM, nhìn nhận sau một thời gian rầm rộ đổ bộ ra vùng ven mua đất nền, hiện nhiều người gặp rắc rối khi mua nhầm dự án không có hồ sơ pháp lý rõ ràng. Nhất là tình trạng nhiều doanh nghiệp đưa ra các nội dung ký kết với khách hàng không đúng quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. "Nếu chủ đầu tư thực sự triển khai dự án thì không thực hiện các hình thức lách luật như ký hợp đồng góp vốn, giữ chỗ" - luật sư Dũng phân tích.

Từ đó, luật sư Dũng lưu ý khách hàng khi đi xem đất phải nắm được thông tin dự án đã hoàn tất khâu đầu tư hạ tầng như có hệ thống đường, thoát nước, trụ điện... hay không. Ngoài ra, người mua nên yêu cầu chủ đầu tư cho xem các văn bản gồm bản vẽ tỉ lệ 1/500 có phê duyệt của tỉnh, phải có biên bản nghiệm thu của Sở Xây dựng… Luật sư Dũng cũng khuyến cáo người mua một thủ thuật khác mà nhiều chủ đầu tư hay dùng, đó là họ chỉ có chừng 10 tỉ đồng nhưng lập công ty vốn 20 tỉ đồng, sau đó bỏ ra vài trăm triệu đồng xin chủ trương quy hoạch rồi đi ký ghi nhớ với chủ đất khi triển khai dự án thì sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Sau đó, họ đã photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập bản vẽ trên giấy, đem nộp cơ quan chức năng, xong cho người đi chèo kéo khách các nơi để dụ đặt cọc, tổ chức khuyến mãi hấp dẫn khiến người mua cả tin bị dính bẫy, gặp rất nhiều rắc rối về sau. 

 

Có thể khởi tố hình sự

Theo luật sư Trần Đình Dũng, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, có hiệu lực ngày 1-1-2018) đã cho phép khởi tố pháp nhân thương mại vi phạm các quy định về kinh doanh bất động sản, cố ý làm trái các quy định của nhà nước, gây thiệt hại cho nhiều người trong xã hội. "Vì vậy, khách hàng có thể liên kết lại để tố cáo những doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp, đẩy khó khăn về cho khách hàng" - luật sư Dũng gợi ý.

Bài và ảnh: SƠN NHUNG

Người Lao động

Các tin tức khác

>   Tồn kho bất động sản còn hơn 22.000 tỉ đồng (12/12/2018)

>   Chợ bất động sản online ngày càng sôi động (11/12/2018)

>   Nhà ở xã hội: “Chắc chắn không hoàn thành mục tiêu 12.5 triệu m2 trong 2 năm còn lại” (11/12/2018)

>   Doanh nghiệp bất động sản đổ về tỉnh (11/12/2018)

>   Bất động sản 2019 sẽ “sốt nóng cục bộ” (11/12/2018)

>   Nở rộ nạn lừa bán đất dự án (10/12/2018)

>   Nỗi lo “thuế chồng thuế” của doanh nghiệp bất động sản (10/12/2018)

>   Thực trạng phát triển bất động sản TP.HCM hiện nay (08/12/2018)

>   Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động như thế nào đến thị trường bất động sản? (07/12/2018)

>   Tạo ra một loại hình BĐS mới liệu có khả thi trong điều kiện hiện nay? (07/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật