Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?
Trong thời gian gần đây, người ta hay nhắc nhiều về chiến tranh thương mại mà mối quan tâm hàng đầu là tác động như thế nào lên nền nền kinh tế Việt Nam. Riêng đối với thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội bên cạnh những thách thức.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại Hội nghị Bất động sản 2018 diễn ra ngày 06/12
|
Theo số liệu của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV dẫn ra tại Hội nghị Bất động sản 2018 diễn ra ngày 06/12, kinh tế thế giới năm 2018 tăng trưởng khoảng 3.3%, tương đồng với năm 2017. Tuy nhiên, năm 2019 sẽ không giữ được đà tăng này và bắt đầu giảm tốc, mức tăng dự tính vào khoảng 3.1%, tức thấp hơn 0.2% so với năm 2018, mà nguyên nhân chủ yếu là do chiến tranh thương mại.
Trong 4 thách thức của năm 2018 và 2019 thì chiến tranh thương mại được xếp vào yêu tố rủi ro hàng đầu. Việc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang không chỉ ảnh hưởng tới hai quốc gia làm chủ cuộc chơi mà còn tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Bất động sản (BĐS) phát triển tốt hay không tốt phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế vĩ mô. Ngược lại, BĐS phát triển tốt sẽ tác động rất tốt đến nền kinh tế bởi vì sức lan tỏa của BĐS rất lớn, đầu từ 1 đồng vào BĐS hệ số lan tỏa có thể từ 1.5 – 2 lần”.
Một số nước đã bắt đầu thắt chặt tiền tệ, cụ thể là tăng lãi suất như Mỹ, sắp tới có thể là EU, Nhật Bản. Việc tăng lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư. Hiện nay, lãi suất tại Việt Nam cũng đang nhích lên và điều này sẽ gây khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp BĐS trong việc tiếp cận vốn cũng như trả nợ vay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, do chiến tranh thương mại nói chung và kèm theo nhiều lý do khác, dòng vốn nước ngoài đã có sự thay đổi trong năm vừa qua. Đa số dòng vốn ngoại đã rút khỏi thị trưởng mới nổi, cả đầu tư cổ phiếu và trái phiếu. “Rất may Việt Nam là nước duy nhất không bị rút mà còn tăng một chút”.
Do đó, theo ông Lực, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn là khó khăn. Trong khối ngành BĐS, điển hình là BĐS công nghiệp và mặt bằng bán lẻ là hai phân khúc được đón nhận những tác động tích cực từ cuộc đối đầu giữa hai ông lớn Mỹ - Trung Quốc.
Về BĐS công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có xu hướng dịch chuyển nhà máy, công xưởng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Đối với mặt bằng bán lẻ, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài đã và đang thực hiện các thương vụ M&A đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. BĐS nhà ở cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định, từ phân khúc cao cấp cho người nước ngoài đến phân khúc giá rẻ dành cho công nhân, người lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là ở những địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp.
Theo đó, một trong những giải pháp trọng điểm TS. Cấn Văn Lực đưa ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là xây dựng và thực thi chiến lược ứng dụng chuỗi khối – blockchain vào kinh doanh vì theo ông “năm 2019 là năm kinh doanh số và năng suất lao động”.
Nguyên Ngọc
FILI
|