Nở rộ thẻ nạp tiền thanh toán
Khách hàng nạp tiền vào thẻ thành viên, dùng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ đang ngày càng phổ biến.
Khách hàng muốn tích lũy điểm nhận thưởng tại Starbucks phải thanh toán bằng thẻ
ẢNH: KHẢ HÒA
|
Thẻ tích điểm biến thành thanh toán
Từ ngày 10.11, nhiều khách hàng của Starbucks VN khá bất ngờ khi hệ thống này bắt đầu áp dụng thẻ thanh toán mới được tích điểm thành viên. Khách hàng cũ đã có thẻ thành viên, phải nạp tiền vào thẻ này để thanh toán khi giao dịch thì mới được tích lũy điểm và nhận được quà tặng khuyến mãi như trước. Cụ thể, nếu tích đủ 5 điểm ngôi sao (tương đương chi tiêu 200.000 đồng) sẽ được ưu đãi mua 1 tặng 1 và nhận bánh sinh nhật; tích lũy đến 25 điểm ngôi sao (tương đương chi tiêu 1 triệu đồng trở lên) sẽ được nhận một ly nước miễn phí (giá trị từ 70.000 - 100.000 đồng). Nhiều khách hàng thường xuyên của Starbucks đã tham gia chương trình tích điểm.
Thế nhưng hình thức này cũng khiến một số khách hàng tỏ ra khó chịu. Anh Dương (ngụ Q.5, TP.HCM) cho rằng tiền từ túi mình bỗng nhiên phải nạp vào cho Starbucks giữ giúp dù chỉ vài trăm ngàn đồng anh cũng không thích. Mặc dù hình thức này áp dụng song song với việc thanh toán bằng tiền mặt nhưng vô hình trung đã “ép buộc” các khách hàng thân thiết phải sử dụng. Đó là chưa kể việc nạp tiền vào thẻ cũng chỉ được thực hiện ngay tại quầy giao dịch. Nghĩa là người dùng đưa tiền mặt, nhân viên nạp vào thẻ, xong rồi lấy thẻ quẹt thanh toán. Nhưng không thể báo qua tin nhắn về số tiền đã trừ và số tiền còn lại trong thẻ…
Phương thức thanh toán sản phẩm hay dịch vụ thông qua thẻ tích điểm đã được nhiều nơi áp dụng. Chẳng hạn tại các khu vui chơi TiniWorld, khách hàng được khuyến khích nạp tiền vào thẻ thanh toán và mỗi lần mua vé, mua sản phẩm sẽ trừ dần. Hệ thống chiếu phim CGV cũng bán thẻ dịch vụ nạp sẵn tiền, khách hàng có thể mua để tặng cho người khác với nhiều mệnh giá khác nhau.
Hoặc một số doanh nghiệp (DN) thường hay áp dụng ưu đãi giảm giá khi khách hàng trả tiền trước khi mua một gói sản phẩm dịch vụ. Chị Sương (nhân viên spa trên đường Trương Định, Q.3, TP.HCM) tư vấn cho chúng tôi thanh toán tiền càng cao thì giá trị sử dụng càng nhiều, chẳng hạn thanh toán 5 triệu đồng cho gói sử dụng dịch vụ ở spa trị giá 15 triệu đồng, thanh toán 3 triệu đồng sẽ có giá trị sử dụng là 7 triệu đồng… Thẻ sử dụng do spa này quản lý, mỗi lần khách dùng xong dịch vụ sẽ ký xác nhận tên thẻ. Do đó, trường hợp spa này dừng hoạt động, khách hàng cũng sẽ khó có thể đòi tiền vì không lưu bất cứ chứng từ, bằng chứng nào đã thanh toán trước cho dịch vụ.
Cẩn thận với biến tướng
Nhận xét về xu hướng này, phó tổng giám đốc phát triển dịch vụ khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần cho rằng “có gì đó không ổn”. DN huy động vốn và cung cấp dịch vụ thanh toán qua thẻ thành viên hiện nay không phải xin phép bất cứ cơ quan chức năng nào. Trong khi ngân hàng phát hành thẻ, huy động vốn phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Ngay cả các công ty triển khai ví điện tử cũng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, sau đó các công ty này phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ. Nếu huy động số tiền lớn rồi DN biến mất thì ai chịu trách nhiệm, vị này nêu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, lại cho rằng các hình thức nạp tiền vào thẻ thành viên để hưởng giảm giá, tích lũy điểm là du nhập từ nước ngoài, không vi phạm pháp luật. Mặc dù cho rằng đây là hình thức thanh toán nội bộ, các quy định không nên cấm nhưng luật sư này cũng thừa nhận đó là huy động vốn và có thể biến tướng bằng mô hình các DN liên kết sử dụng hệ sinh thái lẫn nhau để huy động vốn cũng như sử dụng thẻ thành viên trong thanh toán. Chính vì vậy cần có những quy định quản lý rõ ràng đối với hình thức phát hành thẻ thành viên nạp tiền của khách. Đồng thời, các DN phải tuân thủ chế độ kế toán khi nhận tiền trước của khách rồi bán hàng sau, các khoản tiền huy động được của khách hàng sẽ được ghi nhận trên hệ thống kế toán như thế nào để tránh hiện tượng trốn thuế.
Thanh Mai
Thanh Niên
|