Nhịp đập thị trường 10/12: Sắc đỏ duy trì
Mặc dù đầu phiên chiều, các chỉ số thị trường đã được đẩy sát đến tham chiếu nhưng lực bán đột ngột xuất hiện khiên thị trường đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 0.28% dừng tại mức 955.89 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.30%, đóng cửa tại 106.82 điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE và HNX đạt 158 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 3,300 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 250 mã tăng và 312 mã giảm điểm.
Các cổ phiếu ngành ngân hàng đang diễn biến khá tiêu cực. Khi mà chỉ còn TCB, HDB thể hiện được sắc xanh và đóng góp tích cực vào chỉ số VN-Index. Trong khi đó, các ông lớn như VCB, BID và CTG đều giảm mạnh. Đặc biệt cổ phiếu CTG là mã khiến chỉ số VN-Index giảm điểm nhiều nhất trong phiên hôm nay.
Cùng với đó, các cổ phiếu họ nhà Vingroup đều chìm trong sắc đỏ khi VIC, VRE cùng giảm điểm (riêng cổ phiếu VRE giảm đến hơn 3%). Trong khi đó cổ phiếu VHM vẫn giữ ở mức tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh bao trùm các mã Large Cap trong ngành thực phẩm-đồ uống như VNM, MSN, SAB. Ngành dầu khí chứng kiến sự tăng mạnh của các mã GAS và PVD. Tín hiệu tích cực cũng được nhìn thấy ở các cổ phiếu PVC và PVS.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng hơn 42 tỷ đồng trên sàn HOSE với lực mua tập trung ở các mã VNM, E1VFVN30, VRE… Trên sàn HNX khối ngoại bán ròng với lực bán tập trung vào PC3, PVS…
14h: Tiếp tục giảm điểm
Mở cửa phiên chiều, VN-Index giằng co khá mạnh nhưng ngay sau đó, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số tiếp tục giảm điểm.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 331 mã giảm và 214 mã tăng.
VN-Index nhìn chung có sự giằng co khá mạnh trong khoảng thời gian đầu phiên chiều. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng là nguyên nhân kéo chỉ số đi xuống. Sắc đỏ lan tỏa rộng khắp ở rổ VN30, khi chỉ có 5 cổ phiếu tăng, 1 cổ phiếu đứng giá và đến 24 cổ phiếu giảm. Chỉ số thoái lui rất nhanh về mức 922 điểm.
Nhóm Mid Cap và Large Cap đồng loạt ghi nhận các nhịp sụt giảm liên tiếp, với mức giảm lần lượt là -0.51% và -0.36%.
Nhóm sản xuất thiết bị, máy móc và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là 2 ngành kéo chỉ số giảm mạnh nhất với mức giảm -1.96% và -1.80%. Ở chiều ngược lại, nhóm công nghệ thông tin đang dẫn đầu đà tăng với mức tăng lên đến 2.72%.
Khối ngoại giao dịch khá sôi động nhưng lại nghiêng nhẹ về bên bán. Trong đó, HPG và 3 cổ phiếu nhà họ Vin tiếp tục là những cổ phiếu khối ngoại bán mạnh trên sàn HOSE.
11h30: Thu hẹp đà giảm
Nhờ sự tăng trưởng của ngành thực phẩm-đồ uống và khai khoáng nên đà giảm đã thu hẹp. Các ngành còn lại như bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản… đều đi xuống.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 955.38 điểm, giảm 0.33%; HNX-Index dừng tại mức 106.72 điểm, tương đương mức giảm 0.39%.
Các hợp đồng phái sinh cũng giảm khá mạnh. Basis của các hợp đồng đều âm khá lớn (mở rộng hơn -15 điểm) cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về trung và dài hạn vẫn là bi quan.
Giao dịch trên cả hai sàn ở mức vừa phải cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 199 mã tăng điểm và 296 mã giảm điểm. Bên bán chiếm ưu thế trong cả phiên sáng.
Về nhóm ngành, ngành công nghệ và thông tin tăng mạnh và đứng đầu thị trường. Tuy nhiên, ngành thực phẩm-đồ uống mới là ngành gây chú ý lớn nhất với sự tăng trưởng của VNM, SAB.
Ngành khai khoáng cũng tăng tốt với sự đi lên của PVD, PVS, PVB. Đây là một trong những tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong thời gian gần đây.
10h30: Bên bán tiếp tục chiếm ưu thế
Thị trường tiếp tục điều chỉnh với bên bán chiếm ưu thế. Các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của giới đầu tư.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 195 mã tăng và 269 mã giảm. Có tổng cộng 15 ngành giảm điểm trong 25 ngành trên toàn thị trường.
Cuối tuần trước, Trung Quốc vừa công bố báo cáo xuất-nhập khẩu yếu hơn dự báo rất nhiều – một điều báo trước về sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu và nội địa. Điều này đã làm cả thị trường chứng khoán châu Á, trong số đó có Việt Nam, chìm trong sắc đỏ vào đầu tuần.
Ngành thực phẩm - đồ uống đang là “công thần” của thị trường. Nhờ sự tăng trưởng của VNM và SAB mà đà giảm toàn thị trường không quá lớn.
VNM đang tăng trưởng khá vững chắc trong ngắn hạn. Nếu giá vượt qua được vùng kháng cự 135,000-140,000 thì mục tiêu mới sẽ là vùng 158,000-160,000.
Diễn biến giá VNM trong vòng 3 năm qua
Mở cửa: Sắc đỏ đầu phiên
Tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các tin tức xấu trên thị trường chứng khoán thế giới, mở cửa đầu phiên, VN-Index và HNX-Index đồng loạt giảm điểm. Áp lực bán tại nhóm Bluechip đang khiến thị trường giảm điểm mạnh ngay đầu phiên.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán vào đầu phiên khi có 146 mã tăng và 202 mã giảm.
VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều đang ở trạng thái discount (lần lượt là -0.42% và -0.83%) nên dự kiến sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.
Mở cửa đầu phiên, sắc đỏ lan rộng trên toàn thị trường.
Bộ ba cổ phiếu họ Vin đang điều chỉnh khá mạnh. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đồng loạt giảm điểm sau những phiên tăng trưởng ấn tượng tuần trước. Các mã VCB, CTG, BID, TCB đều đang nằm trong top những cổ phiếu giảm điểm nhiều nhất trên thị trường.
Điểm sáng lúc này là sự hồi phục tốt từ cổ phiếu GAS. Nguyên nhân là do việc giá dầu đã có sự hồi phục tích cực vào cuối tuần trước.
Nguyễn Dũng
FILI
|