Nhịp đập Thị trường 06/12: Diễn biến chiều nay mang lại kỳ vọng cho ngày mai
Tình hình không cải thiện hơn trong phiên chiều nay, VN-Index thậm chí còn giảm sâu hơn so với phiên sáng. Chỉ số chỉ hồi lại trong nửa sau phiên chiều, khi đóng cửa ở mức 954.82 điểm, chỉ giảm chừng 0.24%, mang lại kỳ vọng cho buổi giao dịch ngày mai.
Dù sao đi nữa, dù chỉ số chứng khoán Việt Nam hôm nay chịu tác động không nhỏ từ diễn biến trên các sàn chứng châu Á, nhưng vẫn có một sự kỳ vọng không nhỏ rằng sẽ dựa vào nội lực để đi lên, do đó mức độ giảm của VN-Index cũng “dịu” hơn nhiều so với mức giảm của các chỉ số chính sàn châu Á khác.
Diễn biến trên 2 sàn HNX và UPCoM cũng chịu tác động tương tự như HOSE, và cũng có sự phục hồi gần cuối phiên, thậm chí UPCoM-Index còn tiến sát mức tham chiếu, thiếu chút nữa là chuyển sang sắc xanh.
Nhìn ở góc độ ngành, có lẽ hàng không, dầu khí là những nhóm có số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn số giảm giá. Các nhóm khác đều có sự phân hóa rõ rệt, như ngân hàng, thủy sản, BĐS dân dụng… hoặc nghiêng theo hướng tràn ngập sắc đỏ như chứng khoán, bảo hiểm…
HPG lại trở thành mã giảm giá nhiều nhất trong nhóm VN30, với mức giảm 2%. Khối ngoại bán ròng hơn 900,000 cổ phiếu ở HPG, và nhiều khả năng chính họ đã “đè” giá cổ phiếu này chiều nay.
DPM gây bất ngờ nhất trong nhóm VN30 khi thị giá bỗng chuyển sang tăng 2.8% trong phiên chiều, trong khi giảm hơn 2.1% trong phiên sáng. DCM cũng tăng giá gần 1.5%, tuy nhiên những cổ phiếu khác trong nhóm phân bón dường như không đạt được “sự đồng thuận” với 2 mã này, khi hầu hết đứng giá hoặc giảm giá, thậm chí LAS còn giảm đến 4.6%.
HBC cũng là cổ phiếu gây ngạc nhiên trong phiên chiều nay, khi tăng giá đến 6.1% với khối lượng khớp lệnh khủng gần 3.2 tr.cp. Rõ ràng cổ phiếu này sẽ khiến các biểu đồ kỹ thuật phát sinh các chỉ báo tích cực, và khiến traders chú ý trong phiên ngày mai.
3 đại gia nhóm hàng không chiều nay đều tăng giá là VJC, ACV và HVN. Chưa rõ có mối liên hệ nào với nhận định rằng ngành hàng không sẽ được nới room ngoại hay không.
Phiên sáng: Đi theo châu Á thôi, không khác được
VN-Index “chính thức” giảm kể từ khoảng 10h40, sau những nỗ lục cầm cự để không đi theo các TTCK châu Á khác. Đến cuối phiên sáng nay, chỉ số đã giảm gần 0.3% về 954.34 điểm. Dù sao đi nữa, mức giảm này vẫn “nhẹ” hơn nhiều so với đà giảm của các chỉ số chính trên các thị trường lớn của châu Á sáng nay.
Chỉ số VN30-Index giảm mạnh hơn 1 chút so với chỉ số chính sàn HOSE. Số lượng mã giảm giá trong nhóm VN30 cũng đã tăng lên 20, so với chỉ khoảng hơn 10 mã đầu phiên sáng. DPM là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong nhóm này, tiếp theo là cái tên quen thuộc ROS. GAS và HPG cũng đã giảm mạnh hơn so với đầu phiên, ngạc nhiên nhất có lẽ là REE khi bất ngờ giảm kể từ 10g.
Chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM cũng chịu tác động từ HOSE, cả 2 đều giảm khoảng 0.35%. Tuy nhiên điều thú vị là số mã đứng giá vẫn chiếm nhiều nhất trên 2 sàn này, mà trong đó, không ít mã thuộc diện mất thanh khoản “kinh niên”. Có lẽ cổ phiếu phòng thủ nên được định nghĩa lại, tức bao gồm các mã không giảm giá khi thị trường xuống nhờ… mất thanh khoản, hơn là nhờ kết quả kinh doanh tốt.
MBB tăng giá nhẹ 1.1%, đi kèm với lượng giao dịch lên đến 11.3 tr.cp, gần bằng cả ngày hôm qua, sau khi có tin VCB bán xong 23.7 tr.cp. Ngược lại, VCB giảm giá nhẹ 0.7% dù khối ngoại mua ròng. Thực tế kết quả sáng nay của 2 cổ phiếu này không hẳn có liên quan gì đến giao dịch vừa qua. Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng cũng đang đi theo thị trường, nhưng có sự phân hóa khá rõ vì kỳ vọng vào nhóm này vẫn cao hơn so với nhiều nhóm ngành khác.
Tương tự ngân hàng, dầu khí đang có sự phân hóa rõ rệt hơn so với đầu phiên sáng, nhưng dường như tâm lý hưng phấn vẫn chiếm chủ đạo. GAS giảm giá 1.1%, POW giảm 0.65%, PVT giảm nhẹ 0.3% vào cuối phiên dù đa số thời gian giao dịch là tăng giá. Nhiều mã khác như BSR, OIL, PVS, PVD vẫn giữ được đà tăng giá.
HPG vẫn bị khối ngoại bán ròng, dù mới chỉ khoảng 210,000 cp, khá ít so với các phiên gần đây. Còn phải chờ xem khối ngoại có bán mạnh hơn trong phiên chiều nay hay không, nhưng HPG vẫn là cổ phiếu có thị giá chịu tác động mạnh từ giao dịch của khối ngoại.
Trong nhóm xây dựng, HBC bất ngờ tăng giá 2.1% sáng nay với lượng khớp lên đến 1.5 tr.cp, gần gấp 2 lần cả ngày hôm qua. Lượng khớp này cũng được coi là cao gấp 2 lần so với bình quân 1 tháng gần đây, và chỉ thấp hơn lượng khớp hôm 13/11. Chưa rõ hiện tượng tăng giá sáng nay có phải nhờ khối ngoại mua ròng hay không.
SIC (công ty con của SCIC) đăng ký bán 0.5 tr.cp FPT, tuy nhiên có lẽ FPT giảm giá 0.45% sáng nay không phải vì tin này. Với thanh khoản hiện tại, lượng bán của SIC có lẽ chỉ cần 1 phiên là kết thúc.
10h50: VN-Index cố gắng không đi theo chỉ số chứng khoán châu Á
VN-Index liên tục rung lắc quanh tham chiếu, do chịu tác động từ VN30. NVL, HSG vẫn giữ được đà tăng giá tốt từ đầu phiên sáng, tuy nhiên ở phía giảm giá, ngoài VNM và ROS, còn có thêm “đóng góp” từ VPB, CTG… VIC và VRE đang cố giữ nhịp bên trên tham chiếu.
Sáng nay VN-Index có lẽ là chỉ số châu Á hiếm hoi còn giữ được sắc xanh. Khắp các sàn châu Á đang tràn ngập sắc đỏ. Tính tới lúc 10h30, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt 732.56 điểm (-2.73%), trong đó cổ phiếu của ông lớn công nghệ Tencent lao dốc hơn 2%.Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite hạ 32.84 điểm (-1.24%), còn Shenzhen Composite lùi 0.816%.
Ở góc độ nhóm ngành, hầu hết các nhóm lớn đều đang có sự phân hóa mạnh của cổ phiếu, như ngân hàng, bất động sản, sắt thép... Có những nhóm gần như toàn sắc đỏ như bảo hiểm, chứng khoán. Tuy nhiên dầu khí vẫn có diễn biến tích cực chủ đạo. GAS và POW quay sang giảm nhẹ lần lượt 0.5% và 0.6%, nhưng PVD, PVS, BSR … vẫn giữ sắc xanh, thậm chí OIL còn tăng tới 4.1% mạnh hơn đầu phiên sáng.
Sàn phái sinh đang cho thấy tâm lý bi quan khi cả 4 hợp đồng tương lai đều đang có mức giá thấp hơn tới 12-14 điểm so với điểm số cơ sở, thậm chí khoảng cách (gap) với điểm số đang giãn ra hơn so với đầu phiên.
Mở cửa: Tâm lý hàng về
VN-Index giảm nhẹ đầu phiên sáng nay, dù không có tin vĩ mô xấu ảnh hưởng tâm lý NĐT. Có lẽ mức giảm này là hệ quả từ diễn biến giao dịch ngày hôm qua, tức tâm lý hàng về phiên đầu tuần 03/12. ROS, VNM đang là 2 mã giảm giá nhiều nhất trong nhóm VN30, ngược lại với NVL và SBT.
NVL sáng nay tăng giá gần 3% khi có tin mua cổ phiếu quỹ. Trong số các mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, NVL có thể gọi là thuộc nhóm “phòng thủ”, khi giữ giá quanh phạm vi 65,000-70,000 đ/cp suốt từ tháng 8 đến nay.
Dầu khí đang là nhóm có lượng mã xanh chiếm đa số. GAS, PVD, PVS, BSR, OIL, POW… đều tăng giá. Đây có lẽ là nhóm có diễn biến tích cực nhất trong đầu phiên sáng nay.
Báo chí lại đăng tải ý kiến về khả năng nới room ngoại cho 2 nhóm ngân hàng và hàng không, tuy nhiên cổ phiếu vốn hóa lớn trong 2 nhóm này chưa thấy chạy. Sáng nay HVN và VJC mở cửa tăng nhẹ gần 1%. Một số mã ngân hàng có gốc nhà nước cũng tăng giá nhẹ. MBB tăng giá 0.4% sau khi VCB thoái vốn xong.
TCB đã được phép margin, theo công bố của HOSE. Đây có lẽ là tin tốt cho cổ phiếu TCB, và diễn biến 3 phiên gần đây đang cho thấy khả năng tăng giá kỹ thuật. Sáng nay TCB tăng nhẹ gần 1%.
VMN sáng nay tiếp tục giảm nhẹ gần 1% khi khối ngoại giảm mua ròng. Trong vòng nửa tháng gần đây, VNM tăng giá khá tốt từ 117,000 đ/cp lên 135,000 đ/cp, tất nhiên nhờ khối ngoại mua ròng liên tục. Tuy nhiên từ hôm qua lượng mua ròng đã giảm khá mạnh, dẫn tới giá cổ phiếu này cũng giảm theo.
HPG quay đầu giảm 0.7% với “rủi ro” khối ngoại tiếp tục bán ròng, dù lãnh đạo cấp cao nhát của tập đoàn mới công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm. Trong 6 phiên gần đây nhất, ngày nào khối ngoại cũng bán ròng với khối lượng lớn trên 1 tr.cp (duy nhất phiên 29/11 bán ròng 912,580 cp). HPG có lẽ là cổ phiếu vốn hóa lớn “xui xẻo” nhất sàn HOSE vào lúc này, khi diễn biến giá cổ phiếu đi ngược với thông tin làm ăn mà chính doanh nghiệp công bố đến hàng tháng.
Hoàng Nam
FILI
|