Kiều hối 'chảy' vào tiết kiệm
Lãi suất tại Mỹ hiện từ 2 - 2,5% trong khi lãi suất USD tại VN là 0%. Thế nhưng, dòng kiều hối chảy về vẫn tăng mạnh.
Lượng kiều hối tăng nhanh vào cuối năm
Ảnh: Đào Ngọc Thạch - Đồ Họa: Phúc Hải
|
Chuyển tiền đồng để hưởng lãi cao
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM 10 tháng qua đạt 3,8 tỉ USD. Thông thường các tháng cuối năm lượng kiều hối sẽ tăng mạnh và dự báo năm 2018 sẽ đạt con số 5,2 tỉ USD. Kiều hối chuyển về nước chủ yếu từ thị trường Mỹ (chiếm khoảng 60%), các nước châu Âu (khoảng 19%)... Theo thống kê, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 70 - 72%, vào bất động sản khoảng 22% và còn lại là hỗ trợ người thân.
Một lực hút kiều hối hiện nay đến từ mức chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ tại VN. Hiện các NH trong nước đang tăng lãi suất huy động tiền đồng, đặc biệt là những kỳ hạn dài trên 12 tháng để đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm cũng như đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng ở một số NH đã lên trên 8%/năm, mức cao nhất lên 8,6%/năm. Trong khi lãi suất tiền gửi bằng USD đang duy trì ở mức 0%. Với mức chênh lệch này, dòng kiều hối có xu hướng chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng, với mức lãi suất này, Việt kiều chuyển tiền về nước gửi tiết kiệm vẫn lời hơn.
Bà Thanh Trần, đang sống tại Mỹ, là một trường hợp như vậy khi quyết định gửi về VN cho chị gái 200.000 USD chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm lấy lãi. Bà Thanh Trần tính toán: Đổi số ngoại tệ này sang tiền Việt được khoảng 4,6 tỉ đồng, gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với lãi suất khoảng 7%/năm, tiền lãi hơn 160 triệu đồng tính đến hè năm 2019. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị NH TMCP Quốc Dân (NCB), lựa chọn cách này cũng là tính toán của không ít Việt kiều. Các NH ở Mỹ hiện trả lãi khoảng 2%/năm trong khi các nhà băng trong nước trả lãi lên đến 7 - 8%/năm đối với kỳ hạn gửi trên 12 tháng. Tính cả phần tiền đồng mất giá 3% từ đầu năm đến nay, thì việc gửi tiền về nước cũng hưởng được lãi 4%, gấp đôi ở Mỹ.
Có chính sách thu hút kiều hối bền vững
Theo báo cáo của NH Thế giới (World Bank), VN là nước đứng thứ 10 nhận kiều hối lớn nhất năm 2017 trên thế giới. Trong năm 2017, lượng kiều hối về VN là 13,8 tỉ USD, tăng so với 11,9 tỉ USD năm 2016 và 13,2 tỉ USD năm 2015. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối về VN tăng gấp đôi.
Nếu trước đây kiều hối chỉ mang tính chất hỗ trợ người thân cải thiện cuộc sống thì nhiều năm trở lại đây, kiều bào ở nước ngoài chuyển tiền về nhằm đầu tư trong nước qua các kênh như gửi tiết kiệm, mua bất động sản. Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng bày tỏ lo ngại sự tăng trưởng của dòng kiều hối có những hạn chế trong dài hạn và rủi ro là chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn tại nhiều quốc gia có dòng kiều hồi lớn.
Cùng quan điểm, ông Hiếu phân tích, thị trường kiều hối năm 2019 có thể sẽ khác hơn so với năm 2018. Hiện nay Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phản ứng về việc NH dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD ảnh hưởng đến nền kinh tế nên có khả năng trong tháng 12 này Fed sẽ không tăng lãi suất. Thế nhưng trong năm 2019, tùy thuộc vào sức khỏe kinh tế Mỹ, Fed có thể sẽ có 3 lần tăng lãi suất USD, mỗi lần tăng lên khoảng 0,25%, như vậy lãi suất sẽ lên đến 2,75 - 3%/năm. Điều này sẽ tác động đến dòng kiều hối chuyển về nước nhằm hưởng lãi như thời gian qua. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là một biến cố, có thể tạo ra khủng hoảng nếu đến cuối tháng 2 giữa hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, USD sẽ tăng giá và áp lực lên tiền đồng mất giá. Lúc này, kiều hối sẽ không còn thuận lợi như những năm trước.
Nên cho phép người gửi tiền xác thực từ xa
Với lượng kiều hối chiếm khoảng 7% GDP nhưng chủ yếu gửi tiền tiết kiệm ở các NH để hưởng lãi thông qua người thân, theo ông Nguyễn Trí Hiếu là khá rủi ro về tính pháp lý và khả năng xảy ra tranh chấp cao. Để giải quyết vấn đề này, nên cho phép người gửi tiền không phải đến NH mà vẫn có thể xác thực từ xa (khuôn mặt, vân tay...) để có thể thu hút nguồn tiền thay vì bắt buộc phải đến NH như hiện nay. Ngoài ra, kênh bất động sản cũng thu hút dòng kiều hối đầu tư nhiều năm trở lại đây nên cần có những chính sách đầu tư bất động sản thông thoáng, cập nhật thông tin minh bạch...
|
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|