Góp thêm nợ xấu, giảm phần lợi nhuận, FE Credit có còn là gà đẻ trứng vàng cho VPBank?
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), 9 tháng đầu năm qua, công ty tài chính FE Credit đã đóng góp thấp hơn vào thu nhập VPBank nhưng lại làm gia tăng nợ xấu của Ngân hàng mẹ.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB đạt 6.13 ngàn tỷ đồng, tăng 8.7% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch năm. Đáng chú ý, so với các năm trước, công ty con FE Credit tiếp tục ghi nhận tăng trưởng chậm hơn và đóng góp thấp hơn vào thu nhập hợp nhất của VPB.
Tăng trưởng cho vay tiêu dùng chậm hơn do cạnh tranh gia tăng. Cuối quý 3/2018, dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất tăng 9.5% so với thời điểm đầu năm (YTD), thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ vẫn đạt mức 11.3% YTD (9T 2017: 12.4% YTD) trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng của FE Credit chỉ đạt 4.2% YTD (9T 2017: 28.3% YTD).
Do sự sụt giảm của tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong quý 3/2018, NIM của VPB giảm gần 40 điểm cơ bản. Mặc dù VDS cho rằng NIM có thể tăng nhẹ trong quý 4/2018, nhưng NIM dài hạn sẽ thu hẹp sự cạnh tranh trong mảng tài chính tiêu dùng, đặc biệt là cho vay tiền mặt, đang ngày càng gia tăng với sự tham gia của nhiều công ty tài chính tiêu dùng mới.
Dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng mẹ và FE credit (Tỷ đồng)
|
Nợ xấu hợp nhất đã tăng mạnh từ 3.4% vào cuối năm 2017 lên mức 4.7% vào cuối quý 3/2018. Nợ xấu tăng nhanh ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Đối với FE Credit, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5% cuối năm 2017 lên mức 6.4% vào cuối quý 3/2018. VDS cho biết nợ nhóm 2 và nợ nhóm 3 tăng tương ứng 24% YTD và 60% (9T 2017 lần lượt là 19.6% và 2.7% YTD). Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ là 4.2% vào quý 3/2018 (quý 3/2017: 2.6%). Ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu cao đến từ nguyên nhân: Việc điều chỉnh phân loại nợ theo phân loại nợ của CIC, dẫn đến nợ xấu của VPB tăng hơn 12% YTD trong 9 tháng đầu năm 2018 và giải ngân khoản vay mới thấp.
Bên cạnh đó, VDS còn cho rằng một lý do khác góp phần khiến tỷ lệ nợ xấu cao hơn ở Ngân hàng mẹ là sự tăng trưởng mạnh của dư nợ không tài sản đảm bảo của CommCredit (cung cấp các khoản vay không có đảm bảo cho hộ gia đình và tiểu thương). Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ của CommCredit tăng trưởng hơn 15% YTD, nhanh hơn mức tăng trưởng dư nợ của toàn ngân hàng (+9.5% YTD), và chiếm gần 17% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL, trục trái) và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu 9LLR, trục phải) của Ngân hàng mẹ và FE Credit
|
Do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng đầu năm, VPB đã giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế cho cả ngân hàng mẹ và FE Credit.
Theo kịch bản cơ sở, VPB dự kiến dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ và FE Credit sẽ tăng trưởng lần lượt là 15% và 10% và lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 9,234 tỷ đồng (+14% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, theo VDS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ có thể đạt 17% YoY, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cao điểm trong quý cuối năm của nền kinh tế. Nền tảng vốn mạnh sẽ là yếu tố giúp VPB được duyệt tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức 15% hiện tại.
Trong khi đó, VDS lại cho rằng tăng trưởng tín dụng của FE Credit sẽ ở mức 10% YoY, chủ yếu do cạnh tranh cao trong phân khúc cho vay tiêu dùng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của VPB có thể đạt 9,421 tỷ đồng (+ 16% YoY) và EPS dự phóng là 2,342 đồng.
Phân khúc cho vay tiêu dùng suy giảm cùng với nợ xấu tăng mạnh đã khiến mức định giá tương đối (PB) của VPB giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Ở mức giá hiện tại, VPB đang giao dịch ở mức PB dự phóng 2018 là 1.7, thấp hơn đáng kể so với đầu năm nay và thấp hơn một chút so với PB trung bình ngành. Tuy nhiên, VDS cho rằng PB của ngân hàng khó có thể trở lại mức cao như trước đây trừ khi cho vay tiêu dùng của VPB, trong đó chủ yếu là cho vay tiền mặt, cho thấy sự cải thiện trong các quý sắp tới.
Hàn Đông
FILI
|