Giải mã nguyên nhân cá tra lập kỷ lục hơn 2 tỉ USD xuất khẩu
Thống kê đến tháng 11-2018, cá tra xuất khẩu đã đạt trên 2 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ giá trị tăng trưởng tốt của một số thị trường lớn truyền thống của cá tra như: Mỹ, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), châu Âu (EU), ASEAN đã kéo tổng xuất khẩu cá tra lên mức 2,04 tỉ USD trong 11 tháng năm 2018. Với tốc độ như hiện tại, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỉ USD trong năm 2018, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, đạt 494,3 triệu USD trong 11 tháng, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam sau một thời gian bị Trung Quốc qua mặt.
Sản phẩm cá tra của Công ty CP Vĩnh Hoàn, DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ
|
Thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng 29,3%, đạt 482,8 triệu USD, chiếm 23,7% thị phần, đứng ở vị trí số 2.
Đáng chú ý là thị trường EU đã hồi phục ấn tượng sau thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng truyền thông bôi nhọ. Tính đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 217,8 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang 4 thị trường lớn nhất đều tăng trưởng dương: Hà Lan tăng 29,6%; Anh tăng 1%; Đức tăng 7,1% và Ý tăng 56,2%.
Trao đổi với phóng viên ngày 22-12, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đánh giá năm nay, xuất khẩu cá tra có sự phát triển ngoạn mục từ 1,78 tỉ USD năm 2017 lên hơn 2 tỉ USD dù mới thống kê đến hết tháng 11.
"Kết quả này có được là nhờ sự cộng hưởng nhiều yếu tố. Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, cá tra ở mức giá cao. Sang năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, trong đó có Trung Quốc. Đáng chú ý là thị trường Mỹ, sau quá trình kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra Việt Nam.
Thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, một số doanh nghiệp có thuế suất 0% đã giúp thị trường quan trọng này tăng trưởng vượt bậc. Một phần quan trọng là các DN cá tra đã ý thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các DN chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường" – ông Quốc phân tích.
Về dự báo năm 2019, ông Quốc cho biết vẫn còn đà phát triển tốt nhưng vẫn còn nhiều vấn đề thách thức cần giải quyết. Đối với Trung Quốc là thị trường gần, nhu cầu lớn nhưng thiếu ổn định. Đối với xuất khẩu chính ngạch, một số tiêu chuẩn chung chung, chưa rõ ràng có thể là cái cơ để bên mua từ chối mua hàng khi giá cả biến động.
"Vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch rất đáng lo vì sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, có thể làm ảnh hưởng uy tín của cá tra Việt Nam" – ông Quốc đánh giá.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh
người lao động
|