Thứ Sáu, 21/12/2018 08:25

Tân Sơn Nhất 'căng mình' đón tết

4 ngày nghỉ Tết dương lịch rồi đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại đường hàng không tăng rất cao.

Kẹt xe trên đường Trần Quốc Hoàn tối 20.12. Ảnh: Ngọc Dương

Vì vậy ngay từ lúc này, các phương án chống ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ trong ra ngoài đang được thực hiện rốt ráo.

Chưa Tết đã kẹt

Còn hơn 1 tuần nữa mới đến thời gian nghỉ Tết dương lịch nhưng giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã bắt đầu có dấu hiệu ùn tắc, đặc biệt trong giờ cao điểm. Ngay chiều tối qua (20.12), đường Trần Quốc Hoàn hướng ra sân bay TSN ùn tắc nghiêm trọng. Xe máy, ô tô chạy lấn sang làn nhau, nhích từng chút một.

Từ cách đây nửa tháng, sáng 10.12, hàng ngàn phương tiện nối dài, chen cứng, phủ kín từ cầu vượt Nguyễn Thái Sơn xuống tới khu vực vòng xoay, hướng từ Phạm Ngũ Lão đi Hoàng Hoa Thám khiến giao thông hỗn loạn. Nút giao thông cửa ngõ sân bay này kẹt cứng hơn 2 giờ đồng hồ từ 7 giờ sáng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân ngày đầu tuần. Không cần ngày cao điểm, tuyến đường từ sân bay TSN chạy về khu vực trung tâm TP gần như lúc nào cũng trong tình trạng mật độ phương tiện cao, xe đông, di chuyển chậm.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nhận định khu vực sân bay TSN là một trong các điểm nóng nhất mà lực lượng thanh tra phải tập trung kế hoạch trong dịp tết. Bình thường, tình trạng kẹt xe khu vực bên ngoài sân bay chủ yếu xảy ra ở đường Trường Sơn, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện, đoạn từ vòng xoay Nguyễn Kiệm vào đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài. Trong đợt cao điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 sắp tới, chắc chắn nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn lên các tuyến đường này.

Do đó, ngoài lực lượng phản ứng nhanh thực hiện công tác giám sát, xử lý các trường hợp khẩn cấp, thanh tra Sở đã lên kế hoạch tăng cường 3 tổ công tác chốt tại 3 khu vực đường Trường Sơn, Cộng Hòa, khu vực đầu đường Phạm Văn Đồng và 1 chốt ngay trong sân bay.

“Không chỉ tại các đường dẫn vào sân bay, tình trạng ùn ứ còn thường xuyên xảy ra tại khu vực ngay trước cửa sân bay do các phương tiện đưa/đón khách đậu, đỗ lộn xộn. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát thời gian đậu, đỗ xe trong sân bay, phân luồng, điều tiết hợp lý để giải tỏa, tránh ùn tắc từ trong kéo ra tới ngoài sân bay”, ông Khánh nói. Cũng theo vị này, toàn bộ quân số lực lượng thuộc thanh tra Sở sẽ được huy động trực chiến, tại tất cả các điểm nóng, kiểm tra ngoài giờ kể cả ban đêm tại khu vực trước cửa sân bay.

Trễ, hủy chuyến sẽ giảm

Theo kế hoạch phục vụ hành khách đi máy bay của Cảng hàng không quốc tế TSN, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2019, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific sẽ tăng gần 4.000 chuyến bay, tương đương hơn 69% so với thường lệ. Nhằm đảm bảo năng lực khai thác, cảng đã bố trí bổ sung gần 800 ghế chờ cho hành khách ở cả ga quốc tế và quốc nội, kéo dài, bổ sung nhiều băng chuyền, quầy làm thủ tục, quầy check-in… để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế TSN thông tin từ đầu tháng 12, cảng đã triển khai tăng cường mua bổ sung đủ các vật tư dự phòng cho toàn bộ các hệ thống kỹ thuật, chủ động trong công tác sửa chữa, thay thế các hư hỏng của trang thiết bị kỹ thuật trong thời gian cao điểm tết. Toàn bộ các hệ thống kỹ thuật của nhà ga bao gồm hệ thống điện, hệ thống máy phát dự phòng, điều hòa không khí, hệ thống hiển thị thông tin chuyến bay, camera giám sát… đều đã hoàn tất bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm hoạt động ổn định, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố kỹ thuật hoặc hoạt động bảo trì gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Đồng thời, lãnh đạo cảng yêu cầu tập trung 100% quân số các bộ phận trực tiếp phục vụ hành khách làm nhiệm vụ, điều chuyển lực lượng từ các đội an ninh soi chiếu hàng hóa và an ninh soi chiếu quốc tế bổ sung cho an ninh soi chiếu quốc nội để phục vụ cao điểm lễ, tết.

Đặc biệt, theo đại diện Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV), 2 dự án trọng điểm xây dựng, đầu tư hạ tầng tại cảng TSN đang được đơn vị này triển khai đúng tiến độ, dự kiến "về đích" đúng kế hoạch. Theo đó, dự án "Mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao" với quy mô cải tạo sân đỗ tăng thêm 29 vị trí đỗ máy bay và dự án "Mở rộng sân đỗ máy bay phía bắc đường lăn song song từ đường lăn NS đến đường lăn E6" góp thêm cho sân bay TSN 8 bến đậu máy bay code C, 1 đường lăn giảm tải cho đường lăn song song đoạn từ NS đến E6 đều sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, Cảng hàng không quốc tế TSN sẽ được bổ sung 37 vị trí đỗ máy bay và 1 đường lăn. “Các công trình này sau khi được đưa vào hoạt động sẽ góp phần lớn vào việc giảm tải áp lực khai thác tại sân bay, kịp thời hạn chế tình trạng ách tắc dẫn đến chậm, hủy chuyến bay trong dịp cao điểm tết năm nay”, vị này đánh giá.

Bay đêm chưa hấp dẫn khách để giảm tải

Từ năm 2017, trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM đã đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không VN điều chỉnh giảm thời gian cất, hạ cánh xuống sân bay này vào giờ cao điểm ban ngày, tăng cường số chuyến bay đêm.

Thực tế, các hãng hàng không cũng đã chủ động bố trí giãn cách các chuyến bay từ sáng sớm đến đêm nhưng do nhu cầu của hành khách cùng việc chênh lệch giá vé không nhiều khiến đa phần khách hàng vẫn lựa chọn chuyến bay ban ngày. Đơn cử, 13 chuyến bay chặng từ TP.HCM - Hà Nội của Vietjet ngày 31.1.2019 (26 âm lịch) đều có giá hơn 3,5 triệu đồng/vé, bất kể chuyến bay lúc 0 giờ 15 hay 7 giờ sáng. Tương tự, các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dù khởi hành lúc 4 giờ sáng, 23 giờ 25 hay 14 giờ giá vé cũng đều đã chạm trần - 3,6 triệu đồng.

“Cùng một mức giá thì tất nhiên ai chẳng muốn chọn ban ngày, chọn giờ đẹp mà bay. Đặc biệt những nhà có con nhỏ, người già, vạ vật ngoài sân bay đêm hôm, có khi trễ lại phải ngồi thêm mấy tiếng nữa ngoài sân bay, khổ lắm!”, chị Lương Thanh Hoa (ngụ Q.Phú Nhuận) nói.

Tuy nhiên, đại diện Vietnam Airlines cho rằng trong các dịp cao điểm, khả năng khai thác của các hãng không thể cung ứng đủ nhu cầu đi lại thì khách hàng nên quan tâm làm sao có vé, có chỗ thay vì chỉ mong giá rẻ. Vietnam Airlines cũng phân bố 350 chuyến bay nội địa cất cánh trong khung giờ từ 1 - 5 giờ 30.

Đại diện Jetstar Pacific cho hay trên đường bay trục TP.HCM - Hà Nội dịp tết, Jetstar Pacific thực hiện gần 700 chuyến được bố trí giãn cách từ sáng sớm 5 - 23 giờ. Tổng số các chuyến bay cất cánh trước 7 giờ và sau 18 giờ từ sân bay TSN và Nội Bài chiếm khoảng 40%.

 

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm giao thông công cộng TP.HCM, cho biết: Hiện TP đã tổ chức 4 tuyến xe buýt đưa/đón khách ra/vào sân bay nhằm giảm phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông khu vực sân bay TSN. Tùy theo tình hình thực tế lượng khách dịp cao điểm tết, trung tâm sẽ linh hoạt tăng thêm xe buýt chạy tuyến này. Do dịp tết, xe chạy tuyến về các trường đại học, khu công nghiệp được cắt giảm nên số lượng phương tiện sẵn sàng được dồn về tăng cường phục vụ khu vực sân bay, bến xe hay khu vui chơi.

Hà Mai

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   WB: Kiều hối dự kiến 15,9 tỉ USD năm 2018 (20/12/2018)

>   'Chìa khóa' để Việt Nam thành công xưởng mới (20/12/2018)

>   Đề xuất loại 16 mã phế liệu khỏi danh mục được nhập khẩu (20/12/2018)

>   Loạt công ty trước nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp (20/12/2018)

>   'Trùm' bán lẻ Việt cảnh báo làn sóng 'ngoại binh' thâu tóm (20/12/2018)

>   Hơn nửa triệu hộ kinh doanh 'lọt sổ' thuế (20/12/2018)

>   Xuất khẩu hạt tiêu tụt mốc 1 tỷ USD (20/12/2018)

>   BOT An Sương - An Lạc: "Uẩn khúc" 4 cây cầu vượt đầu tư giai đoạn 2 (20/12/2018)

>   Hơn 7,2 tỷ USD xăng dầu đã được nhập khẩu về Việt Nam (19/12/2018)

>   Thủ tướng: Cần phát huy 'tinh thần Park Hang Seo' vào kinh tế (19/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật