Doanh nghiệp vẫn bức xúc với thuế, hải quan
Do nhiều doanh nghiệp (DN) phát biểu, trình bày bức xúc quá dài nên bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, liên tục nhắc nhở DN “nói ngắn gọn để ưu tiên cho DN sau phát biểu”.
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức ngày 30.11, có doanh nghiệp bức xúc đến mức chiếm diễn đàn để phản ánh những bất cập trong quản lý và thực thi chính sách thuế, hải quan.
Làm thủ tục tại Chi cục thuế quận 1
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Hải quan "thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót"?
Do nhiều doanh nghiệp (DN) phát biểu, trình bày bức xúc quá dài nên bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, liên tục nhắc nhở DN “nói ngắn gọn để ưu tiên cho DN sau phát biểu”.
Thế nhưng do quá bức xúc, ông T.M.T, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV T.B.M.K, dù chưa được sự đồng ý của ban tổ chức vẫn đề nghị được phát biểu với lý do đã có đăng ký trước đó. Do ban tổ chức liên tục “ngắt”, ông T. nói thẳng: Cán bộ hải quan có quan điểm “bắn nhầm còn hơn bỏ sót”.
Trước bức xúc của ông T., cơ quan hải quan đã phải gặp riêng ông hơn 30 phút sau buổi hội nghị và khoảng 2 giờ cùng ngày để nghe trình bày cũng như đưa ra các hồ sơ của DN ông.
Doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đối thoại ngành thuế, hải quan ngày 30.11
ẢNH: KHẢ HÒA
|
Tại buổi gặp riêng sau hội nghị, ông T.M.T đã xin lỗi cơ quan hải quan do quá bức xúc nên đã có hành động chiếm diễn đàn. Theo ông T.M.T, DN của ông nhập máy kéo nông nghiệp. Trước đây mặt hàng này không phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng nay phải đóng. Tháng 1.2017, DN nhập về lô hàng 15 chiếc máy kéo, tạm nộp thuế VAT 5% khoảng 1,5 tỉ đồng.
Trong số này 11 máy kéo được thông quan, 4 máy trị giá 6,5 tỉ đồng còn lại bị hải quan cho là vi phạm về số khung, số máy. DN có làm việc với đối tác và kiến nghị cơ quan chức năng cho tái xuất 4 máy này, nhưng sau đó UBND TP.HCM có quyết định tịch thu từ tháng 3.2018. Do hồ sơ chưa đóng lại được nên hiện DN vừa mất máy, vừa không nhận được tiền hoàn thuế.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết: Thông tư 26/2015 của Bộ Tài chính quy định máy thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp không chịu thuế VAT. Công văn 1677 hướng dẫn của Bộ Tài chính ngày 29.1.2016 lại có hướng dẫn “máy kéo sử dụng trong nông nghiệp: Máy kéo liên hợp với cày, bừa, phay…” không chịu thuế VAT.
Trường hợp DN nhập máy kéo nông nghiệp sử dụng làm động lực dàn xới, cày bừa… chưa gắn với các loại máy móc, thiết bị khác thì phải đóng thuế VAT, trừ khi có giấy chứng nhận của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hay Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Vấn đề này, cơ quan hải quan TP.HCM cũng đã có văn bản hỏi Tổng cục Hải quan. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, chỉ đạo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (đơn vị quản lý cảng Cát Lái, nơi DN đang làm hồ sơ) chậm nhất đến ngày 5.12 phải xem xét hoàn thuế cho DN và đưa 4 máy về kho hải quan.
10 năm vẫn chưa xác định được thuế
Buổi đối thoại “nóng” lên khi nhiều DN phản ảnh những bất cập, bức xúc trong quá trình hoạt động của mình. Ông Trần Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Công ty đường Quảng Ngãi, cho biết công ty đã thực hiện cổ phần hóa hơn 10 năm nhưng 3 năm trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước mới vào đối chiếu thuế.
Đáng nói, các nội dung kiểm toán đã được cơ quan thuế kết luận trước đó. “Gần đây Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đất đai các DN cổ phần hóa. Tôi nghĩ chỉ thực hiện với những công ty gần đây thôi chứ chúng tôi đã cổ phần hóa từ năm 2005 rồi. Nhiều chứng từ đã hủy rồi, cán bộ thời điểm đó giờ cũng nghỉ hưu. Giờ kiểm toán giai đoạn 2005 - 2006 thì chúng tôi chứng minh như thế nào. Hơn nữa, công ty đại chúng hằng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế và kết quả đã được công bố, các cổ đông trước đã hưởng những cổ tức đó rồi. Giả sử kiểm toán đưa ra một khoản truy thu rất lớn thì rơi vào nhà đầu tư sau. Tôi đề nghị chấn chỉnh công tác kiểm toán”, ông Phương bức xúc.
Mang vấn đề của công ty đã 10 năm nay nói đi nói lại tại một số buổi đối thoại mà cũng chưa được giải quyết, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP xây lắp dầu khí miền Nam, kể: Năm 2008, cơ quan thuế thanh tra tách hoạt động sản xuất mới được ưu đãi thuế, còn mảng dịch vụ không được ưu đãi dù luật không quy định việc tách này.
“Trong hoạt động của công ty không thể không có phần dịch vụ như bảo trì bảo dưỡng máy (dù chiếm tỷ trọng nhỏ). Thế nhưng cơ quan thuế lại bắt chúng tôi tách ra. Chúng tôi đã gửi công văn lên Tổng cục Thuế chờ hướng dẫn để cơ quan thuế địa phương kết thúc thanh tra DN. Thế nhưng 10 năm nay mọi việc vẫn chưa giải quyết được”. Cũng liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế, ông Đảo bức xúc: Công ty thành lập năm 2007 có phát sinh doanh thu, sang năm 2008 DN lập dự án mới trong khu công nghiệp. Theo quy định thì dự án này được hưởng ưu đãi về thuế, thế nhưng cơ quan thuế TP.Vũng Tàu thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế cho rằng đây là dự án mở rộng nên không được ưu đãi. “Công ty chỉ có 1 dự án đầu tư thì không thể nói đây là dự án đầu tư mở rộng”, ông Đảo cho hay.
Tiếp nhận ý kiến phản ánh của DN, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, yêu cầu Cục Thuế Vũng Tàu rà soát lại hồ sơ này. Đồng thời ông Tuấn cũng giải thích thêm, quy định DN được làm những gì pháp luật không cấm, còn quy định ưu đãi thuế chỉ dành cho một số ngành nghề, nên ưu đãi ngành nghề nào thì hạch toán riêng ngành nghề đó, do đó mới tách doanh thu.
Xuất khẩu tại chỗ có phải là xuất khẩu?
Liên quan đến thủ tục hải quan, hai DN hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu máy móc thiết bị y tế cùng vướng một vấn đề. Theo đó, trước đây Bộ Y tế sẽ xác nhận đối với máy móc nhập khẩu, DN nộp giấy xác nhận này cho hải quan là được thông quan.
Thế nhưng hiện nay Bộ Y tế có quy định không thực hiện việc xác nhận này như trước nữa nên DN lúng túng, không biết làm cho đúng quy định để tiếp tục nhập khẩu mà cũng không thấy hướng dẫn nào liên quan đến việc này. Trả lời DN, ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói sẽ trao đổi với Bộ Y tế để chỉnh sửa quy định cho phù hợp.
Đại diện cho một số DN, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó tổng thư ký Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, phản ánh: Quy định truy thu thuế đối với nhập khẩu nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu có chỉ định DN nước ngoài mở tờ khai tại chỗ đang gây khó khăn cho DN. Trước đây, quy định những mặt hàng này được miễn thuế; nhưng sắp tới phải truy thu thuế tất cả nguyên liệu. DN ít thì cũng phải đóng thuế hàng trăm triệu, nhiều thì vài chục, thậm chí hàng trăm tỉ. Trong khi DN đã ký kết hợp đồng với khách hàng, chuẩn bị giao hàng cho khách nên không thể tăng giá khiến họ thua lỗ. "Chúng tôi không biết phải xử lý như thế nào. Tôi đề nghị những tờ khai nào đã thực hiện rồi thì không truy thu thuế nữa. Chỉ thu với những tờ khai mới để DN không bị thiệt thòi", ông Kỷ đề xuất.
Về vấn đề này, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thừa nhận thời gian qua có nhiều phản ánh của các DN về xuất khẩu tại chỗ. Cũng có nhiều quan điểm cho rằng xuất khẩu tại chỗ được miễn thuế xuất khẩu. Quan điểm của Bộ Tài chính thì xuất khẩu tại chỗ cũng là xuất khẩu. Tuy nhiên trong thực tế đã có trường hợp lợi dụng quy định này để trốn thuế, né thuế. Do đó Bộ Tài chính sẽ xem xét ban hành quy định sửa đổi trong quý 1/2019 về xuất nhập khẩu sao cho không gây thất thu thuế nhưng không ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính.
Nhiều DN đề nghị, Bộ Tài chính có chính sách thuế và thu thuế xuất nhập khẩu hợp lý, ổn định, với tầm nhìn dài hạn, rõ ràng, dễ hiểu để tạo sự thống nhất trong thực thi. Tránh để người thực thi hiểu thế nào cũng đúng và sự thiếu thống nhất trong hành xử của công chức hải quan. Thay đổi tư duy và chấp nhận rủi ro nếu có kẽ hở trong quá trình làm luật, không đẩy trách nhiệm đó cho người thực thi và đối tượng của luật...
|
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|