'Cuộc chiến mới' giữa ứng dụng đặt xe Việt và ngoại
Khoảng trống mà Uber để lại khi rút lui khỏi thị trường đặt xe công nghệ VN đã nhanh chóng được lấp đầy bởi hàng loạt “tân binh” ứng dụng cả trong lẫn ngoài nước, mà gương mặt mới nhất là ứng dụng đặt xe thuần Việt - BE.
BE - ứng dụng gọi xe Việt sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài. Ảnh: CTV
|
Những “lỗ hổng” định danh
“Cuộc chiến” giữa xe công nghệ và taxi truyền thống trước đây đang chuyển sang cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng (app) của xe công nghệ ngoại Grab, Go-Viet với xe công nghệ thuần Việt như BE và các app của taxi truyền thống. Đáng chú ý, sự lộn xộn trong thời điểm giao thời khi Quyết định 24 thí điểm đã hết hiệu lực, trong khi Nghị định 86 sửa đổi chưa ban hành, đang tạo ra những “lỗ hổng” nhất định trong quản lý với loại hình đặt xe công nghệ.
Sau rất nhiều tranh cãi kéo dài 2 - 3 năm nay, việc định danh chính xác với Grab là đơn vị vận tải hay chỉ đơn thuần là môi giới công nghệ trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa đi đến hồi kết. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng Grab hay Go-Viet là một đơn vị vận tải thông qua sử dụng phần mềm để tính tiền, không phải là công ty môi giới công nghệ đơn thuần. Vì vậy, Grab hay Go-Viet phải chịu những quy định quản lý chung với loại hình kinh doanh vận tải.
Đáng chú ý, theo kết luận mới nhất vừa được Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương công bố ngày 18.11, việc Grab mua lại Uber tại VN đã được xác định có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh.
Đại diện BE cho biết mô hình hoạt động cũng dựa trên nền tảng cung cấp phần mềm gọi xe điện tử, kết nối giữa tài xế và khách hàng. Mô hình này khá gần với Grab khi tài xế là đối tác, quản lý thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải, nhưng điểm khác biệt là BE đăng ký kinh doanh vận tải. Nói cách khác, với việc “chính danh hóa” hoạt động, BE sẽ không rơi vào vòng xoáy tranh cãi là công ty môi giới công nghệ hay doanh nghiệp vận tải theo mô hình công nghệ.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược và quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa, điều này sẽ giúp quản lý nhà nước thuận tiện hơn, dễ dàng truy thu thuế cũng như không mất công tranh cãi về việc định danh giữa xe công nghệ hay taxi công nghệ.
Về trách nhiệm pháp lý với đối tác tài xế và khách hàng, BE sẽ thể hiện ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ khi có vấn đề xảy ra. Đây không chỉ là do mô hình kinh doanh vận tải công nghệ của BE mà còn ở góc độ con người với con người. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tính nhân văn cũng nên được ưu tiên trên hết. Với BE, chúng tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm với ưu thế vượt trội về chất lượng dành cho khách hàng, một chế độ tốt hơn, tử tế hơn cho đối tác tài xế và đồng thời, cũng là niềm tự hào để chứng minh rằng người Việt có đủ tiềm lực, khả năng và đam mê để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng gọi xe nước ngoài khác ngay trên sân nhà của mình
Ông Trần Thanh Hải (Tổng giám đốc BE GROUP)
|
Cạnh tranh không chỉ là giá
Thị trường gọi xe Việt hiện rất mở khi liên tiếp xuất hiện những cái tên mới, sau Grab là Vato, FastGo, Aber, Go-Viet (công ty con của Go-Jek Indonesia), hay các app đặt xe của nhiều hãng taxi, liên minh taxi truyền thống. Việc sáp nhập Uber về Grab hồi tháng 3 đã tạo ra một lợi thế rất lớn về thị phần cho Grab, khi doanh nghiệp này thâu tóm được gần như toàn bộ thị trường gọi xe bằng phần mềm điện tử.
Theo chuyên gia Đỗ Hòa, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với những startup “sinh sau đẻ muộn” như BE. “Thị trường trong giai đoạn này không còn xanh (ít đối thủ cạnh tranh) mà rất đỏ, có quá nhiều đối thủ... Đây là cuộc chơi không đơn giản, không chỉ doanh nghiệp Việt cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, khu vực mà bản thân các doanh nghiệp ngoại cũng đối đầu nhau như Grab và Go-Jek”, ông Hòa phân tích.
Chuyên gia này cho rằng bài học từ ứng dụng đặt xe Vato cho thấy, nếu không chuẩn bị đủ nguồn lực: nguồn đầu tư, tài xế..., các app trong nước sẽ rất nhanh đuối sức trong cuộc đua đường trường. Các tập đoàn quốc tế có nguồn lực tài chính rất dồi dào, họ sẵn sàng đổ vào chịu lỗ trong vài năm đầu, cạnh tranh quyết liệt về giá, cho khách hàng đi bằng 0 đồng. Đây chính là cuộc chiến về vốn, đo xem khả năng chịu lỗ được tới đâu. Trong khi đó, BE khá tự tin nhờ nguồn lực đầu tư ban đầu khá lớn lên đến vài nghìn tỉ đồng từ nguồn vốn tự thân của chính những nhà sáng lập.
Với tham vọng thu hút được 10.000 tài xế trong năm 2018 và 110.000 tài xế trong năm 2019, vươn từ Hà Nội, TP.HCM ra các tỉnh thành sau khi được chấp thuận, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc BE GROUP, khẳng định sẽ dành cho tài xế sự đối đãi, chế độ bảo hiểm tốt nhất. Tài xế sẽ được “lọc” đầu vào qua các kỳ sát hạch, đào tạo cũng như đầu ra dựa trên phản hồi (chấm sao) của khách hàng.
Cho biết sẽ có chính sách khuyến mãi hợp lý cho khách hàng, nhưng BE cũng khẳng định sẽ không đẩy cuộc chiến về giá sát phạt với các ứng dụng khác. Trước đó, một số ý kiến cho rằng, các chuyến đi 0 đồng mà các app đang thi nhau thực hiện sẽ được bù lại bằng cách tăng giá vào giờ cao điểm lên gấp 2 - 3 lần.
“Hiện tại công ty chưa có chính sách hay lộ trình tăng giá vào giờ cao điểm như các ứng dụng hiện nay, mà sẽ giữ nguyên giá như các khung giờ bình thường”, đại diện BE cho hay.
Theo TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, càng nhiều ứng dụng có nền tảng, thực lực tốt gia nhập thị trường sẽ thúc đẩy cạnh tranh đi vào chiều sâu và chất lượng hơn. Sau thời gian đầu cạnh tranh nhau thông qua các cuộc đua giá rẻ, mặt bằng giá cước di chuyển bằng xe công nghệ đã giảm chỉ còn 1/2 đến 2/3 so với taxi, xe ôm truyền thống trước đây. Vì vậy vấn đề hiện nay không chỉ đơn thuần về giá, mà là câu chuyện chất lượng dịch vụ, giá cả, an toàn và đóng góp cho nhà nước, xã hội của các doanh nghiệp.
“Về chính sách, cần sớm ban hành Nghị định 86 sửa đổi để làm rõ các tiêu chí quản lý với các loại hình mới này, theo hướng khuyến khích nhưng phải thượng tôn pháp luật”, ông Long khẳng định.
Từ góc độ quản lý, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, khẳng định: “Hoàn toàn hoan nghênh các ứng dụng công nghệ mới gia nhập thị trường, miễn là đảm bảo đúng quy định pháp luật”.
Diệp Chi
Thanh Niên
|