Grab sắp bị phạt vì vụ mua lại Uber?
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã chính thức công bố kết luận điều tra, trong đó cho rằng Grab có dấu hiệu vi phạm liên quan đến hành vi không thông báo về thị phần khi sáp nhập.
Tài xế Grab trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
|
Sau khoảng một tháng kết thúc điều tra, ngày 12-12, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng công bố kết luận điều tra việc Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường VN.
Có thể phạt tới 10% doanh thu
Theo đó, việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm liên quan đến hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại điều 20, cũng như hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại điều 18 Luật cạnh tranh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết mức độ tập trung kinh tế (thị phần kết hợp của các doanh nghiệp khi thực hiện mua bán, sáp nhập) của Grab sau khi mua lại Uber là trên 50%. Tuy nhiên, sau khi thương vụ diễn ra, Grab không chủ động báo cáo về mức độ tập trung kinh tế trong khi cơ quan cạnh tranh đã có yêu cầu cần báo cáo.
"Nếu mức độ tập trung kinh tế dưới 30% thì doanh nghiệp tự thực hiện, 30 - 50% thì doanh nghiệp phải thông báo. Trước đây, chúng tôi đã khuyến cáo cần xem xét lại thị phần khi tiến hành thương vụ để làm hồ sơ xin hưởng miễn trừ tập trung kinh tế theo quy định, song Grab không làm. Đến nay sau điều tra, kết luận là mức độ tập trung kinh tế vượt quá 50%, tức là vi phạm, cùng với vi phạm không thông báo" - vị này cho hay.
Cũng theo đại diện của cục, hiện đơn vị này đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến hội đồng cạnh tranh để xử lý vụ việc. Sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ, chủ tịch hội đồng cạnh tranh sẽ quyết định thành lập hội đồng xử lý vụ việc, đưa ra phán quyết cuối cùng về việc xử phạt, các vi phạm liên quan và mức phạt.
Theo quy trình, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận hồ sơ vụ việc, hội đồng xử lý vụ việc có thể sẽ ra một trong các quyết định gồm trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong 60 ngày, đình chỉ giải quyết vụ việc hoặc mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý.
Đại diện cơ quan cạnh tranh cho biết trong trường hợp hội đồng cạnh tranh mở phiên điều trần để lắng nghe các bên liên quan giải trình, Grab sẽ được trực tiếp có ý kiến. Sau đó, các thành viên hội đồng sẽ quyết định bỏ phiếu kín để ra quyết định cuối cùng. "Mức phạt tương đối lớn, theo quy định của luật thì tối đa là 10% doanh thu, mức khá lớn nên cần phải làm chặt chẽ" - vị này cho hay.
Grab nói gì?
Trong thông cáo của Grab Việt Nam phát đi đêm 12-12, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết công ty này đã hợp tác đầy đủ với Cục Cạnh tranh trong quá trình điều tra để có được một báo cáo khách quan, tuân thủ luật pháp.
Grab cũng mong đợi Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng theo hướng tích cực, phù hợp với tính năng động của thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh, vốn đang ngày càng phát triển nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo.
Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng dựa trên kết quả thăm dò thị trường, hơn 59% người dùng phần mềm gọi xe ôtô và 62% người dùng phần mềm gọi xe ôm sẽ chuyển sang dịch vụ khác nếu giá cước tăng 10% và rằng khách hàng có quyền lựa chọn.
Ông Jerry Lim cho rằng các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tham gia thị trường Việt Nam và họ sẽ không làm như vậy nếu họ không tin chắc rằng mình có cơ hội thành công.
Thị phần kết hợp vượt 50%
Theo công bố điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng có việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường VN, với thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
Trong khi đó, văn bản của Grab gửi cơ quan chức năng VN lại cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại VN được xác định thấp hơn 30%, nên Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại VN.
|
N.AN - T.V.NGHI - C. TRUNG
TUỔI TRẺ
|