“Con gấu” xâm chiếm nhiều TTCK trên toàn cầu, chứng khoán Mỹ liệu tiếp bước theo sau?
Một vài chỉ số chứng khoán chính đang trong hoặc cận kề phạm vi thị trường con gấu, thêm vào nỗi lo sợ ngày càng tăng về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Trong vài tháng vừa qua, nhà đầu tư lũ lượt rút khỏi thị trường chứng khoán trên toàn cầu, đẩy chứng chỉ quỹ iShares MSCI ACWI ETF – vốn bám sát vào chỉ số chứng khoán toàn cầu ngoại trừ Mỹ – xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Và chỉ mới tuần trước, chứng chỉ quỹ này còn rơi vào thị trường con gấu, tức giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh gần đây.
Bất ổn thương mại ngày càng tăng, các chỉ báo kinh tế yếu ớt và một chuỗi thách thức chính trị trong nước đã đẩy các chỉ số chứng khoán chính ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Đức và Mexico rơi vào phạm vi thị trường con gấu. Và nhiều khả năng là “con gấu” sắp xâm chiếm thêm nhiều thị trường khi nỗi lo sợ về tăng trưởng tăng theo cấp số nhân. Các chỉ số chính ở Tây Ban Nha, Pháp và Nga chỉ còn cách phạm vi thị trường con gấu khoảng gần 5%.
Sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy chỉ số Shanghai Composite – một trong những chỉ số chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc – rơi vào thị trường con gấu hồi tháng 6/2018. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông bám sát theo phía sau, rơi vào thị trường con gấu hồi tháng 9/2018, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc thì là tháng 10/2018.
Và tuần trước, các bằng chứng mới cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Doanh số bán lẻ tháng 11/2018 tăng trưởng chậm nhất trong 15 năm, còn sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 năm. Những số liệu ảm đạm trên càng khiến các chỉ số ở thị trường châu Á chìm sâu hơn vào thị trường con gấu và giờ thì Shanghai Composite đã mất 25% so với mức đỉnh cuối tháng 1/2018.
Báo hiệu điều gì về Mỹ?
Những “cơn gió ngược” về kinh tế cùng với tâm lý u ám đã buộc nhà đầu tư tự hỏi những dữ liệu gần đây có thể tác động như thế nào tới thị trường trường Mỹ. Mặc dù bị bán tháo mạnh trong thời gian gần đây, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Mỹ vẫn có thành quả vượt trội hơn các chỉ số khác trên toàn cầu. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu rớt hơn 15% so với mức đỉnh 52 tuần. Đặt lên bàn cân so sánh, S&P 500 đã rớt 12% so với mức kỷ lục vừa thiết lập hồi cuối tháng 9/2018, còn Dow Jones mất hơn 11% so với mức đỉnh tháng 10/2018.
Thế nhưng, những tín hiệu gần đây cho thấy đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có thể tác động tới chứng khoán Mỹ. Vào ngày thứ Hai (17/12), Dow Jones “bốc hơi” hơn 500 điểm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2018 và S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc còn dập tắt hy vọng tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại. Tính cho tới thời điểm này, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều rơi vào phạm vi điều chỉnh lần đầu tiên kể từ tháng 3/2016.
Dow Jones và S&P 500 cũng sắp ghi nhận tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 1931.
“Chúng tôi đã cẩn trọng trọng một khoảng thời gian khá dài… và có lẽ chúng ta đang trong thị trường con gấu chu kỳ mới”, Doug Ramsey, Giám đốc đầu tư tại The Leuthold Group, nói với CNBC. “Nếu xem xét tới đà giảm của chứng khoán nước ngoài thì bạn sẽ không cần phải dự báo điều đó. Nó đã xảy ra rồi. Dow Jones và S&P 500 luôn luôn chống chọi cho tới lúc cuối cùng và tôi nghĩ chúng sẽ là những chỉ số cuối cùng rơi vào thị trường con gấu vào năm tới”.
Đà suy yếu của những lĩnh vực chính cũng gây áp lực lên niềm tin của nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu tài chính rơi vào thị trường con gấu trong ngày thứ Sáu (14/12), cùng với nguyên vật liệu và năng lượng. Đà giảm chủ yếu xuất phát từ nhóm ngân hàng giữa lúc nhà đầu tư lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Và các lĩnh vực khác nhạy cảm với nền kinh tế, bao gồm nhóm cổ phiếu nhà ở, vận tải và công nghiệp, đều rớt 2 con số trong năm 2018.
Jeffrey Gundlach, CEO của DoubleLine Capital và là “ông trùm trái phiếu”, nhận thấy nỗi đau sẽ còn kéo dài. Ông hoàn toàn tin là S&P 500 sẽ rơi xuống dưới mức đáy đã thiết lập trước đó trong năm 2018 giữa lúc đầy rẫy những tín hiệu cảnh báo về nền kinh tế.
“Tôi khá chắc đây là thị trường con gấu”, Gundlach nói với Scott Wapner trên chương trình “Halftime Report” trong ngày thứ Hai (17/12). “Có quá nhiều biến số đặc trưng cho một thị trường con gấu”.
Gundlach đề cập cụ thể rằng 80% cổ phiếu thuộc chỉ số iShares MSCI World Index – vốn theo dõi các thị trường toàn cầu, bao gồm cả Mỹ - hiện đang trong phạm vi “chữ thập tử thần”. Hiện tượng “chữ thập tử thần” xuất hiện khi đường trung bình động (MA) 50 ngày rơi xuống dưới đường MA 200 ngày, một dấu hiệu tiêu cực và có khả năng thay đổi về xu hướng.
“Đây là làn sóng bán tháo đồng thời và trên diện rộng”, ông Gundlach nói thêm.
Một vài nhà đầu tư đồng tình, cổ phiếu Mỹ sẽ tiếp tục bị tổn thương trong năm tới, nhưng không phải tất cả chỉ số chính trên thị trường Mỹ đều theo bước chân của các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu. Jeffrey Saut – Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Raymond James và Anastasia Amoroso – Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại J.P. Morgan Private Bank đều nói rằng, dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao trong năm tới là một tín hiệu đáng khích lệ cho thị trường Mỹ.
Trong khi đó, những người khác không quá tin dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc mạnh.
“Trên thực tế, Đức giảm 20%, Trung Quốc giảm 20% và hiện Mỹ cũng gia nhập vào đà giảm đó… điều này thể hiện nền kinh tế toàn cầu đang trong suy thoái hoặc trên bờ vực suy thoái”, Bruce Bittles, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Baird & Co., cho hay. “Thế nhưng, chúng tôi không nghĩ Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Chúng tôi nghĩ sẽ chỉ là giảm tốc mà thôi… Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp ở một mức độ nhất định”.
Ông Bittles nói thêm, năm 2019, thị trường có lẽ vẫn còn biến động mạnh và “đà giảm kéo dài” vẫn là một chướng ngại vật khó mà vượt qua để xoay chiều.
Bất chấp tâm lý lạc quan, những tín hiệu kinh tế yếu ớt từ nước ngoài cùng với bất ổn thương mại và niềm tin mong manh của nhà đầu tư đã dần làm giảm kỳ vọng chứng khoán Mỹ sẽ phục hồi trong năm 2019.
Theo báo cáo mới từ tổ chức tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, làn sóng bán tháo mới nhất trên thị trường tài chính là tín hiệu mới nhất về tương lai.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ có thể châm ngòi cho một làn sóng bán tháo khác.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|