Chứng khoán Việt sẽ tăng 11% trong năm 2019?
Với bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ngày càng cải thiện và mức định giá tương đối rẻ sau năm 2018 đầy gian truân, những tín hiệu đều ám chỉ về một năm tươi sáng hơn dành cho chứng khoán Đông Nam Á.
Việc Fed có khả năng tạm ngưng quá trình nâng lãi suất chưa gì đã xoa dịu áp lực lên các đồng tiền Đông Nam Á, trong khi giá dầu thấp hơn lại tác động tích cực cho phần lớn thị trường trong khu vực. Nếu những xu hướng này tiếp tục thì thị trường có thể lấy lại 14 tỷ USD dòng vốn ngoại đã rút khỏi chứng khoán Đông Nam Á trong năm nay.
“Mức định giá ở phần lớn thị trường Đông Nam Á đã giảm mạnh xuống mức hấp dẫn”, Narongsak Plodmechai, Giám đốc điều hành tại SCB Asset Management Pcl – công ty quản lý vốn tư nhân lớn nhất của Thái Lan, nhận định. “Chúng tôi lạc quan về triển vọng trong năm tới”.
Dù vậy vẫn còn đó nhiều thách thức trong năm 2019. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi những dấu hiệu bớt căng thẳng gần đây chỉ là hão huyền. Thái Lan và Singapore – hai thị trường lớn nhất Đông Nam Á về vốn hóa – cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tới, đồng thời khả năng giảm tốc ở Mỹ có thể làm giảm nhu cầu.
Sau đây, Bloomberg cũng đưa ra bức tranh tổng quan về 6 thị trường chứng khoán lớn ở Đông Nam Á.
Việt Nam
- Dự báo GDP 2019: 6.6%, thấp hơn mức 6.9% của năm 2018
Thị trường cận biên Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á hút vốn ngoại trong năm nay. Mặc dù nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh giữa lúc dòng vốn FDI tăng mạnh, nhưng chứng khoán Việt Nam cũng không còn rẻ nữa.
Bernard Lapointe, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CTCK Rồng Việt, cho biết ông cảm thấy tích cực nhưng không quá lạc quan. Ông kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ ở trong phạm vi 900-1,000 điểm trong năm tới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/12), chỉ số VN-index ở mức 952.04 điểm.
Michel Tosto, Trưởng bộ phận môi giới và khách hàng tổ chức tại CTCK Bản Việt, dự báo VN-Index sẽ chạm mức 1,060 điểm vào cuối năm 2019, tăng 11% so với mức hiện tại. Sự ổn định của tiền Đồng cùng với dự báo tăng trưởng EPS 16% (thấp hơn mức ước tính 19% trong năm nay) sẽ hỗ trợ cho thị trường, ông nhận định.
Thái Lan
- Dự báo tăng trưởng GDP 2019: 3.9%, thấp hơn 4.2% trong năm 2018
Sau khi nằm dưới sự chi phối của chính quyền quân chủ lập hiến kể từ tháng 5/2014, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong 8 năm vào ngày 24/02/2108. Việc chuyển đổi lại về chế độ dân chủ diễn ra suôn sẻ đến đâu sẽ là yếu tố định hình xu hướng của thị trường chứng khoán nước này.
Nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra một cách suôn sẻ thì chứng khoán nước này có thể “lấy lại” gần 9 tỷ USD đã rút khỏi chứng khoán Thái Lan trong năm 2018. Sở dĩ, trước đó nhà đầu tư ngoại rút vốn là do tình hình chính trị bất ổn ở nước này, ông Narongsak của SCB Asset cho hay. Chi tiêu cho chiến dịch và các chính sách kinh tế của chính quyền mới có thể cũng là chất xúc tác để cải thiện niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông cho hay.
Thế nhưng, với những diễn biến gần đây ở Thái Lan, một cuộc bỏ phiếu suôn sẻ khó mà diễn ra. Vẫn chưa thể chắc chắn được gì về kết quả của cuộc bỏ phiếu và do đó có thể tạo ra mối nguy cơ tới tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, Samsara Wang, Chiến lược gia thị trường mới nổi tại Credit Agricole CIB, cho biết trong báo cáo ngày 06/12/2018.
Singapore
- Dự báo GDP 2019: 2.7%, thấp hơn mức 3.3% trong năm 2018.
Khi mức định giá ở gần mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016, các chuyên viên phân tích dự báo chỉ số Straits Times Index có thể hồi phục trong năm 2019. Oversea-Chinese Banking Corp. dự báo chỉ số này sẽ khép năm 2019 ở mức 3,632 điểm, tức tăng 18% so với mức hiện tại. Trong khi đó, United Overseas Bank Co. dự báo tăng trưởng 12%, còn CGS-CIMB Securities dự báo tăng trưởng 7%.
Có khả năng là Chính phủ Singapore sẽ tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào năm tới và công bố những chính sách bất ngờ nhằm tạo tâm lí hưng phấn trước cuộc bầu cử.
Dù vậy, khả năng giảm tốc về tăng trưởng kinh tế và sự nhạy cảm của Singapore đối với cuộc chiến thương mại vẫn là những rủi ro lớn. Carmen Lee, Giám đốc nghiên cứu đầu tư của OCBC, cho rằng các nhà đầu tư nên đầu tư vào những cổ phiếu phòng thủ.
Indonesia
- Dự báo tăng trưởng GDP 2019: 5.1%, thấp hơn mức 5.2% trong năm 2018.
Sự ổn định tương đối của đồng Rupiah sau một loạt đợt nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho chứng khoán Indonesia. Nomura Holdings vẫn khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu của quốc gia này và đặt mục tiêu cuối năm 2019 là 6,800 điểm đối với chỉ số Jakarta Composite, tức tăng 10% so với mức hiện nay. Mirae Asset Sekuritas Indonesia dự báo chỉ số Jakarta Composite tăng trưởng 15% vào cuối năm tới.
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy, Tổng thống Joko Widodo có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tháng 4/2019. John Rachmat, Chiến lược gia tại PT Pinnacle Persada Investama ở Jakarta, dự báo chỉ số Jakarta Composite sẽ tăng lên quanh mốc 6,700 điểm trước tháng 5/2018, nhưng có thể giảm sau đó.
Sean Gardiner, Chiến lược gia tại Morgan Stanley ở Singapore, thừa nhận chi tiêu khu vực tư nhân có thể khỏa lấp khoảng trống mà chi tiêu Chính phủ để lại. “Nỗi lo về chính trị mà thị trường có trong năm 2017 đã phai nhạt trong năm nay, và đây là một yếu tố mang tính xây dựng cho triển vọng cổ phiếu”, ông cho biết trong tháng này.
Malaysia
- Dự báo tăng trưởng GDP 2019: 4.6%, thấp hơn mức 4.7% trong năm 2018.
Chính phủ Malaysia sẽ tập trung vào việc thu hẹp thâm hụt ngân sách vào năm tới, qua đó có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, việc nhà đầu tư nhìn nhận thị trường dần trở nên minh bạch hơn dưới thời chính quyền mới có thể thu hút dòng vốn ngoại.
AmInvestment Bank Bhd. đặt mục tiêu cuối năm 2019 đối với chỉ số FTSE Bursa Malaysia Index là 1,820 điểm, tức tăng 10% so với mức hiện tại. Việc tung ra lại các khoản trợ cấp nhiên liệu, giới hạn thuế điện và bỏ hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ có thể làm gia tăng chi tiêu tiêu dùng, Joshua Ng, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại AmInvestment Bank Bhd., cho hay. Dầu khí, y tế và găng tay cao xu là những lĩnh vực có triển vọng lạc quan vào năm tới, ông nhận định.
Ivy Ng Lee Fang, Trưởng bộ phận nghiên cứu Malaysia tại CIMB Investment Bank Bhd., dự báo thị trường chứng khoán chỉ tăng nhẹ vào năm tới.
Philippines
- Dự báo tăng trưởng GDP 2019: 6.4% thấp hơn mức 6.3% trong năm 2018.
Lạm phát tăng trưởng ngày càng mạnh đã ám ảnh Philippines trong năm nay và các dấu hiệu lạm phát có lẽ đã đạt đỉnh sẽ hỗ trợ thị trường trong năm 2019. Các khoản chi tiêu cơ sở hạ tầng được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, qua đó sẽ làm căng thẳng ngân sách và có thể gây áp lực lên đồng Peso khi thâm hụt tài khoản vãng lai nới rộng.
Haj Narvaez, Chủ tịch của BPI Securities, dự báo chỉ số Philippines Stock Exchange (PCE) sẽ khép lại năm 2019 ở mức 8,300 điểm, tức tăng 10% so với mức hiện nay. Trong khi đó, Sun Life Philippine thì không lạc quan đến vậy, họ dự báo tăng trưởng chỉ 5%.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|