Chính sách ngân hàng một năm nhìn lại
Cùng nhìn lại những chính sách nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng đã có ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong năm 2018 đầy biến động này thế nào?
Siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Thông tư 19/2017/TT-NHNN được ban hành ngày 28/12/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo quy định mới vừa được ban hành, NHNN đã chính thức áp tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn 45% kể từ ngày 01/01/2018 và còn 40% kể từ ngày 01/01/2019. Đây được xem là động thái hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc giảm áp lực lên nguồn vốn huy động đầu vào, khi quy định trước đó (theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN) dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 40% kể từ đầu năm 2018.
Ngoài ra, trong cấu phần tính nguồn vốn đầu vào để sử dụng tính tỷ lệ này, NHNN đã bổ sung thêm khoản mục tiền vay Chính phủ dưới hình thức vốn tài trợ ủy thác đầu tư mà TCTD chịu rủi ro; tiền vay của TCTD đầu mối trong trường hợp tham gia cho vay lại đối với các dự án tài trợ, ủy thác đầu tư và các rủi ro liên quan đến khoản cho vay do TCTD phải chịu.
Trong khi đó, ở cấu phần dư nợ cho vay, NHNN đã loại trừ các khoản cho vay các chương trình, dự án bằng nguồn vay tái cấp vốn NHNN theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm giúp các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước vốn thường được chỉ định cho vay theo các chương trình, dự án của Chính phủ có cơ sở để loại trừ các khoản cho vay này ra khỏi phần dư nợ trung dài hạn khi tính toán tỷ lệ này, nhằm đảm bảo vẫn trong giới hạn quy định.
Tuy nhiên, ở hoạt động đầu tư, NHNN đã quyết định giảm tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xuống mức 30%. Theo quy định cũ trước đây thì nhóm NHTM Nhà nước là 25%, ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 35%. Như vậy, trong khi nhóm NHTM Nhà nước được nâng tỷ lệ tối đa thêm 5% thì nhóm ngân hàng TMCP và ngân hàng nước ngoài bị giảm xuống 5%.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2018.
Trường hợp không được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt
Ngày 29/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
TCTD cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:
- Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;
- Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;
- Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định TCTD cho vay được xem xét quyết định phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt trong trường hợp khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100 tri h đri hoặc khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của NHNN.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/04/2018.
Không có nợ xấu trong 3 năm được cấp tín dụng vượt hạn mức
Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 03 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…
Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.
Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.
Cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện:
- Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng.
- Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích.
- Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/05/2018, áp dụng cho các khoản giản ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.
Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ với ngân hàng cho vay phát triển nông nghiệp
Theo Thông tư 14/2018/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ tái cấp vốn hoặc áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Trong đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng phải đảm bảo điều kiện sau:
- Tối thiểu bằng 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 70% trở lên;
- Tối thiểu bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 40% đến dưới 70%.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 13/07/2018.
Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.
Cũng theo Thông tư này, quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có thêm tối thiểu các nội dung sau:
- Quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các dự án, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…;
- Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/08/2018.
Cát Lam
FILI
|