Bán tháo dữ dội, Hang Seng “bay” hơn 700 điểm
Chứng khoán châu Á tụt dốc mạnh vào đầu phiên ngày thứ Năm (06/12), tiếp nối đà giảm của các thị trường trên thế giới trước thềm cuộc họp quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Tính tới lúc 10h30 ngày thứ Năm (06/12 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt 732.56 điểm (tương ứng 2.73%), trong đó cổ phiếu của ông lớn công nghệ Tencent lao dốc hơn 2%.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite hạ 32.84 điểm (tương ứng 1.24%), còn Shenzhen Composite lùi 0.816%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 404.35 điểm (tương ứng 1.84%), còn Topix hạ 1.43%. Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 23.9 điểm (tương ứng 1.14%).
Ở Australia, chỉ số ASX 200 hạ 25.4 điểm (tương ứng 0.45%), trong đó các lĩnh vực diễn biến trái chiều. Chỉ số năng lượng giảm 0.73% trước thềm cuộc họp của OPEC trong ngày thứ Năm (06/12).
Đồng AUD ở mức 0.7235 USD sau khi giảm từ mức 0.735 USD trong ngày hôm qua.
Thị trường Australia diễn biến tiêu cực khi thặng dư thương mại của quốc gia này trong tháng 10/2018 ko đạt kỳ vọng, ở mức 2.3 tỷ AUD (tương ứng 1.67 tỷ USD) trong khi dự báo từ cuộc thăm dò của Reuters lên tới mức 3.2 tỷ AUD (tương ứng 2.32 tỷ USD).
Trong khi đó, các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Hợp đồng tương lai ám chỉ Dow jones có thể giảm 316.07 điểm vào lúc khởi đầu phiên ngày thứ Năm (06/12). Hợp đồng S&P 500 và Nasdaq tương lai cũng giảm. Thị trường chứng khoán Mỹ tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Tư (05/12) để tưởng niệm cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush.
Chính sách sản lượng của OPEC
OPEC và một số nhà sản xuất khác dự kiến nhóm họp trong ngày thứ Năm (06/12) ở Vienna (Austria) để bàn luận về hàng loạt vấn đề cấp bách.
Đứng đầu trong danh sách này là cuộc bàn luận về chính sách sản lượng dầu thô.
Sự kết hợp giữa việc đánh giá thấp về lượng dầu bán ra của Iran cùng với mức sản lượng kỷ lục từ phía Mỹ đã đẩy giá dầu tụt dốc không phanh. Thật vậy, tháng 11 vừa qua được xem là tháng giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ.
Trong báo cáo buổi sáng, Ray Attrill, Trưởng Bộ phận giao dịch ngoại hối tại National Australia Bank, cho biết “tâm điểm chú ý nằm ở dầu, trong đó các cuộc họp sơ bộ trước thềm cuộc họp chính thức đều chỉ rõ sẽ có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhưng không đề cập rõ là cắt giảm bao nhiêu.
Trước thềm cuộc họp OPEC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi OPEC giữ sản lượng dầu như lúc này. Chính sách cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ đã thu hút sự chú ý của ông Trump vì Tổng thống Mỹ muốn giữ giá nhiên liệu ở mức thấp. Trong suốt năm qua, ông Trump liên tục công khai chỉ trích OPEC vì đà tăng của giá dầu, đồng thời kêu gọi nhóm này thực hiện các biện pháp để kìm hãm đà tăng của giá “vàng đen”.
Giá dầu dịch chuyển cẩn trọng trong ngày thứ Năm (06/12). Hợp đồng dầu Brent tương lai giảm nhẹ xuống 61.53 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI lùi 0.38% xuống 52.69 USD/thùng.
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Giữa lúc nhà đầu tư bối rối về chuyện ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã đồng ý những vấn đề gì tại bữa ăn tối bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nói với CNBC rằng hai cường quốc kinh tế có thể đạt bước tiến trong việc giải quyết bất đồng thương mại trong vòng 90 ngày.
“Tôi nhận thấy khả năng khá cao là cả hai bên sẽ đạt được thành công trong khoảng thời gian thương lượng 90 ngày”, Zhou Xiaochuan, cựu Thống đốc PBoC, nói với hãng tin CNBC.
Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7/2018, trong khi Trung Quốc đáp trả lại bằng cách áp hàng rào thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gây rung chuyển thị trường toàn cầu trong phần lớn thời gian của năm 2018.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|