Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lấy lại sắc xanh vào cuối phiên
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Ba (04/12) khi nhà đầu tư lo ngại về tương lai của mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Ba (04/12), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2.39% xuống 22,036.05 điểm, còn Topix lao dốc 2.36% xuống 1,649.20 điểm.
Cổ phiếu của công ty sản xuất xe hơi Nissan lùi 1.18% sau khi xuất hiện thông tin từ Reuters cho biết hội đồng bên ngoài của Nissan dự kiến họp trong ngày hôm nay để bàn luận về việc thay thế cựu Chủ tịch Carlos Ghosn.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0.82% xuống 2,114.35 điểm.
Trên thị trường Trung Quốc – vốn đang được nhà đầu tư theo dõi sát sao vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, chỉ số Shanghai Composite quay đầu tăng 11.16 điểm (tương ứng 0.42%) và Shenzhen Composite tăng 0.43% lên 1,387.49 điểm. Còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 78.4 điểm (tương ứng 0.29%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 04/12
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 giảm 1.01% xuống 5,713.10 điểm, khi gần như tất cả lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – hạ 1.22%.
Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số ASX 200 – giảm hơn 1%. Cổ phiếu của nhóm Big4 ngân hàng đều thụt lùi: Cổ phiếu ANZ hạ 1.35%, Westpac giảm 1.37%, National Australia Bank lùi 0.93% và Commonwealth (Australia) giảm 1.05%.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở mức 1.5%, trong đó Thống đốc Philip Lowe cho biết “mức lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế Australia”. “Hy vọng là sẽ đạt thêm những bước tiến trong việc giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp và đem lạm phát trở về mức mục tiêu, mặc dù quá trình này này có thể diễn ra một cách từ từ”, ông Lowe nói thêm.
Bối rối về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Đêm qua, chứng khoán Mỹ vẫn tăng (dù không “hừng” như hồi đầu phiên) sau khi Mỹ và Trung Quốc quyết định ngưng leo thang xung đột thương mại, vốn đã làm mờ đi triển vọng thị trường chứng khoán trong phần lớn thời gian năm qua.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 287.97 điểm (tương đương 1.13%) lên 25,826.43 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 30.2 điểm (tương đương 1.09%) lên 2,790.37 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tiến 110.98 điểm (tương đương 1.51%) lên 7,441.51 điểm.
Tuy nhiên, phần mô tả thỏa thuận từ phía Nhà Trắng, từ chính ông Trump và từ Bắc Kinh lại có sự khác biệt. Ngoài ra, nhà đầu tư còn đặt câu hỏi về chuyện: Ai sẽ dẫn dắt phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh trong tương lai?
Trong một báo cáo buổi sáng, Rodrigo Catril, Chiến lược gia giao dịch ngoại hối cấp cao tại National Australia Bank, cho biết tin thương mại đêm qua có lẽ “để lại nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”.
“Liệu Mỹ và Trung Quốc có thực sự giải quyết được bất đồng trong 90 ngày? Dường như cần phải có thêm nhiều thông tin chi tiết và dấu hiệu tiến triển thì mới có thể biết được cảm giác ấm áp ban đầu từ việc đình chiến thương mại có kéo dài hay không”, Catril cho hay.
Một chiến lược gia khác cho rằng nhà đầu tư thực tế kỳ vọng nhiều hơn từ G20.
“Diễn biến thị trường đã bao hàm thông tin mới và có phản ánh một chút tâm lý lạc quan nhưng không nhiều”, Hannah Anderson, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, trao đổi trên chương trình “Street Signs” của đài CNBC trong ngày thứ Ba (04/12).
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.668 sau khi chạm mức cao nhất trong phiên tại 96.961 trước đó.
Đồng JPY – thường được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 113.07 đổi 1 USD sau khi chạm mức thấp nhất trong phiên là 113.66 đổi 1 USD. Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7377 USD sau khi chạm mức 0.739 USD hôm qua.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|