Chủ Nhật, 23/12/2018 20:47

Ba kịch bản cho 2019 từ góc nhìn của Tổ tư vấn Thủ tướng

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới...

"Trong năm 2019, nền kinh tế có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,9-7% và lạm phát dưới 4% nếu công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa so với năm 2018".

Nhận định trên được Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng cùng lãnh đạo một số bộ ngành, chiều 22/12.

Thủ tướng cũng mong muốn được nghe "hiến kế" để làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô.

Tìm cách tránh nhiều bẫy

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến về các bất cập, hạn chế chưa tháo gỡ được, nhất là "hiến kế" của Tổ tư vấn, những chuyên gia trên các lĩnh vực với tinh thần "làm sao chúng ta chủ động hơn, sáng tạo, tìm giải pháp làm chủ tình hình, định hướng và huy động được nguồn lực toàn xã hội, phấn đấu làm sao để Việt Nam nhanh nhất có thể trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao".

Thủ tướng cũng mong muốn được nghe "hiến kế" để làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô.

"Cũng có ý kiến viết thư cho tôi nói là bây giờ không đặt tăng trưởng cao mà đi vào chất lượng tăng trưởng, nền tảng tăng trưởng. Tôi cho rằng quan điểm này cần nghiên cứu nhưng đất nước mình tuy có tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân còn thấp. Mình không vượt lên, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đi liền với chất lượng tăng trưởng và ổn định vĩ mô, Việt Nam khó có thể thành công. Còn làm gì đó để có tăng trưởng là câu hỏi đặt ra", Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn lắng nghe góp ý về những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm và 10 năm tới và đi theo đó, những gì được gọi là động lực mới cho tăng trưởng hay "điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy "thiên đường ô nhiễm" xảy ra ở Việt Nam".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh làm sao thực hiện thông điệp "không để ai bị bỏ lại phía sau" một cách có hiệu quả nhất. Làm sao thúc đẩy, hỗ trợ các đô thị động lực khi mà "nơi nào nhiều ánh sáng nhất thì nơi đó giàu có nhất", nhưng cũng phải bảo đảm các địa phương vùng núi, vùng xa phát triển.

Thủ tướng cũng mong muốn Tổ tư vấn cho ý kiến về chính sách gì để giữ môi trường, tài nguyên, giúp tăng trưởng vừa nhanh cho thế hệ hôm nay vừa bền vững cho thế hệ sau. "Đặc biệt, chúng tôi muốn quý vị đóng góp ý kiến về những đột phá chiến lược. Bây giờ có đột phá nào mới nữa thực sự là chiến lược", Thủ tướng nói.

"Chúng tôi cũng muốn nghe về mô hình tăng trưởng hay mô hình phát triển cần đổi mới, thay đổi như thế nào", đặc biệt là vấn đề liên kết vùng, kinh tế vùng - một trọng điểm sẽ được quan tâm chỉ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn đóng góp ý kiến cho một vấn đề nữa là mối quan hệ giữa 3 trụ cột: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân chủ hay giải pháp nào để "khoan thư sức dân", một "kế" mà nhiều nước trong khu vực đã tập trung thực hiện như giảm mạnh thuế…

Nền kinh tế xuất hiện nhiều cơ hội mới

Cho rằng đây là những bài toán lớn, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.

Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.

Tổ tư vấn cho rằng, năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018).

Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự  án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.

Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 - 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng khu vực này còn lớn nhưng chưa được khai thác hết, Tổ tư vấn kiến nghị tập trung nhiều hơn cho các giải pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, không dừng ở các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.

Các ý kiến của Tổ tư vấn cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần xây dựng và công bố một số tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và giao một nhóm công tác (có thể giao Tổ công tác của Thủ tướng) giám sát công việc, thường xuyên đánh giá, công bố công khai kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Tổ tư vấn kiến nghị thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân (là tốt nhất). Đơn vị và cá nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế "công vụ lồng ghép".

Điều quan trọng, theo GS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cần phải hành động nhanh, quyết liệt bởi nếu không nhanh thì "dân tộc mình già trước khi giàu".

Không để người Việt kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp

Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển. Phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá.

Thủ tướng nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai công nghệ 5G, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án, "chúng ta phải quyết tâm, không chấp nhận để kéo dài tình trạng người Việt Nam kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp vì chúng ta thiếu môi trường hỗ trợ cho sản phẩm sáng tạo".

Đề nghị Tổ tư vấn tham mưu thêm về nội dung này, Thủ tướng cũng giao Tổ tư vấn hợp tác với phía Singapore xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Singapore, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến cho rằng phải tạo chuyển biến, tháo gỡ trực tiếp, có hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền tốt hơn, khắc phục tư tưởng cuối nhiệm kỳ. 

Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, tâm trí đối với một số công việc như đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Cho biết sẽ giao VCCI tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc nhất của luật pháp mà doanh nghiệp kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cùng các bộ liên quan giúp Thủ tướng đánh giá đề xuất sửa đổi những văn bản này.

Bảo Quyên

vneconomy

Các tin tức khác

>   “Điều quan trọng là kiểm soát tín dụng đi vào lĩnh vực cho tăng trưởng” (21/12/2018)

>   Chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam muốn hút thêm vốn FDI (21/12/2018)

>   Nghị quyết 19 thành Nghị quyết 02 và chỉ đạo của Thủ tướng (21/12/2018)

>   Fed tăng lãi suất, Việt Nam bị tác động tới mức nào? (21/12/2018)

>   GDP Việt Nam năm 2018 tăng 7% (20/12/2018)

>   Người Việt luôn muốn cải cách đã phải diễn ra từ hôm qua (19/12/2018)

>   Độ mở lớn, chuyên gia lo về sức bật kinh tế Việt năm 2019 (19/12/2018)

>   [Infographics] Sắp công bố Logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam (19/12/2018)

>   Ông Tất Thành Cang nghỉ phép, bà Võ Thị Dung 'xử lý công tác thường trực' (19/12/2018)

>   PMI tháng 12 đạt 53.8 điểm, khép lại một năm tích cực của lĩnh vực sản xuất Việt Nam (02/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật