Người Việt luôn muốn cải cách đã phải diễn ra từ hôm qua
Cho rằng người Việt rất khao khát đất nước phải đổi mới, và sự đổi mới đó đã phải diễn ra từ hôm qua, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới lưu ý, đổi mới là một quá trình không diễn ra sau một đêm.
Ông Ousmane Dione (đeo kính, mặc vest) trong buổi trao đổi với báo chí.
Ảnh: Tư Giang
|
Gần kết thúc năm 2018, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh con đường phát triển của Việt Nam và những thách thức trước mắt.
Các nước khác đã cải cách nhanh hơn
Năm 2019, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao (6,8%). Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này và những khó khăn Việt Nam có khả năng phải đối mặt?
Ông Ousmane Dione: Cách đây 6 tháng, trong Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, chúng tôi dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,3% mà thôi, sau đó chúng tôi đã nâng lên 6,8%.
Trong bối cảnh Việt Nam có những vấn đề nội tại (như việc vướng trần nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn khiến giải ngân các dự án chậm lại) và căng thẳng thương mại trên thế giới, chúng tôi nghĩ có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, nhưng trên thực tế, Việt Nam đã vượt qua được các chướng ngại đó. Tôi quan sát thấy nền kinh tế Việt Nam có tính chịu đựng với các cú sốc bên ngoài tốt. Điều này ảnh hưởng tích cực lên tâm lý và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, khiến FDI vào Việt Nam lại tăng lên.
Tuy tốc độ tăng trưởng vẫn cao như vậy, nhưng Việt Nam vẫn còn 2 vấn đề cần tiếp tục lưu ý: xu hướng toàn cầu sẽ như thế nào; và duy trì được cải cách trong nước, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, xử lý nợ xấu và một số lĩnh vực quan trọng. Nếu làm được như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, thậm chí có thể cao hơn.
Nhưng chúng ta cần tập trung vào không chỉ con số, mà còn là chất lượng cải cách, chất lượng tăng trưởng. Trong tương lai, Việt Nam cần để ý đến chất lượng hơn là số lượng. Ví dụ, chất lượng thể chế, hạ tầng, chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số... cải cách, sáng tạo để đưa Việt Nam đến với tương lai phát triển với chất lượng cao hơn.
Thách thức đối với Việt Nam không phải là “cần làm gì”, vì chúng ta đã có các gạch đầu dòng cụ thể rồi. Nhưng “làm thế nào” thì đúng là thách thức đối với Việt Nam.
Việt Nam có thể làm tốt hơn
Năm vừa rồi Việt Nam vẫn tụt 1 bậc trong đánh giá môi trường kinh doanh của WB, mặc dù Chính phủ vẫn đang nỗ lực tiến hành cải cách. Ông nhìn nhận sao về thực tế này? Liệu đây có phải là một chỉ báo đáng chú ý?
Cần phải hiểu rằng, tụt 1 bậc không có nghĩa là Việt Nam không cải cách. Vấn đề là Việt Nam cải cách, nhưng các nước khác đã cải cách nhanh hơn. Ở đây giống một cuộc đua vậy.
Có rất nhiều thứ Việt Nam có thể làm được để cải thiện thứ bậc này, đặc biệt trong những lĩnh vực điểm số còn thấp như pháp luật về phá sản chẳng hạn. Điều này sẽ giúp tăng mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư và thứ hạng của Việt Nam cũng sẽ tăng.
Các tổ chức quốc tế, đơn cử là WB, luôn đánh giá cao các thành tựu về đổi mới ở Việt Nam, tuy nhiên người dân vẫn rất sốt ruột về những vấn đề còn tồn tại như tham nhũng, cải cách thể chế còn chậm, trách nhiệm giải trình chưa cao... Theo ông, vì sao có những khác biệt trong đánh giá này?
Không thể phủ nhận là Việt Nam có rất nhiều thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới. Khoảng thập kỷ 90, khi tôi nghe về Việt Nam, tôi thường nghe về tình trạng đói nghèo và thuyền nhân, nhưng đến nay Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Sự khác biệt trong chất lượng cuộc sống chính thế hệ các bạn có thể cảm nhận được. Việt Nam là một trong số ít các nước ở trình độ thu nhập trung bình thấp đạt những chỉ tiêu rất cao về giáo dục cơ bản, về cấp điện...
Tuy nhiên, chúng ta có thể làm tốt hơn không? Có thể. Có thể làm nhanh hơn không? Có thể. Quá trình phát triển nhiều khi không phải con đường thẳng, mà có chỗ vấp váp. Những năm qua, tôi nghĩ quá trình phát triển của Việt Nam có thể không đi nhanh, nhưng 2 năm gần đây đã thấy xuất hiện nhiều chính sách có tính chiến lược hơn.
Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy vấn đề của thủ tục hành chính, nên bắt đầu áp dụng Chính phủ điện tử để tăng tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, đơn giản hoá thủ tục.
Bên cạnh đó, cũng thấy có sự nỗ lực rõ ràng trong phát triển khu vực tư nhân.
Cải cách không phải qua một đêm là xong. Tôi biết người Việt Nam đòi hỏi rất cao, có tham vọng lớn. Tất cả mọi người đều muốn Việt Nam phát triển, cải cách; và cải cách đó phải thực hiện từ hôm qua rồi, chứ không phải đến hôm nay. Tuy nhiên, cải cách là một quá trình và phải thực hiện từng bước. Phải có suy nghĩ đầy đủ về toàn bộ quá trình và phải có một đích đến rõ ràng. Việc đưa ra các chính sách cải cách là rất quan trọng, sửa luật là quan trọng, nhưng thực hiện tốt những cải cách đó còn quan trọng hơn. Đó là vấn đề của Việt Nam.
Vũ Hân
Thanh Niên
|