Thứ Sáu, 23/11/2018 10:37

Tuyến metro số 1 nguy cơ bị dừng thi công

Áp lực lên các nhà thầu Nhật Bản đã đến mức giới hạn, tuyến metro số 1 TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị dừng thi công vì thiếu tiền.

Nếu không kịp thanh toán tiền cho nhà thầu, tuyến metro số 1 có nguy cơ phải ngưng thi công. ẢNH: ĐỘC LẬP

Đó là nội dung thư do ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại VN, vừa gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng như lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT liên quan đến số tiền chậm trả cho nhà thầu, tư vấn dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Chậm thanh toán hơn 100 triệu USD

Theo đó, việc chậm giải ngân nguồn vốn thi công nghiêm trọng tại dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1 TP.HCM, dù đã được đề cập đến nhiều lần trong các cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đang làm phát sinh nhiều vấn đề.

Nếu không kịp thanh toán tiền cho nhà thầu, tuyến metro số 1 có nguy cơ phải ngưng thi công. Ảnh: Độc Lập

Dự án được triển khai thực hiện bằng vốn vay của Nhật Bản từ năm 2007. Tuy nhiên, việc chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh khiến dự án chưa được phân bổ ngân sách từ tháng 10.2017.

Ông Umeda Kunio đề nghị TP.HCM báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh phân bổ ngân sách cho dự án.

Đặc biệt, theo Đại sứ Nhật, TP.HCM đã cam kết sẽ tạm ứng thanh toán bằng ngân sách của thành phố cho đến khi chính quyền T.Ư phân bổ ngân sách cho dự án. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc khiến thủ tục thanh toán cho các nhà thầu trên thực tế chưa thực hiện được. Số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn đã lên đến hơn 100 triệu USD.

“Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công”, Đại sứ Umeda Kunio cảnh báo và đề nghị lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan, đặc biệt là Ban quản lý dự án đường sắt đô thị (BQLDA - MAUR) hàng loạt vấn đề liên quan như chưa ký hợp đồng tư vấn quản lý thi công (liên danh NJPT), vấn đề kéo dài thi công, thanh toán phần thiết kế chưa được phê duyệt… Cụ thể, hợp đồng tư vấn quản lý thi công dự án này của liên danh NJPT đã hết thời hạn vào tháng 4.2017. Dù các bên liên quan đã nhiều lần tiến hành đàm phán để gia hạn hợp đồng, nhưng đến nay hợp đồng vẫn chưa được sửa đổi, nhà thầu tư vấn chưa được chi trả thù lao trong 19 tháng qua.

Ban Quản lý dự án chậm trễ

Ngày 7.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo cho BQLDA TP.HCM ký kết biên bản ghi nhớ để tiếp tục công tác tư vấn và chấp thuận việc tạm ứng thanh toán cho tư vấn trong khi chờ sửa đổi hợp đồng tư vấn.

“Tuy nhiên, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng BQLDA không thực hiện ý kiến chỉ đạo này. Số tiền chậm thanh toán cho liên danh NJPT đã lên đến 20 triệu USD, ảnh hưởng đến việc thanh toán cho các nhà thầu khác”, Đại sứ Umeda Kunio cho biết và đề nghị lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo BQLDA nhanh chóng ký kết biên bản ghi nhớ về công việc và tạm ứng thanh toán cho liên danh NJPT.

Cũng theo vị này, phần khối lượng công việc đã hoàn thành, dù có chỉ đạo từ UBND TP từ ngày 29.6 yêu cầu BQLDA ký kết biên bản ghi nhớ và tạm ứng thanh toán 80% giá trị khối lượng công việc cho đến khi thiết kế được phê duyệt, tuy nhiên ông Lê Nguyễn Minh Quang không thực hiện việc ký kết biên bản ghi nhớ, tạm ứng thanh toán gói thầu CP1a, CP2 và tạm ứng thanh toán gói thầu CP1b.

Về gói thầu CP2 (xây dựng đoạn metro đi trên cao dài 17,1 km) mà liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 đang thực hiện, theo Đại sứ Nhật Bản, việc thi công gói thầu đã bị chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng dẫn tới việc liên danh nhà thầu đã thi công vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng hiện tại (tháng 1.2018). Với lý do này, Sở Tài chính TP.HCM đã đưa ra ý kiến không thể thanh toán chi phí thi công sau ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng nên việc thanh toán chi phí thi công từ sau tháng 1 đang bị dừng lại.

Tuy nhiên, phía Nhật Bản thông tin Bộ Xây dựng đã có văn bản nêu ý kiến về việc có thể thanh toán chi phí thi công dù vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng. Do đó, Đại sứ Nhật Bản đề nghị TP chỉ đạo các bên liên quan xúc tiến thủ tục để sớm nối lại việc thanh toán chi phí thi công kể từ sau tháng 1 cho nhà thầu.

Vướng thủ tục, có tiền nhưng giải ngân không được

Việc “khát” vốn ODA, chậm phân bổ vốn cho tuyến metro số 1 đã được TP.HCM báo cáo các bộ, ngành cấp T.Ư từ cách đây hơn 1 năm nhưng đến giờ này, những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh dự án không thiếu tiền, có sẵn 35.000 tỉ đồng và chỉ chờ các cấp thẩm quyền gật đầu là số vốn này sẵn sàng được sử dụng. Thế nhưng do vướng thủ tục, “cái gật đầu” này chờ mãi vẫn chưa thấy.

Trước tình hình trên, UBND TP đã phải liên tục tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, TP đã phải “gồng mình” tạm ứng cho dự án 3.273 tỉ đồng. Thêm lời khẳng định chắc chắn của Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tại hội thảo về quy hoạch đô thị diễn ra mới đây rằng: việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 1 từ gần 17.400 tỉ đồng lên gần 47.400 tỉ đồng đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến thống nhất, tiền tạm ứng của TP đến giờ tuyến metro số 1 vẫn dùng chưa hết, người dân vẫn hy vọng TP sẽ đủ sức triển khai dự án này và dự án sẽ về đích đúng hẹn. Vì thế thông tin đích thân Đại sứ Nhật viết thư “đòi nợ” khiến không ít người đặt câu hỏi vậy số tiền TP ứng ra ở đâu?

Liên hệ với ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng BQLDA TP.HCM để làm rõ những vướng mắc cũng như đề xuất của vị đại sứ liên quan đến sự chậm trễ của BQLDA, vị này từ chối trả lời.

Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thông tin chiều 20.11, đơn vị tư vấn dự án đã có cuộc họp với BQLDA khẳng định các điều kiện và đề xuất giải pháp thực hiện việc thanh toán. Do còn những ý kiến khác biệt, ngày 21.11, tư vấn tiếp tục làm việc với phòng tài chính của ban. Theo dự kiến, vào ngày hôm qua (22.11), đơn vị tư vấn phải hoàn thiện báo cáo và BQLDA sẽ có văn bản báo cáo UBND TP và các Sở Tài chính, Sở KH-ĐT và nhất là Kho bạc nhằm thống nhất ý kiến đề xuất của tư vấn, làm cơ sở đẩy nhanh việc thanh toán.

“Tiền TP đã ứng nhưng do vướng thủ tục nên hiện chưa giải ngân được. Đây là dự án lớn, TP đang gấp rút triển khai nhưng vẫn phải tuân thủ đúng theo quy định, nếu không Kho bạc sẽ không giải ngân”, ông Tuyến nói.

Hai hệ lụy

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định thủ tục luôn là nút thắt lớn nhất đối với tất cả các dự án được triển khai tại VN. Trước đây, có nhiều dự án chậm trễ như vậy khiến mọi người nghi ngờ có thể do nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế vấn đề nằm ở cơ chế của nước ta. Thủ tục quá lằng nhằng, rắc rối, chậm chạp khiến các nước không thể chịu nổi. Điều này dẫn đến hai hệ lụy.

Thứ nhất, về mặt tài chính, dự án càng để lâu thì hiệu quả tài chính càng suy giảm nghiêm trọng.

Thứ hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của không chỉ người dân mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Dân chúng cảm thấy TP không thể có khả năng làm chủ một dự án lớn, còn nhà đầu tư thì e ngại, “sợ” không dám “dây vào”.

“Ngay cả khi TP.HCM ứng vốn thì vẫn phải thông qua Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Vì thế dự án chỉ có thể nhanh khi TP.HCM có được cơ chế tự chủ. Đây là dự án thuộc địa bàn TP, tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội của TP, Thủ tướng Chính phủ nên ủy quyền cho TP tự chủ toàn bộ việc giải ngân, các bộ, ngành chỉ cần giám sát là được”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.

 

Hà Mai - Mai Hà

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bất ngờ nhận tội (23/11/2018)

>   Thái Lan, Đài Loan… kiếm bộn tiền nhờ đặc sản Việt (23/11/2018)

>   CPTPP tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam (22/11/2018)

>   Chuẩn bị đón thêm Bamboo Airways, bầu trời Việt có 'chật chội'? (22/11/2018)

>   BCH Đảng bộ TP.HCM đã bỏ phiếu xem xét kỷ luật ông Tất Thành Cang (22/11/2018)

>   Phú Quốc sẽ có casino cho người Việt vào chơi (22/11/2018)

>   Lãi suất VND, tỷ giá USD/VND đang cùng tăng (22/11/2018)

>   Có 2.248 chuyến bay chậm giờ trong tháng 11 (22/11/2018)

>   Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim: Phải truy đóng 330 triệu đồng BHXH cho NLĐ (22/11/2018)

>   Nông dân miền Đông khốn đốn vì tiêu rớt giá (22/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật