Thứ Sáu, 23/11/2018 07:02

Thái Lan, Đài Loan… kiếm bộn tiền nhờ đặc sản Việt

Rất nhiều đặc sản Việt Nam nhưng được sản xuất, tiêu thụ dưới mác của các công ty thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

 

Nhiều đặc sản Việt như bún, phở Việt đang được các tập đoàn nước ngoài khai thác để xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY. Ảnh nhỏ: Nước dừa “Châu Đốc” của Thái Lan bán đầy chợ Việt tại Mỹ. Nguồn: INTERNET

Hàng loạt sản phẩm ghi tên đặc sản nổi tiếng của Việt Nam (VN) như phở Hà Nội, bánh pía Sóc Trăng, nước dừa Châu Đốc, bún bò Huế, nước mắm Nha Trang… tiêu thụ tại các thị trường Mỹ, châu Âu có xuất xứ từ… Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan.

Muốn mua đặc sản Việt chính gốc mà không có

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, thường có những chuyến công tác để tìm đối tác và tìm hiểu, khảo sát tại Mỹ và châu Âu. Khảo sát tại siêu thị, nhà hàng ở các nước này, ông Tùng nhận thấy nhiều đặc sản của VN nhưng do các công ty ở Thái Lan, Trung Quốc sản xuất và cung ứng.

Điển hình như bún, phở đóng gói dạng ăn liền với bao bì ghi là phở Việt, bún bò Huế nhưng xem kỹ lại là sản phẩm do một số công ty Thái Lan làm và ghi rõ trên bao bì là “Made in Thailand”. Tương tự, nước mắm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết được các nhà hàng tại Mỹ giới thiệu với thực khách nhưng thực chất được các công ty tại Thái Lan, Hong Kong sản xuất.

Đáng chú ý, các sản phẩm nước dừa đóng lon hiệu “CHAUDOC” (Châu Đốc, An Giang - PV) bán khá nhiều ở các chợ truyền thống tại Mỹ. Nhưng sản phẩm này cũng do các công ty của Thái sản xuất. Sản phẩm này bán chạy và đang là lựa chọn phổ biến cho các gia đình châu Á, nhất là Việt kiều ở Mỹ khi cần kho thịt, trứng kiểu Nam bộ.

“Đặc sản Việt nhưng do các công ty Thái Lan hay Trung Quốc sản xuất không phải là ít. Đơn giản do các nhà kinh doanh của họ nhanh chân nên khi thấy cộng đồng cư dân châu Á tại Mỹ, châu Âu ưa chuộng, biết đến nhiều thì họ khai thác ngay” - ông Tùng nhận xét.

Thực tế nhờ nhanh chân khai thác đặc sản Việt, nhiều ông lớn nước ngoài kiếm bộn tiền và liên tục mở rộng quy mô hoạt động. Trong một lần gặp gỡ với đoàn doanh nhân VN, lãnh đạo Tập đoàn Charoen Pokphan Foods Plc (CPF) của Thái Lan thừa nhận một trong những sản phẩm tươi ăn liền đóng gói là phở VN bán rất chạy tại châu Mỹ, nơi các sản phẩm thực phẩm tươi ăn liền đóng gói rất được ưa chuộng.

Đặc biệt, do nhu cầu của món phở tại Mỹ ngày càng lớn nên Tập đoàn CPF đã quyết định xây dựng hẳn nhà máy tại Mỹ với sản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày. Sản phẩm này được phân phối trong các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon...

Thừa nhận đặc sản Việt do các tập đoàn nước ngoài tận dụng sản xuất rồi xuất khẩu đi các thị trường lớn là câu chuyện đáng buồn, tuy nhiên đại diện một công ty thực phẩm của VN cho rằng khó khăn của các công ty trong nước là vốn không đủ mạnh bằng nước ngoài.

Trong khi đó, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia thương hiệu, đánh giá các nhà kinh doanh người Thái Lan không chỉ nhanh chân, nhanh nhạy khai thác thị trường, biết khai thác các sản phẩm đặc sản của nước khác mà họ còn mạnh về cả công nghệ chế biến, bao bì bảo quản. Chẳng hạn với sản phẩm phở tươi đóng gói hay nước dừa của công ty Thái Lan thiết kế bắt mắt, dễ sử dụng.

“Còn rất nhiều thị trường, phân khúc sản phẩm mà nhà kinh doanh Việt bỏ quên, không khai thác nên rơi vào đối thủ nước khác vì họ nhanh nhạy hơn ta” - ông Chiến nói.

Muộn còn hơn không

Theo chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến, hiện nay chỉ dẫn địa lý đặc sản địa phương hoặc quốc gia khi đăng ký ở quốc gia nào, khu vực nào thì chỉ có giá trị ở quốc gia, khu vực đó. Vì vậy, chuyện các công ty Thái, Đài Loan, Hong Kong nhanh tay lẹ mắt mượn tên gọi đặc sản VN làm tên cho sản phẩm của họ cũng là điều bình thường. Lý do, ở các thị trường trên VN chưa đăng ký bảo bộ chỉ dẫn địa lý.

Từ thực tế trên, ông Chiến cho rằng sau khi đăng ký và được cấp chỉ dẫn địa lý ở thị trường VN, các địa phương còn phải tính đến phương án đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm đặc sản ở các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Mặt khác, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của VN lâu nay chủ yếu xuất sản phẩm thô nên không có thương hiệu, giá trị thấp. Trong khi đó các công ty nước ngoài làm tốt công nghệ chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho biết chỉ dẫn địa lý VN chưa được sử dụng nhiều và khai thác hiệu quả trong thương mại. Hiện vẫn chưa có sự hợp tác, kết nối giữa các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ở các nước, chỉ dẫn địa lý do các hiệp hội ngành nghề quản lý trong khi ở VN lại thuộc về Nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo chỉ dẫn địa lý vì không biết mình có quyền hay không. Và cũng vì vậy mới xảy ra việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất thương hiệu và phải kiện mới lấy lại được từ Trung Quốc.

“Do vậy cơ quan quản lý nên phối hợp với hiệp hội, nhà kinh doanh đẩy mạnh đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm ở nước ngoài. Song song đó phải xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, biết tiếp thị, quảng bá sản phẩm thì mới mang lại hiệu quả bền vững, cạnh tranh được với các đối thủ ngoại” - GS Xuân nói.

Đăng ký bảo hộ mới có cơ sở kiện đòi lại

Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Luật Bross & Partners, cho rằng các DN không chỉ bán hàng ở trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài. Do đó khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở trong nước thì chỉ có giá trị pháp lý trong nước, ra nước ngoài không có giá trị. Vì vậy việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài là rất cần thiết. Ngoài phương thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến từng quốc gia tốn nhiều chi phí, DN có thể chọn đăng ký quốc tế để tiết kiệm. Ví dụ, DN chỉ cần nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu cho nhiều nước theo Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Đây là một công cụ bảo vệ thương hiệu tại các quốc gia khác.

“Chỉ có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường có xuất khẩu thì khi bị làm nhái, làm giả… mới có cơ sở pháp lý để khởi kiện” - luật sư Lê Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu nhập cư Mỹ năm 2014, nước này có gần 9.000 tiệm phở Việt và hiện con số này đã tăng. Tuy nhiên, nhiều cửa tiệm không phải do người Việt làm chủ với công thức và hương vị chính gốc Việt.

 

QUANG HUY

PHÁP LUẬT

Các tin tức khác

>   CPTPP tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam (22/11/2018)

>   Chuẩn bị đón thêm Bamboo Airways, bầu trời Việt có 'chật chội'? (22/11/2018)

>   BCH Đảng bộ TP.HCM đã bỏ phiếu xem xét kỷ luật ông Tất Thành Cang (22/11/2018)

>   Phú Quốc sẽ có casino cho người Việt vào chơi (22/11/2018)

>   Lãi suất VND, tỷ giá USD/VND đang cùng tăng (22/11/2018)

>   Có 2.248 chuyến bay chậm giờ trong tháng 11 (22/11/2018)

>   Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim: Phải truy đóng 330 triệu đồng BHXH cho NLĐ (22/11/2018)

>   Nông dân miền Đông khốn đốn vì tiêu rớt giá (22/11/2018)

>   Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị đề nghị từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù (21/11/2018)

>   Kinh tế Internet: Việt Nam phát triển vượt bậc (21/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật