Thứ Tư, 28/11/2018 09:26

Tiền mặt sắp “tuyệt chủng” tại Thụy Điển

Không có nhiều nước tiến tới “xã hội phi tiền mặt” thần tốc như Thụy Điển. Một nửa các nhà bán lẻ dự báo họ sẽ ngừng chấp nhận tiền mặt trước năm 2025, khiến chính phủ phải tính toán lại chi phí xã hội trong tương lai.

Một cửa hàng tại Thụy Điển không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt

Cơ quan tài chính Thụy Điển đang yêu cầu ngân hàng duy trì ngân phiếu và tiền xu cho đến khi chính phủ xác định được ý nghĩa của xã hội phi tiền mặt đối với lớp trẻ và người già. Ngân hàng Trung ương, cơ quan dự đoán tiền mặt có thể biến mất khỏi Thụy Điển, đang thử nghiệm tiền điện tử - e-krona – để hỗ trợ kiểm soát nguồn cung tiền. Trong khi đó, các nhà lập pháp lại nghiên cứu số phận của tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến nếu lưới điện gặp sự cố hoặc máy chủ bị sập vì mất điện, tấn công mạng hay thậm chí chiến tranh.

Khi hỏi phần lớn người Thụy Điển về mức độ thường xuyên thanh toán bằng tiền mặt, câu trả lời là “gần như không bao giờ”. Nước này có 10 triệu dân nhưng 1/5 dân số không còn sử dụng máy rút tiền (ATM). Hơn 4.000 người cấy vi chip vào tay để thanh toán vé tàu và thức ăn hay mở khóa các văn phòng bằng cách vẫy tay. Nhà hàng, xe buýt, chỗ đậu xe và ngay cả toilet trả phí cũng phụ thuộc vào các cú “click” thay vì tiền mặt.

Các tổ chức người tiêu dùng cho rằng sự chuyển đổi này sẽ khiến nhiều người nghỉ hưu – 1/3 trong số những người từ 55 tuổi trở lên – cũng như một số người nhập cư và người khuyết tật gặp khó khăn. Họ không thể dễ dàng tiếp cận công nghệ điện tử để mua hàng hóa, giao dịch và chỉ dựa vào ngân hàng.

Ông Mats Dillén, người đứng đầu một ủy ban Quốc hội, nhận định: “Nếu tiền mặt biến mất, đây sẽ là thay đổi lớn với các tác động đáng kể đến xã hội và nền kinh tế”.

Mua hoa bằng thẻ tại một chợ ở Stockholm. Khoảng một nửa các nhá bán lẻ dự đoán họ sẽ ngừng chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt trước năm 2025.

Người dùng thành thị khắp thế giới ngày càng thanh toán bằng ứng dụng và thẻ nhiều hơn. Tại Trung Quốc và các nước châu Á khác có lượng người dùng smartphone trẻ tuổi, thanh toán di động là điều thường gặp. Tại châu Âu, khoảng 1 trong 5 người nói họ hiếm khi mang tiền mặt. Tại Bỉ, Đan Mạch và Nauy, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được sử dụng ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, Thụy Điển – và đặc biệt là những người trẻ - mới là quốc gia tiên phong. Tiền mặt chỉ đại diện cho 1% của nền kinh tế, so với 10% tại châu Âu và 8% tại Mỹ. Chỉ có khoảng 1 trong 10 người trả tiền mặt cho thứ gì đó trong năm 2018, giảm từ 40% năm 2010. Hầu hết các cửa hàng tại đây vẫn chấp nhận tiền mặt nhưng số này dần ít đi. Với những người từ 18 đến 24 tuổi, con số rất ấn tượng: có tới 95% các khoản mua sắm được trả bằng thẻ ghi nợ hoặc ứng dụng Swish của các ngân hàng lớn nhất nước.

Tại cửa hàng Ikea ở Gavle, quản lý quyết định chuyển sang cửa hàng không dùng tiền mặt tạm thời từ tháng trước sau khi họ nhận thấy chưa đầy 1% người mua sử dụng tiền mặt. Họ cũng để ý nhân viên mất khoảng 15% thời gian để xử lý, tính toán và cất tiền. Theo quản lý cao cấp Patric Burstein, thử nghiệm đã giải phóng nhân viên để họ làm việc tại nơi bán hàng. Dù vậy, một nhóm thuộc tổ chứ Hưu trí quốc gia đã tổ chức biểu tình chống lại thử nghiệm, một phần vì nhiều người nghỉ hưu hay tới Ikea Gavle để ăn uống. “Chúng tôi có khoảng 1 triệu người không tiện dùng dịch vụ ngân hàng trên máy tính, iPad hay iPhone. Chúng tôi không chống lại tiến lên kỹ thuật số nhưng cho rằng chúng đã quá nhanh”, bà Christina Tallberg, 75 tuổi, Chủ tịch tổ chức, chia sẻ.

Tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn để dạy người nghỉ hưu cách thanh toán điện tử nhưng xảy ra nghịch lý đó là việc đó tiêu tốn quá nhiều tiền bạc. Khi các khóa học được tổ chức ở vùng sâu vùng xa và những người cao tuổi quyên góp bằng tiền mặt, người phụ trách phải lái xe nhiều dặm để tìm một ngân hàng chấp nhận tiền mặt. Khoảng một nửa trong số 1.400 chi nhánh ngân hàng của Thụy Điển không còn nhận ký gửi tiền mặt.

Khu vực tiếp tân của một ngân hàng. Khách hàng muốn gửi tiền mặt hay rút tiền mặt sẽ phải mất khá nhiều công sức để tìm được một ngân hàng vẫn còn chấp nhận tiền mặt.

Ngân hàng góp phần thúc đẩy cách mạng phi tiền mặt bằng cách khuyến khích người tiêu dùng và cửa hàng dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Nguyên do một phần là vì an toàn sau hàng loạt vụ cướp táo tợn giữa những năm 2000. Năm 2009, cả nước náo loạn vì vụ cướp bằng trực thăng tại Vastberga khét tiếng, khi những tên trộm đổ bộ xuống tầng thượng của một nhà chứa tiền và cướp đi hàng triệu USD. Năm 2017, chỉ có 2 ngân hàng bị cướp, so với 210 ngân hàng năm 2008.

Những năm gần đây, số lượng máy rút tiền cũng giảm đi hàng trăm lần. Do lượng tiền mặt được sử dụng quá ít ỏi, việc phải theo dõi và duy trì chúng trở nên đắt đỏ, theo Leif Trogen, quan chức của Hiệp hội nhà băng Thụy Điển. Ngân hàng trung ương đang có kế hoạch ra mắt phiên bản thí điểm của loại tiền Riksbank mới – krona điện tử hay e-krona – để thay thế tiền vật lý hay ít nhất kiềm chế câu hỏi hóc búa về tiền mặt hiện tại. e-krona đồng nghĩa với chức năng của đồng tiền được nhà nước hỗ trợ vẫn được duy trì, ngay cả trong thế giới kỹ thuật số hoàn toàn.

Du Lam (Theo NYT)

ICTNews

Các tin tức khác

>   Việt Nam 'vô địch' về uống bia và bài toán được - mất (27/11/2018)

>   Rau xanh, tôm cá tăng giá mạnh vì bão (26/11/2018)

>   Người dân đổ về các điểm mua sắm dịp Black Friday (23/11/2018)

>   Người Mỹ dựng lều, xếp hàng từ đầu tuần chờ Black Friday (23/11/2018)

>   Lại rộ điện thoại lừa đảo tống tiền (22/11/2018)

>   Những ngành có cơ hội việc làm lớn nhất tại Đông Nam Á 10 năm tới (21/11/2018)

>   3 lời khuyên vô giá từ huyền thoại Stan Lee (21/11/2018)

>   Xu hướng tiêu dùng xanh dần phổ biến (20/11/2018)

>   3 việc cần làm nếu tuổi 40 mà chưa có tiết kiệm về hưu (18/11/2018)

>   Mức lương trong mơ và thực tế của người Mỹ (18/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật