“Mỹ - Trung căng thẳng, Việt Nam thận trọng cấp phép dự án FDI”
Trung Quốc đứng ở vị trí thứ bảy với 2.2012 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư là 13 tỷ USD. Hoa Kỳ ở vị trí thứ 11 với 892 dự án, tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD...
Trung Quốc đứng ở vị trí thứ bảy với 2.2012 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư là 13 tỷ USD. Hoa Kỳ ở vị trí thứ 11 với 892 dự án, tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lên tiếng cảnh báo những ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới khi mà xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung căng thẳng, có thể sẽ không sớm kết thúc.
Cụ thể, Bộ này cho rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Với ưu thế về vị trí địa lý, chính sách, Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư.
Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam.
"Việt Nam cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc, tránh việc lợi dụng nhằm lẩn tránh thuế hoặc dẫn tới Việt Nam cũng bị áp thuế như đã xảy ra ở ngành thép, ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam mà với cả các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội thảo Cuộc chiến Thương mại - Mỹ - Trung diễn ra cuối tháng 10, TS.Trần Du Lịch cũng nhận định, với sự "đấu đá" thương mại giai đoạn quyết liệt như hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc đang dần có hướng chuyển dịch đầu tư sang các nền kinh tế khác để "né" ảnh hưởng thuế từ Mỹ.
Theo nghiên cứu và quan sát, vị tiến sĩ này cho biết, các dòng vốn FDI Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ chuyển hướng sang ASEAN mà đặc biệt Việt Nam và Indonesia sẽ là 2 quốc gia dự báo được đầu tư cao nhất. Vấn đề là Việt Nam phải cải thiện tốt môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, bởi các quốc gia khác trong khối ASEAN không chỉ Indonesia cũng có khả năng cạnh tranh với Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/11/2018, cả nước có 27.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 337,8tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 188,8 tỷ USD, bằng 55,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 62,2 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 56,4 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
Trung Quốc đứng ở vị trí thứ bảy với 2.2012 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư là 13 tỷ USD. Hoa Kỳ ở vị trí thứ 11 với 892 dự án, tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 193,6 tỷ USD, chiếm 57,3% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 57,9 tỷ USD (chiếm gần 17,1% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 22,8 tỷ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).
Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,9 tỷ USD (chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33 tỷ USD (chiếm 9,7 % tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 31,4 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư).
KIỀU LINH
VNECONOMY
|