Thứ Ba, 27/11/2018 07:02

Thực phẩm tươi sống đắt hàng sau bão

Khác hẳn với không khí mua sắm ảm đạm trong ngày chủ nhật (25-11), từ sáng sớm 26-11, dù nhiều tuyến đường ở TP HCM vẫn còn ngập nước và kẹt xe nhưng lượng khách đến các siêu thị lại rất đông.

Trận mưa lớn ngày 25-11 gây ngập nặng, tối cùng ngày, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP HCM đóng cửa sớm hơn thường lệ để cho nhân viên về nhà tránh bão. Đến sáng 26-11, trừ một số khu vực ngập nước nhiều không thể "vào" hàng, còn lại hầu hết siêu thị, cửa hàng đều mở cửa bán hàng như bình thường. Hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ quả vẫn đầy kệ, thu hút nhiều người mua.

Tấp nập từ sáng sớm

Từ sáng sớm 26-11, tại Emart (quận Gò Vấp), đông đảo khách xếp hàng gửi xe trước 15-20 phút, chờ siêu thị mở cửa để vào mua sắm. Siêu thị Aeon (quận Bình Tân) cũng diễn ra cảnh tương tự. Lotte Mart quận 7, Co.opmart Lý Thường Kiệt, Big C Hoàng Văn Thụ… lượng khách tập trung ở khu vực rau củ, thịt cá, trứng, sữa...

Khách hàng mua sắm tại Lotte Mart quận 7, TP HCM sáng 26-11 Ảnh: THANH NHÂN

Đại diện các siêu thị cho hay công tác giao nhận hàng từ nhà cung cấp đến tổng kho và các siêu thị vẫn diễn ra bình thường. Chỉ một số nhà cung cấp rau củ, trái cây từ Đà Lạt, Phan Rang… thông báo giao hàng trễ do mưa bão gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, các siêu thị vẫn còn trữ lượng hàng hóa nhu yếu phẩm rất lớn, đủ sức đáp ứng sức mua tăng đột biến trong những tuần tới. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op nhìn nhận sức mua các mặt hàng tươi sống và nhu yếu phẩm bắt đầu tăng trong 2 ngày thứ sáu, thứ bảy tuần trước, ảm đạm trong ngày chủ nhật và tăng mạnh trở lại trong sáng thứ hai (26-11). Đa số người tiêu dùng TP có thói quen dùng hàng tươi sống, không còn trữ nhiều thực phẩm trong nhà như trước. Thông thường, chỉ chuẩn bị rau tươi, thịt cá cho 2 ngày cuối tuần nên đầu tuần, họ phải mua hàng mới về dùng. "Sau bão, hệ thống siêu thị sẽ không tăng giá mà còn phối hợp các nhà cung cấp để giảm giá thực phẩm như thịt cốt lết heo, cá kèo, bắp cải trắng, cà tím, khổ qua, cà chua, các loại dầu gội, bột giặt, mì gói, bún gạo, gia vị với mức giảm từ 10%-25%" - đại diện siêu thị Saigon Co.op cho hay và thông tin thêm hiện hệ thống bán lẻ này vẫn còn trữ lượng hàng hóa nhu yếu phẩm rất lớn, đủ sức đáp ứng sức mua tăng đột biến trong vài tuần sau bão.

Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng Phòng Truyền thông và Thương hiệu Lotte Mart, dự báo tình hình nguồn cung tại hệ thống Lotte Mart vẫn bảo đảm, ít biến động. Riêng mặt hàng thủy hải sản có đôi chút biến động do mưa bão, ngư dân không thể đánh bắt nên lượng cung dự kiến trong vài ngày tới có thể giảm. Tuy nhiên, Lotte Mart sẽ có gắng duy trì lượng hàng về siêu thị cũng như bình ổn giá cả trong các ngày tới.

Trong khi sức mua tại siêu thị tăng mạnh, các chợ truyền thống lại khá vắng vẻ. Trong đêm 25 rạng sáng 26-11, lượng rau củ, trái cây và thịt heo về 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn ít hơn hẳn so với những ngày trước. Sáng 26-11, hầu hết các chợ rơi vào cảnh vắng vẻ, ít người mua bán. Một số tiểu thương ngại mưa bão, đường ngập đã không đi chợ sỉ lấy hàng nên nghỉ bán. Những tiểu thương duy trì buôn bán nhưng lấy hàng ít hơn ngày thường. Dù giá hàng hóa tại các chợ sĩ vẫn bình ổn, sức mua chậm nhưng tại chợ lẻ, giá nhiều loại rau củ đã tăng vọt so với ngày thường, thậm chí đắt hơn giá rau VietGAP bán trong các siêu thị.

Nguồn rau bị ảnh hưởng

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc HTX Rau an toàn Việt (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), đơn vị chuyên cung ứng hàng cho thị trường TP HCM, thừa nhận vừa thông báo đến khách hàng sẽ không cung ứng hàng đến cuối tuần do vườn rau bị hư hại trong mưa bão. Theo bà Lan, nhiều vườn xung quanh cũng bị thiệt hại nặng nề do nước ngập.

Ông Phan Tư Nhuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sông Xanh (TP HCM), cho biết nhiều nhà vườn đã thông báo đến công ty về việc không còn nguồn để thu hoạch. "Lần này, thiên tai diễn ra trên diện rộng nên từ nay đến nửa tháng nữa, giá rau củ, đặc biệt rau ăn lá, sẽ tăng cao do thiếu hàng. Các vườn liên kết với công ty ở ngoại thành TP HCM hay Lâm Đồng ít nhiều đều bị thiệt hại, thậm chí mất trắng. Với tình hình này, thời gian tới giá rau tại siêu thị sẽ rẻ hơn rau chợ" - ông Nhuận dự báo.

Theo Saigon Co.op, nhiều khả năng nguồn cung rau xanh sẽ thiếu hụt trong những ngày tới. "Tuy nhiên, Saigon Co.op sẽ cố gắng khai thác thêm nguồn rau từ Đà Lạt để bù đắp lượng rau từ các tỉnh miền Đông, miền Tây bị hư hại do mưa bão" - đại diện Saigon Co.op nói.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho biết đã yêu cầu phòng kinh tế các quận, huyện kiểm tra tình hình mua bán, giá cả thị trường sau bão. Ngành công thương TP tiếp tục theo dõi sát tình hình, nếu xảy ra biến động nguồn cung, giá cả hàng hóa thì sẽ có giải pháp ứng phó kịp thời. 

Dịch vụ gọi món giao hàng nhanh bất thường

Theo phản ánh của khách hàng ở TP HCM, từ tối 25-11 đến sáng 26-11, các dịch vụ gọi món, giao hàng bị hoãn, hủy rất nhiều do ảnh hưởng của mưa bão khiến vận chuyển khó khăn. Với các đơn hàng giao thành công, phí giao và các phí dịch vụ khác rất đắt, chẳng hạn Now tính phí 50.000 đồng với quãng đường hơn 1 km. Thời gian giao hàng có thể lên tới 1-3 giờ sau khi đặt đơn hàng thành công. Nhiều ứng dụng gọi món như Grab, Lala... tuy không tăng phí vận chuyển hoặc tăng không đáng kể nhưng hầu như không tìm được tài xế nhận đơn hàng. Ứng dụng gọi món Lala còn nhắn tin tới khách hàng về việc ngừng chương trình khuyến mãi Black Friday do mưa quá lớn.

Đến chiều 26-11, sau khi nước rút tại nhiều tuyến đường, các ứng dụng gọi món, giao hàng trở lại hoạt động như bình thường. Thậm chí, giao hàng nhanh bất thường - chỉ bằng khoảng một nửa so với mọi ngày. Anh T., tài xế giao hàng của Now, giải thích: "Do nhân viên văn phòng đi làm ít hơn ngày thường nên đơn hàng ít hơn. Trong khi đó, lượng khách đến ăn, uống trực tiếp tại quán giảm hẳn... nên thời gian chờ chế biến thức ăn cho đơn hàng online cũng giảm".

Với dịch vụ giao hàng trả sau của các cửa hàng quần áo, phụ kiện, nhiều đơn hàng chốt từ tuần trước để giao trong sáng 26-11 đã bị khách báo hoãn do "không đi làm nên không nhận hàng".

Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện EMS xác nhận việc giao hàng tuy bị trì hoãn trong sáng 26-11 nhưng đến chiều cùng ngày, công ty đã cơ bản sắp xếp để nhân viên giao đủ số lượng hàng cam kết trong ngày. Số đơn hàng không đạt chỉ tiêu thời gian không lớn.

P.Nhung

Thanh Nhân - Ngọc Ánh

NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Các tin tức khác

>   Rau xanh, tôm cá tăng giá mạnh vì bão (26/11/2018)

>   Tôm xuất khẩu giảm mạnh (26/11/2018)

>   Xuất khẩu cà phê chế biến tăng nhanh (26/11/2018)

>   Hết độc quyền, cá tra Việt đầy lợi thế (26/11/2018)

>   Tây Nguyên đón mùa cà phê buồn (24/11/2018)

>   Giá chuối tăng mạnh (22/11/2018)

>   Nông dân miền Đông khốn đốn vì tiêu rớt giá (22/11/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 22/11: Miền Bắc tăng gần 50.000 đồng/kg, tư thương ráo riết săn hàng (22/11/2018)

>   Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh (20/11/2018)

>   Xuất khẩu gạo dự kiến thu về 3 tỷ USD trong năm 2018 (20/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật