Dịch vụ
Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm VIB lên B1
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service ngày 30/10/2018 công bố nâng mức xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của Ngân hàng Quốc tế (VIB) lên mức B1 và chỉ số đánh giá rủi ro đối tác (CRA) của VIB lên mức Ba3. Trước đó, ngày 14/8/2018, cùng với việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên Ba3, Moody’s đã nâng mức xếp hạng tiền gửi dài hạn nội tệ và ngoại tệ của VIB lên mức B1.
Moody’s cho biết quyết định nâng bậc xếp hạng của VIB và một số ngân hàng khác của Việt nam thể hiện sự ghi nhận của Moody’s về các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, cùng với việc cải thiện chất lượng tài sản và năng lực sinh lời của các ngân hàng.
Tiếp tục duy trì chất lượng quản trị rủi ro hàng đầu
Cùng với việc được nâng mức xếp hạng tín nhiệm, VIB hiện cũng là một trong 5 ngân hàng Việt Nam đã mua lại toàn bộ nợ đã bán cho cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Cả Moody’s và VIB đều kỳ vọng lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng trưởng tích cực do giảm gánh nặng chi phí dự phòng vì không còn nợ VAMC.
Song song, VIB cũng là 1 trong 2 tổ chức tín dụng thuộc danh sách 10 ngân hàng thương mại được NHNN phê duyệt triển khai sớm chuẩn Basel 2. Hiện, VIB đã hoàn tất việc triển khai này và đăng ký với NHNN được áp dụng sớm chuẩn mực Basel 2 từ ngay trong năm 2018.
VIB hiện đang là một trong những ngân hàng có các chỉ tiêu sinh lời và quản trị rủi ro tốt nhất. Với con số lợi nhuận đã công bố 1,720 tỷ cho 9 tháng đầu năm, tỷ lệ ROE của VIB hiện đạt xấp xỉ 20% và dự kiến tiếp tục tăng trong quý 4. Hệ số an toàn vốn của VIB hiện ở mức trên 12%, trong đó CAR Basel II ở mức trên 9.5%. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 38% vào ngày 30/9/2018, so với mức trần của NHNN đặt ra là 45%.
Moody’s cùng với VIB trao đổi với các nhà đầu tư
Ngày 12/9 vừa qua, tại TPHCM, Moody’s đã tổ chức hội nghị với chủ đề “Trong lòng ASEAN: Cái nhìn về Việt Nam”, tập trung vào các chủ đề đánh giá về kinh tế vĩ mô, tình hình xếp hạng các ngân hàng Việt Nam, chia sẻ dự báo của các chuyên gia về triển vọng kinh tế Việt Nam và ngành ngân hàng Việt Nam trong 2019. Ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB, là đại diện duy nhất từ các ngân hàng Việt Nam được Moody’s mời tham gia nhóm diễn giả (panelist).
Ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB
|
Các chuyên gia của Moody’s nhận định chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện. Việc tạo ra các nguồn vốn chủ sở hữu mới từ kêu gọi vốn từ bên ngoài lẫn từ nguồn lợi nhuận để lại đã tạo nền tảng vốn tốt hơn cho các ngân hàng. Moody’s cũng cho rằng hệ số an toàn vốn hiện tại của các ngân hàng Việt Nam, mặc dù đang được cải thiện nhưng đang thấp hơn so với các ngân hàng cùng hạng ở khu vực.
Ông Hồ Vân Long chia sẻ tại hội thảo một số chủ đề. Khi trao đổi về các giải pháp tăng trưởng vốn và hệ số an toàn vốn, ông Long cho rằng VIB cũng như các ngân hàng lành mạnh đang có 4 giải pháp chính: Tăng vốn từ việc tăng trưởng nguồn lợi nhuận cốt lõi bền vững, tăng vốn cấp 1 từ việc huy động vốn mới từ nước ngoài và trong nước, tăng vốn cấp 2 và cuối cùng là tối ưu hóa RWA (tài sản có rủi ro) từ việc làm giàu dữ liệu, làm sạch bảng tổng kết tài sản và định giá cho vay dựa theo mức độ rủi ro. Về câu chuyện tăng trưởng của ngân hàng bán lẻ của VIB, ông Long chia sẻ tiến trình chuyển đổi của VIB hai năm qua đã giúp VIB định vị vững chắc trên thị trường bán lẻ, trở thành ngân hàng dẫn đầu về thị phần cho vay ô tô, đứng thứ 3 về kinh doanh bảo hiểm (bancassurance) và là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ cao nhất thị trường với tỷ lệ nợ xấu bán lẻ dưới 1%.
FILI
|