Thứ Tư, 31/10/2018 13:00

Khoảng lặng của tỷ giá?

Sau quý 3 đầy sóng gió, thị trường ngoại hối trong nước hơn 1 tháng trở lại đây đã bình lặng lại, dù một số yếu tố gây áp lực lên tỷ giá như thời điểm trước đó tái xuất hiện. Giữa bối cảnh rủi ro và bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng, điều gì đã khiến tiền đồng lấy lại được sự ổn định, bất chấp các đồng tiền trong khu vực tiếp tục lao dốc?

Dao động trong phạm vi hẹp

Thống kê trong tháng 10 cho thấy, tỷ giá trên thị trường chính thức chỉ tăng nhẹ so với tháng trước, đặc biệt là tỷ giá tại các ngân hàng ổn định hơn rất nhiều so với những tháng trong quý 3. Đáng lưu ý là tỷ giá trên thị trường tự do thậm chí còn dao động trong phạm vi hẹp hơn và có dấu hiệu giảm so với tháng 9. Diễn biến này cho thấy thị trường ngoại hối đang quay trở lại giai đoạn bình lặng vốn có như những tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, nếu xem xét các yếu tố ảnh hưởng lên tỷ giá USD/VNĐ, có thể thấy một số diễn biến gây áp lực như thời điểm nửa đầu quý 3 đã xuất hiện trở lại. Đầu tiên là sự tăng giá mạnh mẽ trở lại của đồng USD so với các đồng tiền chính khác trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng USD đã có 2 đợt tăng đáng kể từ cuối tháng 9 đến nay, và một lần nữa vượt mốc 96 từ ngày 22/10 hiện đang hướng đến mức cao nhất đạt được vào giữa tháng 8 ở vùng 97.

Nhìn sang đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá USD/CNY niêm yết. Nếu so với thời điểm cuối tháng 9, đồng nhân dân tệ đã bị phá giá thêm 1.5%, rớt xuống mức đáy trong 10 năm và khả năng cặp tỷ giá USD/CNY sẽ sớm phá vỡ mốc kháng cự tâm lý 7.0 đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Có thể nói đồng USD tăng giá và Nhân dân tệ giảm giá là 2 yếu tố gây áp lực lớn nhất lên tiền đồng trong đợt sóng biến động trong quý 3, do Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay 2 yếu tố này lại chưa cho thấy tầm ảnh hưởng rõ ràng như trước đó.

Dường như hiện nay không còn tác động đáng kể nhưng diễn biến bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá thời gian trước. Thống kê cho thấy dù khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh mẽ trong những phiên thị trường lao dốc gần đây, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa thấy ảnh hưởng tâm lý rõ rệt nào lên thị trường ngoại hối.

Yếu tố nào đang hỗ trợ tỷ giá

Yếu tố đầu tiên cần phải nhắc đến chính là niềm tin của thị trường. Sau đợt sóng biến động mạnh trước đó, những tưởng nhà điều hành buộc phải phá vỡ cam kết giữ ổn định tỷ giá, tuy nhiên hàng loạt giải pháp linh hoạt đã được thực thi từ bán ngoại tệ ra thị trường để đáp ứng nhu cầu, tăng giảm giá bán tại Sở giao dịch NHNN tùy thời điểm, kéo lãi suất vay mượn tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng lên cao hơn lãi suất USD,… từ đó giúp thị trường sớm ổn định trở lại.

Thị trường đã không diễn ra như giới đầu cơ lướt sóng kỳ vọng, đặc biệt trong những thời điểm dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nhưng không tác động quá lớn đến tỷ giá trong nước, do đó niềm tin và tâm lý của thị trường đã gia tăng tích cực trở lại, lực mua bán để đầu cơ đã dần bị triệt tiêu.

Yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ thứ hai là cán cân thương mại hàng hóa đột ngột xoay chiều trong những tháng qua, như tháng 8 từ số liệu sơ bộ ban đầu công bố thâm hụt 100 triệu USD sau đó điều chỉnh thành thặng dư 2.2 tỷ USD. Tiếp đó số liệu tháng 9 ban đầu ước tính chỉ xuất siêu 700 triệu USD, tuy nhiên theo số liệu tháng 10 mới công bố thì tháng 9 điều chỉnh xuất siêu đến 1.6 tỷ USD. Với con số xuất siêu tháng 10 ước tính 100 triệu USD thì tổng thặng dư thương mại hàng hóa trong 10 tháng đã lên tới 6.4 tỷ USD, mức kỷ lục trong nhiều năm qua.

Bên cạnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ hoạt động thương mại, thì việc một loạt các ngân hàng trong nước đã vay vốn ngoại tệ thành công từ các định chế tài chính quốc tế cũng giúp cán cân ngoại tệ tiếp tục cải thiện đáng kể. Như hồi cuối tháng 8, LienVietPostBank đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD, kỳ hạn 3 năm với JPMorgan Chase Bank, chi nhánh Singapore.  Đến đầu tháng 9, SHB thỏa thuận thành công vay vốn 2 ngân hàng lớn của Nga tương ứng 20 triệu USD và 20 triệu EUR, tiếp đó đến OCB được công ty tài chính quốc tế (IFC) cam kết cung cấp một khoản vay trị giá 100 triệu USD với kỳ hạn 3 năm.

Gần đây hơn, HDBank và cả CTCP Hàng không VietJet đều thông báo sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trên sàn chứng khoán Singapore. Rõ ràng với những nguồn cung ngoại tệ tiềm năng trong thời gian tới nhờ các khoản vay trên cũng tác động tích cực đến tâm lý trên thị trường ngoại hối.

Trên sàn chứng khoán trong nước, tuy khối ngoại vẫn bán ròng nhưng lượng vốn khổng lồ khác từ một số quỹ đầu tư, cổ đông chiến lược lớn lại tiếp tục đổ vào doanh nghiệp trong nước, đơn cử như phiên gần nhất vào ngày 02/10, quỹ SK Group của Hàn Quốc đã mua thỏa thuận gần 470 triệu USD tại Masan. 

Chính nhờ những phiên mua ròng mạnh tại một số ít doanh nghiệp đã giúp tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 16/10 vẫn đạt 2.97 tỷ USD, vượt con số vào ròng của cả năm 2017 là 2.92 tỷ USD, theo như số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Kết quả này là rất tích cực nếu nhìn vào động thái rút vốn hàng loạt của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi và cận biên khác.

Như vậy, cung cầu ngoại tệ hiện nay cho thấy cung vẫn đang chiếm ưu thế, trong khi các lực cầu đầu cơ hay lướt sóng đã phần nào suy yếu trong bối cảnh niềm tin gia tăng và tâm lý của thị trường ngoại hối đã tích cực hơn, từ kết quả vẫn giữ được sự ổn định sau những đợt sóng gần đây.

Điều quan trọng nhất là nhà điều hành vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, trong đó biến số tỷ giá được xem là rất quan trọng, do đó việc giữ tỷ giá như cam kết là điều cần thiết. Như lời Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới đây đã phát biểu trước Quốc Hội rằng chính sách tỷ giá được điều hành tốt giúp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và trên cơ sở đó giúp ổn định được nghĩa vụ nợ nước ngoài của ngân sách, từ đó giảm áp lực nghĩa vụ trả nợ nước ngoài, ổn định cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, kiều hối và lạm phát, đồng thời tạo lập củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động thương mại tiếp tục dồi dào, việc một loạt các ngân hàng trong nước đã vay vốn ngoại tệ thành công từ các định chế tài chính quốc tế cũng giúp cán cân ngoại tệ tiếp tục cải thiện đáng kể.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Moody’s nâng đánh giá tín nhiệm đối với nhiều ngân hàng Việt (31/10/2018)

>   Lãi ròng quý 3 giảm nhẹ, tỷ lệ nợ xấu VietinBank tăng lên 1.36%  (31/10/2018)

>   Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ đổi 100 USD (30/10/2018)

>   Cổ đông TPBank được chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 28% (30/10/2018)

>   Techcombank: Tăng trưởng tín dụng 2019 khoảng 18%, đã xóa 2,200 tỷ đồng nợ xấu (30/10/2018)

>   Kinh doanh không khả quan, nợ xấu 9 tháng của SHB tăng lên 2.75% (30/10/2018)

>   Cổ phiếu dò đáy, vợ Chủ tịch VPBank đã gom vào hơn 7 triệu cp (30/10/2018)

>   Giảm lãi suất OMO bắt đầu phát huy tác dụng (29/10/2018)

>   OCB: Lãi ròng 9 tháng gấp 2.3 lần cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu lên mức 2.66% (29/10/2018)

>   Săn lùng thông tin (28/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật