Lãi lớn nhưng triển vọng ngân hàng vẫn đáng lo ngại
Kết quả kinh doanh 9 tháng của các ngân hàng công bố cho thấy xu hướng tăng trưởng tích cực vẫn được duy trì, theo đó dự báo ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có một năm 2018 khởi sắc với lợi nhuận mạnh mẽ. Dù vậy, vẫn còn đó những nghi ngại ở một số vấn đề như nợ xấu và chi phí vốn tăng lên từ áp lực huy động vốn.
Vì sao lợi nhuận cao nhưng nợ xấu tăng?
Lợi nhuận 9 tháng nói chung và quý 3 nói riêng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, theo đó nhiều ngân hàng ghi nhận đỉnh cao lợi nhuận từ trước đến nay là điểm sáng nhất trong các báo cáo vừa được công bố. Diễn biến này gây ra không ít bất ngờ khi mà tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay không quá nổi trội, với con số tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp hơn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cần biết rằng kết quả lợi nhuận tích cực như trên không phải chỉ đến từ các khoản vay đạt được trong 9 tháng qua, mà chủ yếu là nhờ vào dư nợ đã tăng trưởng rất cao trong giai đoạn 2015 -2017, thời điểm mà chính sách tiền tệ nới lỏng khá lớn. Và nhờ quy mô dư nợ tăng nhanh trong giai đoạn đó đã góp phần giúp nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay liên tiếp tăng trưởng mạnh và giúp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục như hiện nay.
Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ như bancasurrance cũng đã bắt đầu hái quả ngọt, bên cạnh đó là việc đẩy mạnh các khoản thoái vốn đầu tư tại một số ngân hàng mà đã được phân tích nhiều gần đây. Song song đó là hoạt động thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo cũng được đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH 14 có hiệu lực từ giữa tháng 8/2017, giúp nguồn thu nhập khác mà chủ yếu là thu từ xử lý nợ của các ngân hàng cũng tăng đột biến.
Đơn cử như tại Vietcombank (VCB) , thu nhập từ hoạt động khác 9 tháng đầu năm là hơn 3.1 nghìn tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động khác chỉ vỏn vẹn 102 tỷ đồng, giúp lãi từ hoạt động khác hơn 3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Ngoài ra thu nhập từ góp vốn mua cổ phần cũng tăng gần 6 lần lên 596 tỷ đồng trong 9 tháng, nhờ hàng loạt thương vụ thoái vốn tại các ngân hàng khác vừa qua.
Hay như tại BIDV (BID), lãi từ hoạt động khác 9 tháng hơn 2.7 nghìn tỷ đồng, cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Những ngân hàng nhỏ như TPBank (TPB) cũng ghi nhận lãi từ hoạt động khác hơn 123 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với con số 16.2 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017, trong đó riêng thu từ khoản nợ đã bán cho VAMC là gần 114 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý là dù lợi nhuận rất cao nhưng nợ xấu theo số tuyệt đối của các ngân hàng hầu hết cũng đều tăng so với đầu năm, trong đó đặc biệt tăng mạnh ở nợ nhóm 5 tại một số ngân hàng, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Lý giải về điều này có khả năng là các ngân hàng đã tận dụng giai đoạn lợi nhuận đạt mức cao, theo đó nguồn lực để trích lập dự phòng cũng rộng rãi hơn, do đó đã tích cực chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hơn, và không loại trừ những khoản nợ tái cơ cấu trước đây nhưng nay đánh giá lại triển vọng vẫn không có sự chuyển biến tích cực, do đó ngân hàng cũng quyết định chuyển nhóm phù hợp.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 42 thì việc phân loại nợ không chỉ theo phương pháp định lượng tính theo số ngày quá hạn, mà TCTD có thể chủ động áp dụng phương pháp định tính theo những đánh giá của riêng mình để phân loại nhóm nợ phù hợp với tình hình thực tế của khách hàng. Điều này sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng phản ánh thực tế hơn, và hạn chế tình trạng 2 số liệu nợ xấu như thời gian qua.
Thách thức từ chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng
Khác với những năm trước đây, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay đã chậm lại rất nhiều so với tín dụng. Như tại Vietcombank, trong khi tăng trưởng tín dụng lên tới 15% thì huy động vốn chỉ tăng 9.2%, tại BIDV chênh lệch thấp hơn với cho vay tăng 12% và tiền gửi tăng 11%. Một NHTM Nhà nước lớn khác là VietinBank (CTG) chứng kiến tăng trưởng dụng lên 12.7%, trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 9.6%, do đó ngân hàng này đã đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá với giá trị tăng thêm gần 82%, dù vậy cộng luôn giấy tờ có giá thì huy động vốn cũng chỉ tăng trưởng 11.7%, vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
Diễn biến này cũng xảy ra phổ biến tại nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, bao gồm nhóm ngân hàng TMCP. Như tại Ngân hàng Quân đội, dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh đến 11%, nhưng tăng trưởng tiền gửi khách hàng chỉ đạt 6%. Còn tại VPBank (VPB), dư nợ tăng 9.9% so với đầu năm, trong khi huy động vốn chỉ tăng 6.5%, hay như theo báo cáo mới đây của Ngân hàng SCB cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng là 13% so với huy động vốn chỉ tăng 7%.
Thực tế cũng cho thấy sau giai đoạn 6 tháng đầu năm tăng trưởng tiền gửi luôn cao hơn tín dụng, thì đến tháng 9 tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành đã rớt về thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân chính khiến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng khó khăn trở lại đến từ nhiều yếu tố mà đã được đề cập suốt thời gian qua, từ áp lực lạm phát, tỷ giá cho đến những bất ổn nội tại trong nền kinh tế dần xuất hiện.
Và mặt bằng lãi suất có xu hướng đi lên trở lại từ giữa quý 3 trở lại đây là minh chứng thể hiện rõ nhất áp lực huy động vốn của các ngân hàng. Với chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng của các ngân hàng như đã nói, thì thanh khoản cuối năm của các ngân hàng này sẽ phải đối mặt với khả năng căng thẳng cao hơn, do đây là thời điểm tiền gửi tại các ngân hàng thường bị rút ra mạnh để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm.
Trong khi đó, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay nhằm đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra, các ngân hàng cũng buộc phải tăng cường huy động vốn vừa phải bù đắp được sự chênh lệch vốn đầu vào và đầu ra trong 9 tháng qua, mà còn đảm bảo đủ vốn cho hoạt động tín dụng cuối năm như đã nói.
Và với áp lực huy động vốn như vậy, xu hướng tăng lãi suất khó có thể bị kìm lại trong những tháng cuối năm. Theo đó, các ngân hàng tăng lãi suất sẽ phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn, do đó biên lợi nhuận sẽ phần nào bị ảnh hưởng đáng kể trong thời gian tới. Chính vì vậy mà mới có quan điểm lo ngại phải chăng lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng trong năm 2018 này sẽ là đỉnh điểm từ đây.
Các ngân hàng đã tận dụng giai đoạn lợi nhuận đạt mức cao, theo đó nguồn lực để trích lập dự phòng cũng rộng rãi hơn, do đó đã tích cực chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hơn, và không loại trừ những khoản nợ tái cơ cấu trước đây nhưng nay đánh giá lại triển vọng vẫn không có sự chuyển biến tích cực, do đó ngân hàng cũng quyết định chuyển nhóm phù hợp.
|
Nhung Võ
FILI
|