Hang Seng tăng hơn 400 điểm vào phiên đầu tháng 11
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều vào ngày thứ Năm (01/11), sau khi tháng 10 tàn khốc gây chao đảo các thị trường chứng khoán trong khu vực.
Khép lại phiên ngày thứ Năm (01/11), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc xóa phần lớn đà tăng trong phiên và chỉ còn tiến 3.45 điểm (tương ứng 0.13%) lên 2,606.24 điểm, còn Shenzhen Composite 0.934% lên 1,306.31 điểm.
Bên cạnh đó, Hang Seng của Hồng Kông tăng 436.31 điểm (tương ứng 1.75%) lên 25,416 điểm.
Đà tăng của chỉ số chứng khoán Trung Quốc được hỗ trợ bởi thông tin chỉ số PMI Caixin-IHS Markit tháng 10/2018. Chỉ số này đạt 50.1 trong tháng 10/2018, cao hơn dự báo 49.9 từ các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng, còn ngược lại thì cho thấy sự thắt chặt.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 232.81 điểm (tương ứng 1.06%) xuống 21,687.65 điểm, còn Topix lùi 0.85% xuống 1,632.05 điểm. Các ông lớn công nghệ trở thành tâm điểm chú ý, trong đó cổ phiếu Panasonic tụt dốc 5.64% và Softbank rớt hơn 8.16%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc khép phiên ngày 01/11
Nguồn: CNBC
|
Dan Baker, Chuyên viên phân tích tại Morningstar, cho biết, đà giảm mạnh của cổ phiếu Softbank có thể là do thông tin một trong những đối thủ viễn thông Nhật Bản giảm phí.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 xóa bớt phần lớn đà tăng và chỉ còn tiến 10.5 điểm (tương ứng 0.18%) lên 5,840.8 điểm vào lúc đóng cửa ngày thứ Năm (01/11). Lĩnh vực nguyên vật liệu tiến 1.28%, trong đó cổ phiếu của các công ty khai khoáng đều tăng: Rio Tinto leo dốc 2.09%, Fortescue Metals cộng 2.75% và BHP Billiton vọt 2.79%.
Cổ phiếu BHP tăng vọt sau khi Công ty này cho biết họ dự định hoàn trả 10.4 tỷ USD cho cổ đông thông qua mua lại cổ phiếu và chia cổ phiếu đặc biệt. BHP cho biết sẽ nhắm tới đợt mua lại cổ phiếu 5.2 tỷ USD ngay lập tức và dự định thanh toán phần còn lại dưới dạng cổ tức đặc biệt.
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã quay đầu giảm 0.26% xuống 2,024.46 điểm.
Phố Wall khởi sắc trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10
Chứng khoán Mỹ phục hồi liên tiếp 2 phiên vào ngày thứ Tư (31/10), khi nhà đầu tư nhanh chóng mua lại những cổ phiếu công nghệ và internet yêu thích đang bị sụt giá, cùng với các báo cáo lợi nhuận tích cực đã nâng cao tinh thần nhà đầu tư, ngay cả khi S&P 500 khép lại tháng tồi tệ nhất trong 7 năm qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu nhiều áp lực trong tháng 10/2018 giữa lúc nhà đầu tư lo ngại về đà tăng của lãi suất và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như về đà giảm tốc của lợi nhuận doanh nghiệp.
Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 1.91 ngàn tỷ USD trong tháng 10/2018, theo Howard Silverblatt, Chuyên gia phân tích tại S&P Dow Jones Indices. Đà giảm trải rộng ra khắp nhiều lĩnh vực. Tháng 10 vừa qua cũng là tháng tồi tệ nhất đối với S&P 500 kể từ tháng 9/2011.
“Mức độ biến động của tháng 10/2018 phải gọi là huyền thoại, và chúng tôi không chỉ nói về cú đổ đèo năm 2008 không đâu”, ông Silverblatt trao đổi với CNBC. “Tháng 10 biến động nhiều hơn bất kỳ tháng nào khác và cũng giảm nhanh nữa”.
Nhóm FANG “bay hơi” khoảng 300 tỷ USD vốn hóa so với ngày 20/09/2018
Nhóm công nghệ lớn Fang – bao gồm Facebook, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet– nằm trong số bị tác động nặng nề nhất. Amazon khép lại tháng qua với mức giảm tới 20.2%, và Netflix lao dốc tới 19.3%. Nhà đầu tư đã rời bỏ cả hai cổ phiếu này sau báo cáo lợi nhuận ảm đạm hơn dự báo. Hai cổ phiếu Facebook và Alphabet giảm tương ứng 7.7% và 9.7% trong tháng 10/2018.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.737 sau khi lên mức 97.115 trước đó.
Đồng Yên Nhật ở mức 112.82 đổi 1 USD sau khi tăng từ mức 113.3 đổi 1 USD trong phiên trước. Đồng AUD ở mức 0.7142 USD sau khi rơi xuống mức đáy 0.7070 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|