Thứ Hai, 26/11/2018 11:32

Doanh nghiệp tư nhân tăng vay nợ nước ngoài

Dù nhà nước không có nghĩa vụ trả các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân nhưng nếu vay nợ vượt giới hạn thì tình hình tài chính quốc gia vẫn rơi vào bất ổn

Trước tình hình nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần nhưng nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân đang tăng nhanh, Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất giải pháp kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn.

Áp sát ngưỡng cho phép

Giải trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra về tình hình vay nợ của quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ nước ngoài của Chính phủ, theo hướng giảm dần nợ nước ngoài của Chính phủ từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống 21% GDP năm 2018. Với các khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nhờ kiên quyết hạn chế cấp bảo lãnh nên giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 còn 8,7% GDP năm 2018. Trong đó, nợ bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP vào cuối năm 2015 còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; năm 2017 tăng 39,6% so với 2016. Điều này dẫn đến việc gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Theo đó, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP trong các năm 2015, 2016, 2017 và dự kiến năm 2018 tương ứng là 42%, 44,8%, 48,9% và 49,7% - áp sát ngưỡng 50% GDP được Quốc hội cho phép.

Theo Chính phủ, khoản nợ tự vay, tự trả của khối tư nhân tăng nhanh chủ yếu là do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của DN và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Thực tế, việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng là nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ thêm nguyên nhân nợ nước ngoài tăng là do một số khoản vay của thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Điển hình, Công ty Vietnam Beverage của nhà đầu tư Thái Lan nhưng pháp nhân là DN tư nhân Việt Nam huy động số tiền lớn để mua lại cổ phần nhà nước ở Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị khoảng 5 tỉ USD.

"Các khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả. Việc vay này tuy có rủi ro về tỉ giá và lãi suất USD nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nợ nước ngoài của DN Việt Nam không đáng lo ngại và không gây tác động lớn đến ổn định vĩ mô nói chung. "Các tổ chức cho vay trên thị trường tài chính quốc tế cũng có tính toán khi quyết định hợp tác với DN hay quốc gia nào. Nhìn tổng thể, nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn được trả đầy đủ, đúng hạn, thể hiện được uy tín" - ông Phước nhìn nhận.

Một trong những nguyên nhân khiến nợ nước ngoài tăng là do một số khoản vay của thành phần kinh tế ngoài nhà nước, như việc mua lại cổ phần nhà nước ở SabecoẢnh: TẤN THẠNH
 

Không thể chủ quan

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công nhưng lại là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia, có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, từ chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay này để bảo đảm trong giới hạn cho phép.

Theo phê duyệt của Thủ tướng, hạn mức vay thương mại nước ngoài của các DN, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả trong năm 2018 tối đa là 5 tỉ USD. Riêng dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của DN, tổ chức tín dụng không vượt quá số dư nợ vào thời điểm cuối năm 2017. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2018, cơ cấu vay của Chính phủ cũng đã thực hiện theo hướng tăng dần tỉ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

"Huy động vốn vay trong nước trung bình giai đoạn 2016-2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ. Dự kiến cuối năm 2018, tỉ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% - thay đổi mạnh so với tỉ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài năm 2015" - ông Long lạc quan.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng dù nợ của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước không thuộc phạm vi chịu trách nhiệm của Chính phủ song vẫn ảnh hưởng đến tài chính quốc gia. Bởi lẽ, nếu DN nợ nước ngoài bằng ngoại tệ thì cuối cùng cũng phải dùng ngoại tệ của quốc gia để thanh toán. Một quốc gia không bảo đảm ngoại tệ dồi dào cho DN trả nợ thì DN có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ, DN sẽ đẩy quốc gia vào tình huống bị mất tín nhiệm trên thị trường tài chính quốc tế, gây tác động xấu đến DN khác.

"Đây là vấn đề rất đáng cảnh báo. Dù NHNN đang kiểm soát vấn đề nợ nước ngoài bằng quy định tất cả thành phần kinh tế nợ nước ngoài ở mức nào đều phải có sự chấp thuận của NHNN nhưng không loại trừ khả năng vay mượn nước ngoài mà không khai báo, tạo ra rủi ro cho cả nền kinh tế, thậm chí có thể là khủng hoảng" - TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

 

PHƯƠNG NHUNG

Người Lao Động

Các tin tức khác

>   Giải bài toán nợ công cách nào? (26/11/2018)

>   Xem xét thận trọng hiệu quả của nhiệt điện than (25/11/2018)

>   Sài Gòn mưa lớn, hàng không vẫn bay bình thường (25/11/2018)

>   Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin xi măng thừa cung (25/11/2018)

>   "Siêu ủy ban" sẽ quản vốn nhà nước tốt hơn? (25/11/2018)

>   Lương duyên 'lệch pha' giữa doanh nghiệp nội và FDI (25/11/2018)

>   Phó thủ tướng chỉ đạo giải quyết kiến nghị cấp phép bay của Vietstar Airlines (24/11/2018)

>   Hàng không lùi giờ nhiều chuyến bay do ảnh hưởng bão số 9 (24/11/2018)

>   Doanh nghiệp nhựa, thép Việt nói gì về Chiến tranh thương mại? (24/11/2018)

>   Nữ nhân viên Vietjet Air ở sân bay Thọ Xuân bị tấn công (24/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật