Thứ Hai, 26/11/2018 11:25

Giải bài toán nợ công cách nào?

Bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,28 triệu đồng).

Nợ công tiếp tục đà tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Với con số nợ công như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,28 triệu đồng).

Trong khi đó, vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nợ chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2.590 nghìn tỷ đồng, ước năm 2018 là 2.892 nghìn tỷ đồng. Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150,7 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 157,13 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 201,21 nghìn tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản tán thành với phương án Chính phủ dự kiến, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018 và đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Trường hợp tăng thu ngân sách Nhà nước thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

Về nợ công, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50%GDP).

"Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia", - ông Nguyễn Đức Hải nói.

Phải tính toán chặt chẽ hơn khi vay nợ

Mặc dù nợ công có xu hướng giảm, song theo các chuyên gia, các chỉ số nợ vẫn còn cao, áp lực nợ công vẫn rất lớn, nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Trong khi đó, Việt Nam đã không còn nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) và từ đầu năm 2019 cũng không được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mà sẽ chỉ còn các khoản vay với điều kiện thị trường. Nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục vay nợ để đầu tư, để bù đắp thâm hụt ngân sách. Điều đó cho thấy áp lực quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công ngày càng lớn hơn nhiều.

Trao đổi với VOV, ông Lê Văn Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính khiến nợ công tăng cao và tốc độ tăng nhanh trong thời gian qua chủ yếu do áp lực vốn cho đầu tư phát triển nên phải duy trì mức bội chi ngân sách nhà nước ở mức cao. Bên cạnh đó, phân bổ vố đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay.

Vì vậy, “việc xây dựng kế hoạch huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay chưa gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ với khả năng trả nợ; chưa gắn kết giữa xác định mức vay nợ phù hợp với đảm bảo an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nợ công, nợ Chính phủ đang có xu hướng tiến sát ngưỡng giới hạn chỉ số nợ đã được phê duyệt”, ông Cương nói.

Còn theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, dù hệ thống các công cụ quản lý nợ công đã được ban hành, nhưng việc huy động vốn vay đôi khi thoát ly chiến lược, kế hoạch đã được phê duyệt... nên hiệu lực thi hành thấp, bị động.

“Luật Quản lý nợ công chạm tới 24 luật khác. Nếu nhìn từ luật đến các nghị định và thông tư hướng dẫn thì giống như rừng nhiệt đới, có nhiều tầng khác nhau nên rất phức tạp”, ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, cơ chế hiện hành về bảo lãnh vẫn dựa nhiều vào bao cấp của nhà nước, ngân sách Nhà nước chịu rủi ro tín dụng. Đồng thời, chưa có quy định cụ thể về việc phân loại nợ, trích lập và xử lý rủi ro tín dụng nên khi có nợ xấu hoặc nợ quá hạn không có nguồn để xử lý, phải điều chỉnh cơ chế tài chính, tái cơ cấu nợ bằng cách chuyển sang đầu tư vốn nhà nước hoặc cấp phát ngân sách Nhà nước, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Theo các chuyên gia, phải tính toán chặt chẽ hơn khi vay nợ, phải đồng bộ quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công để có thể quản trị rủi ro của nợ công. Theo đó, Bộ Tài chính đang nỗ lực cải cách trong công tác quản lý nợ.

“Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Nhóm chuyên gia của WB xây dựng Khung cải cách về quản lý nợ công, hướng đến quản lý nợ công bảo đảm sự đồng bộ giữa quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ, các trần ngưỡng an toàn nợ; kiểm soát rủi ro đối với danh mục nợ công”, ông Trương Hùng Long cho hay.

Với mục tiêu như vậy thì Khung cải cách công tác quản lý nợ công sẽ là một ma trận tổng thể nhưng bao gồm các hoạt động rất cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng. Trong đó sẽ áp dụng các mô hình phân tích bền vững nợ, mô hình xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn nhằm quản lý nợ, quản lý rủi ro một cách chủ động; cải thiện công tác huy động vốn thông qua việc đa dạng hóa các hình thức huy động vốn trong nước của Chính phủ, mở rộng, tiếp cận các hình thức huy động vốn nước ngoài, thay thế dần cho nguồn vốn ODA...

Mộc Miên

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Xem xét thận trọng hiệu quả của nhiệt điện than (25/11/2018)

>   Sài Gòn mưa lớn, hàng không vẫn bay bình thường (25/11/2018)

>   Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin xi măng thừa cung (25/11/2018)

>   "Siêu ủy ban" sẽ quản vốn nhà nước tốt hơn? (25/11/2018)

>   Lương duyên 'lệch pha' giữa doanh nghiệp nội và FDI (25/11/2018)

>   Phó thủ tướng chỉ đạo giải quyết kiến nghị cấp phép bay của Vietstar Airlines (24/11/2018)

>   Hàng không lùi giờ nhiều chuyến bay do ảnh hưởng bão số 9 (24/11/2018)

>   Doanh nghiệp nhựa, thép Việt nói gì về Chiến tranh thương mại? (24/11/2018)

>   Nữ nhân viên Vietjet Air ở sân bay Thọ Xuân bị tấn công (24/11/2018)

>   Tây Nguyên đón mùa cà phê buồn (24/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật