Thứ Bảy, 10/11/2018 11:01

ĐHĐCĐ Minh Phú: “Trên thế giới không ai giỏi hơn MPC về quy trình sản xuất cũng như chế biến, nhưng...”

Sáng 10/11, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã bàn về loạt vấn đề trọng yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và phát hành cổ phiếu trong thời gian tới.

* “Vua tôm” Minh Phú chia sẻ lý do trở lại HOSE và bước đi chiếm 25% thị phần thế giới

ĐHĐCĐ bất thường của MPC diễn ra sáng ngày 10/11 tại trụ sở Công ty.

Có hai nhà đầu tư chiến lược đáp ứng về vốn lớn và hỗ trợ MPC phát triển thị trường

Liên quan đến việc phát hành riêng lẻ, do có nhà đầu tư muốn mua 35.1% cổ phiếu mới nên MPC có phương án tăng vốn điều lệ từ 1,400 tỷ đồng lên 2,157 tỷ đồng.

Cụ thể, MPC sẽ phát hành riêng lẻ 75.72 triệu cp với giá do Chủ tịch HĐQT đàm phán, quyết định trên cơ sở không thấp hơn giá trị sổ sách của Công ty tại thời điểm báo cáo tài chính quý gần nhất và không thấp hơn giá đóng cửa bình quân trong 10 ngày liên tiếp ngay trước thời điểm nộp hồ sơ cho UBCKNN. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thời gian thực hiện trong năm 2018-2019. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để tăng cường năng lực tài chính, bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Quang cho biết, đối tác mà MPC cần thu hút trong đợt phát hành này là bổ sung nguồn vốn và cả giá trị cho Công ty, còn nếu không phải là đối tác chiến lược mà muốn chiếm đa số thì giá phải cao hơn ít nhất 30%. “Hiện tại, đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn mua với các tỷ lệ như 35.1%, 30% và 15%, đặc biệt có một nhà đầu tư muốn mua khoảng 35.1% vốn của MPC cộng với 15% của gia đình Chủ tịch nhằm nắm 51% MPC, thậm chí đối tác này còn muốn mua 65% với giá tốt nhưng chưa đạt kỳ vọng của MPC. Mức giá mà MPC kỳ vọng phải cao ít nhất 20-30% thì Công ty mới bán. Ngoài ra, cũng có đối tác muốn mua với điều kiện không bị hạn chế chuyển nhượng.” - ông Quang tiết lộ.

Về quy trình sản xuất cũng như chế biến thì trên thế giới này không ai giỏi hơn MPC, nhưng thị trường là vấn đề mà MPC chưa làm chủ được, vẫn bị phụ thuộc. Vì vậy, MPC chú trọng tìm nhà đầu tư chiến lược có nguồn vốn lớn và giúp MPC về phát triển mạnh thị trường. Hiện, có 2 nhà đầu tư chiến lược (Mỹ và Nhật) đáp ứng được kỳ vọng này và MPC cũng muốn hai “ông lớn” này tham gia (30% và 35%), nhưng MPC vẫn đang cân nhắc vì tỷ lệ nắm giữ quá lớn, nhất là việc mua cổ phiếu từ gia đình tôi” -  ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, cho biết đến giờ này, việc lựa chọn đối tác cơ bản đã chốt được rồi, nhưng MPC muốn thông qua ĐHĐCĐ và tận dụng những tháng cuối năm để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất. Về mức giá, cổ phiếu MPC trên UPCoM thời gian gần đây thanh khoản rất tốt và phản ánh tương ứng thực tế của Công ty. Vì thế, đây có thể cũng là mức giá MPC dựa vào để tính toán phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, có một nhà đầu tư chiến lược muốn MPC niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế như Hồng Kông hay Singapore, và vấn đề này MPC sẽ nghiên cứu.

Theo đó, để đáp ứng đủ điều kiện nới room ngoại lên trên 51%, MPC sẽ bỏ bớt một số ngành nghề kinh doanh như bất động sản, xây dựng, vận tải hàng hóa và cho thuê xe. Theo MPC, các ngành nghề này Công ty cũng không hoạt động và không phải ngành nghề chính nên việc hủy bỏ không ảnh hưởng gì tới hoạt động của Công ty.

Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề sở hữu, MPC cũng lấy ý kiến cổ đông thông qua việc các cá nhân là bà Lê Thị Dịu Minh, Lê Thị Minh Quý, Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Ngọc (là các con của Chủ tịch Lê Văn Quang và Phó Tổng giám đốc Chu Thị Bình) và người có liên quan mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu MPC với mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu lên tổng mức tối đa 85% vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Tận dụng cuộc chiến thương mại, MPC đầu tư nhà máy tôm tẩm bột

Về kế hoạch đầu tư nhà máy tôm tẩm bột, theo MPC, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% (mặt hàng tôm tẩm bột không bị thuế phá giá) lên 10% và lên 25% vào cuối năm 2018. Chính điều này đã làm cho mặt hàng này trước đây Trung Quốc xuất mạnh vào Mỹ thì hiện giờ không xuất được. Vì vậy, các khách hàng Mỹ đã gặp và yêu cầu MPC bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc không bán được.

Để tận dụng cơ hội này, MPC lên kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40,000 tấn/năm tại phần đất của Minh Phú Hậu Giang. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho nhà máy này khoảng 2,000 tỷ đồng. Vì mặt hàng này không chịu thuế phá giá vào Mỹ nên nguồn tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy này và chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và tôm loại 2 từ Minh Phú Hậu Giang và Minh Phú Cà Mau. Vì vậy, MPC đặt nhà máy ở Minh Phú Hậu Giang sẽ giảm được chi phí vận chuyển tôm nhập về cũng như tôm tẩm bột xuất đi. Dự kiến lợi nhuận của dự án này sẽ trên 20%.

Những năm qua Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong mặt hàng này, còn MPC chỉ bán rất ít, lợi nhuận tối đa chỉ 10%.

Dự kiến, phải đến năm 2020 nhà máy này mới có sản phẩm với sản lượng 40,000 tấn/năm, tương ứng doanh số mang về khoảng 250-300 triệu USD/năm. Nhà máy xây dựng xong là có thể lấp đầy công suất, với hệ thống máy móc tự động.

"Dù cuộc chiến thương mại có ngưng lại thì MPC cũng không quá quan ngại về vấn đề này vì có thể mang lại lợi nhuận khoảng 15-20% từ sản phẩm này" - ông Quang khẳng định.

Cũng theo MPC, hiện tại, bên Mỹ các kho lạnh đã quá tải làm việc nhập khẩu hàng của Minh Phú vào Mỹ phải làm việc ở cảng, chờ kho phát sinh tăng thêm rất nhiều chi phí. Vì thế, MPC muốn đầu tư xây dựng 1 kho lạnh 10,000 pallet tại Los Angeles và 1 kho lạnh 10,000 pallet tại New York. Đây là 2 cảng chính mà hàng Minh Phú nhập vào. Nguồn vốn đầu tư này là từ lợi nhuận tái đầu tư Mseafood và nguồn vốn vay ngân hàng. Nguồn trả nợ là bằng lợi nhuận để lại hàng năm của Mseafood.

Tầm nhìn tiến tới 25% thị phần thế giới

Tầm nhìn tương lai của MPC thời gian tới, theo ông Quang, Minh Phú hiện tại đứng đầu thế giới, đơn vị thứ hai có sản lượng chỉ bằng 70% Minh Phú. Vì thế thị trường tôm thế giới cũng như Việt Nam chịu sự tác động của MPC rất lớn. Tầm nhìn của MPC là tiến tới nắm 25% thị phần tôm toàn cầu thì mới có sức mạnh trong chuỗi tôm, nhất là đối với các hệ thống phân phối bán lẻ, nhà hàng. Hiện, hệ thống phân phối bán lẻ và nhà hàng có lợi nhuận rất lớn từ các sản phẩm này do ép giá từ nhà cung cấp.

Nếu MPC nuôi tôm với công nghệ hiện tại đã nghiên cứu ra, lợi nhuận của MPC sẽ trên 15%, còn nếu tham gia được tận chuỗi 25% thị phần thì lúc đó, MPC có thể đạt được lợi nhuận tốt hơn. Nhưng vẫn phải làm sao để phát triển bền vững, nên MPC chỉ kỳ vọng lợi nhuận đạt mức 15%.

Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng 15%/năm thì đến 2023 sản lượng MPC đạt 510,000 tấn tôm; nếu tăng 20% thì đạt 1 triệu tấn tôm, giá trị tương ứng 10 tỷ USD; tăng 25% thì đạt 1.7 triệu tấn tôm, giá trị 17 tỷ USD; nếu làm tốt và có cùng nhà đầu tư chiến lược thì có thể tăng trưởng 30%, sản lượng đạt 2.6 triệu tấn tôm, tương ứng mang về 26 tỷ USD.

Với công nghệ nuôi mới là dùng các sensor, MPC có thể khắc phục được rủi ro dịch bệnh, thời tiết và lớn nhất là quản lý con người.

Trong những năm qua, vấn đề lớn nhất đối với ngành tôm là công nhân, với mục tiêu nắm 25% thị phần toàn cầu thì vấn đề tự động hóa là bài toán cần giải quyết. MPC đã nghiên cứu 5 năm nay về giải pháp tự động hóa. Hiện đang làm việc với đối tác, nếu được áp dụng, có thể giảm được 80% nhân công.

Ngoài ra, để Minh Phú phát triển bền vững, có lợi nhuận cao, MPC chuẩn bị thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển lĩnh vực tôm bố mẹ, con giống và công nghệ nuôi cùng dinh dưỡng và thức ăn tôm. Nguồn vốn cho nghiên cứu và phát triển được trích 1% doanh thu hàng năm.

MPC cũng sẽ tăng thêm số lượng Thành viên HĐQT là 9 người bằng việc bầu bổ sung ông Bùi Anh Dũng – Tổng giám đốc Minh Phú Food và Phó Tổng MPC và HĐQT. Với chương trình ESOP, theo MPC sẽ phát hành thêm không quá 500,000 cp cho cán bộ chủ chốt.

Minh An

Fili

Các tin tức khác

>   Chật vật đấu giá khoản nợ 2.400 tỷ đồng của đại gia Phú Yên (10/11/2018)

>   CEE: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 (09/11/2018)

>   VGP: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2017 (09/11/2018)

>   VND bị xử phạt do dùng người chưa có chứng chỉ hành nghề làm quản lý tài khoản khách hàng (09/11/2018)

>   GDT: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 23 (09/11/2018)

>   AGF: Giải trình một số nội dung trong BCTC quý 4 niên độ 2017-2018 (09/11/2018)

>   TLD: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 7 (09/11/2018)

>   LDG: Nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng Dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World (09/11/2018)

>   HSG: Nghị quyết HĐQT về việc chấm dứt hoạt động một số chi nhánh trực thuộc (09/11/2018)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 08/11/2018 (09/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật