Dệt may làm nên ‘cơm áo’ trong 9 tháng đầu năm
Với điều kiện thị trường thuận lợi, chỉ trong 9 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp dệt may đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Xuất khẩu dệt may thực hiện được 79% kế hoạch năm, tiến gần đích 35 tỷ USD
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi… đạt 26.87 tỷ USD, tăng 16.57% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 9.8% của cùng kỳ 2017, và hoàn thành 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu của ngành dệt may cũng tăng mạnh, tương đương tốc độ tăng xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 16.36 tỷ USD, tăng 16.49% so cùng kỳ.
VITAS nhận định từ đầu năm đến nay, các thị trường trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt và các thị trường CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc... tăng trưởng mạnh, vượt trội so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may, với các mặt hàng bứt phá mạnh là áo thun, quần, áo jacket, váy, vest…
Có thể thấy, động lực cho sự tăng trưởng của ngành dệt may một phần đến từ sự tích cực trong hoạt động xuất khẩu. Theo thống kê, dệt may hiện là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 2, chỉ sau xuất khẩu điện thoại và linh kiện.
Bên cạnh đó, diễn biến tỷ giá cũng đang có lợi cho doanh nghiệp dệt may. Tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh ở giai đoạn giữa quý 3/2018 và tiếp tục neo ở mức cao. Nhập khẩu nguyên liệu bằng các ngoại tệ khác (chủ yếu là nhân dân tệ) đang giảm giá so với USD, trong khi xuất khẩu thu về bằng USD.
Doanh nghiệp dệt may nào về đích sau 9 tháng?
Với điều kiện thị trường thuận lợi, chỉ trong 9 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp dệt may đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Dẫn đầu về tỷ lệ vượt kế hoạch lợi nhuận là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM). Trong 9 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu gần 2,827 tỷ đồng - thực hiện được hơn 89% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế (LNST) gần 213 tỷ đồng - vượt 12% kế hoạch năm.
Tiếp theo là CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK). Trong 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 1,781 tỷ đồng - thực hiện được gần 76% kế hoạch năm; LNST đạt 131.4 tỷ đồng - vượt hơn 4% kế hoạch năm.
Còn CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) ghi nhận doanh thu gần 2,727 tỷ đồng - thực hiện được 99% kế hoạch năm; LNST hơn 130 tỷ đồng - vượt 3% kế hoạch năm.
Với CTCP Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt hơn 221 tỷ đồng - thực hiện được 74% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế (LNTT) gần 19 tỷ đồng – thực hiện được gần 95% kế hoạch năm.
Mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch năm nhưng CTCP Mirae (HOSE: KMR) xem như đã hoàn thành mục tiêu 9 tháng khi LNST thực hiện được 75% kế hoạch năm, đạt gần 13 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu đạt hơn 364 tỷ đồng – thực hiện được hơn 81% kế hoạch năm.
Hai doanh nghiệp dệt may khác là CTCP May Phú Thành (HNX: MPT) và CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) mới chỉ thực hiện được 53% và 52% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu và LNST của các doanh nghiệp dệt may đều tăng so cùng kỳ. Chỉ có FTM là doanh thu giảm gần 11% so cùng kỳ. Còn CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (HNX: TET) thì có LNST giảm hơn 18% so cùng kỳ.
Trong quý 3, doanh thu và LNST của đa số doanh nghiệp tăng so kỳ. Đáng chú ý, LNST của STK tăng gần 163%, của TCM tăng hơn 85%. Riêng FTM có doanh thu giảm gần 31% và LNST giảm hơn 34% so cùng kỳ. KMR ghi nhận LNST quý 3 giảm hơn 25% so cùng kỳ.
Giá cổ phiếu tăng
Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, trong quý 3/2018, giá cổ phiếu TCM tăng hơn 43%, từ mức 16,300 đồng/cp ngày 11/07 lên mức 30,300 đồng/cp ngày 26/09. Tuy nhiên, trong 1 tháng vừa qua tính đến hết ngày 26/10, giá cổ phiếu TCM đã giảm gần 26% và có những phiên giảm sàn. Đóng cửa giao dịch ngày 26/10, giá cổ piếu TCM chỉ ở mức 22,500 đồng/cp.
Trước đó, vào ngày 19/10, TCM công bố thông tin việc đối tác tại Mỹ nộp đơn phá sản. Cụ thể, Công ty Sears Holding đã nộp đơn phá sản lên tòa án Hoa Kỳ, trong danh sách các công ty con của Sears Holding có 2 công ty là Sears, Roebuck và Kmart đang giao dịch với TCM. Hai công ty này chiếm 7% tổng doanh thu hàng năm của TCM. Phiên tòa phá sản dự kiến tiến hành vào ngày 15/11. TCM cho biết đang nỗ lực tham gia vào quá trình tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền hàng bán chưa được thanh toán.
Trong khi đó, quý vừa qua tính đến hết ngày 26/10, giá cổ phiếu TNG tăng gần 40%, STK tăng gần 34%, MPT tăng gần 22%, TDT tăng 3%, TET tăng 0.39%.
Các cổ phiếu giảm giá trong quý vừa qua, tính đến hết ngày 26/10, là KMR và FTM, với mức giảm khoảng 15%. Cả hai doanh nghiệp này đều có LNST quý 3 giảm so cùng kỳ.
Triển vọng khả quan
Với tình hình thị trường và đơn hàng như hiện tại, VITAS dự báo đích ngắm 35 tỷ USD là hiện thực với ngành dệt may trong năm 2018.
Sau quý 3 đạt kết quả kinh doanh đột phá, triển vọng kinh doanh quý 4 của ngành dệt may cũng khả quan bởi đây là thời điểm có nhiều ngày lễ lớn trên thế giới như Noel, đón mừng năm mới. Ba tháng còn lại của năm 2018 là thời điểm "vàng" để các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cơ hội tăng kim ngạch, mở rộng thị trường của ngành dệt may được dự báo khả quan hơn khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được thúc đẩy ký kết và triển khai. Các thị trường trọng điểm khác như Mỹ, các nước khối CPTPP, đặc biệt Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN,... cũng có triển vọng tốt dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi lớn.
Gia Nghi
FILI
|