Chứng khoán Mỹ: Phe “gấu” hay phe “bò” sẽ thắng thế?
Những lý do để nhà đầu tư bi quan đang gia tăng nhanh chóng khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh.
Bức tranh kinh tế cơ bản bỗng chốc bị hoen ố khi các mối lo ngại ngày càng chồng chất. Chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế có thể đã chạm đỉnh, rào cản chính trị đang dần hình thành và lãi suất cao hơn ngáng đường chính quyền Donald Trump trong việc đưa ra các gói kích thích tài khóa trong tương lai.
Mặc dù có phục hồi nhẹ trong tháng 11/2018, nhưng đà bán tháo hôm thứ Hai (12/11) thể hiện thị trường vẫn còn lắm thất thường. Chỉ cần một thông tin tiêu cực về nhu cầu iPhone của Apple và thông tin về vấn đề pháp lý của Goldman Sachs cũng đủ để đẩy Phố Wall vào vòng xoáy suy giảm.
Thị trường biến động thất thường giờ đã là chuyện thường ngày và các chuyên gia thị trường cảnh báo khác hàng không nên chấp nhận quá nhiều rủi ro trong môi trường hiện nay.
“Các rủi ro hiện nay buộc chúng tôi phải cẩn trọng và tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư giảm bớt rủi ro nếu tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của họ đang trên tỷ lệ phân bổ chiến lượng dài hạn”, các chiến lược gia tại Charles Schwab cảnh báo khách hàng trong một báo cáo ngày thứ Hai (12/11). “Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận có thể đã đạt đỉnh, trong khi thị trường lao động tiếp tục thắt chặt. Kết hợp này dẫn tới tăng trưởng tiền lương cao hơn, có khả năng là lạm phát cũng cao hơn và sự không chắc chắn liên quan tới chính sách của Fed”.
Những lời bàn tán xôn xao trên Phố Wall đều là mối nguy cơ về bức tranh kỹ thuật. Sự lung lay của các yếu tố cơ bản đang tạo ra bức tranh kỹ thuật khá yếu, bao gồm cả sự hình thành của mô hình 2 đỉnh (double top) trên biểu đồ của S&P 500. Dù vậy, vẫn còn đó một vài lý do để hy vọng về tương lai, nhất là từ xu hướng mùa vụ (trong đó cho thấy tháng 11/2018 là tháng tăng mạnh) và các mẫu hình quá khứ.
“Khi vẫn còn những sự không chắc chắn và khả năng giảm tốc về cả lợi nhuận và kinh tế, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư theo phương pháp đầu tư cẩn trọng, bao gồm đa dạng hóa và tái cân bằng danh mục”, trích từ báo cáo của Charles Schwab – do ba chuyên gia Liz Ann Sonders, Brad Sorensen và Jeffrey Kleintop viết nên.
Những lý do ủng hộ cho phe “gấu”
Những lý do để bi quan về thị trường có thể kể đến là: Nỗi lo về tăng trưởng ở Trung Quốc và trên khắp thế giới, đà tăng của lãi suất, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại, kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ (Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện), đà lao dốc của giá dầu (một phần là do sự suy giảm nhu cầu) và khả năng lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đã chạm đỉnh và có thể suy giảm trong năm 2019.
“Không như trong năm 2016, chẳng hề có thêm các đợt giảm thuế để cứu lấy thị trường và quá trình nới lỏng quy định giờ sẽ diễn ra chậm lại, hoặc có thể đã chững lại, ở Hạ viện”, David Rosenberg, Trưởng Bộ phận chiến lược và kinh tế tại Gluskin Sheff, cho biết trong báo cáo hàng ngày. “Điều hiếm thấy là thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống khi gần tới Lễ Tạ ơn. Và nếu điều đó xảy ra thì đây quả thật là một tín hiệu vô cùng xấu”.
Tháng 11 thường là một tháng tăng điểm, tăng trung bình 0.9% trong thập kỷ qua, dựa trên dữ liệu của FactSet. Và kể từ năm 2011, tháng 11 năm nào cũng tăng điểm.
Tuy nhiên, ông Rosenberg cũng lưu ý tới một vài sự thay đổi trong hành vi thị trường.
Rosenberg chỉ đến sự gia tăng khối lượng giao dịch giữa lúc thị trường suy giảm trong ngày thứ Sáu (10/11). Theo ông, điều này cho thấy “các tổ chức hiện nay sẵn sàng bán khi giá tăng hơn là mua khi giá giảm”.
Ngoài ra, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – thể hiện qua đà giảm của giá dầu – là tín hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang chững lại. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại. Mặc dù tác động của cuộc chiến này chưa thể hiện rõ ràng trong báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp năm nay, nhưng có thể sẽ làm giảm tăng trưởng lợi nhuận trong năm tới.
“Lợi nhuận của các doanh nghiệp bị phụ thuộc nhiều vào cuộc chiến thuế quan”, JJ Kinahan, Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường tại TD Ameritrade, cho hay. “Thị trường ghét sự không chắc chắn và chiến tranh thương mại là nguồn gây ra bất ổn lớn nhất”.
Những lý do ủng hộ cho phe “bò”
Lý do chính là nền kinh tế Mỹ vẫn còn tăng trưởng mạnh.
Tăng trưởng GDP của Mỹ vẫn tiếp tục tỏa sáng và có thể đạt mức 3% trong quý 4/2018. Số lượng việc làm gia tăng nhanh chóng, chỉ riêng trong tháng 10/2018, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 250,000 việc làm và tăng trưởng tiền lương thì vượt mức 3%/năm lần đầu tiên kể từ khi quá trình phục hồi bắt đầu.
Ngoài ra, một số người tin rằng nếu tình hình chuyển biến xấu đi, Fed có thể sẽ can thiệp và tạm ngưng hoặc nâng lãi suất chậm hơn.
“Việc tạm ngưng thắt chặt chính sách có thể là một tin vui đối với thị trường nhưng chỉ khi nào tăng trưởng kinh tế vẫn còn khỏe mạnh và rủi ro lạm phát suy giảm”, các chiến lược gia tại Schwab cho biết. “Nếu Fed bị buộc phải nâng lãi suất vì nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn hoặc lạm phát ngày càng tăng, thì thị trường có thể sẽ cảm thấy phiền lòng”.
Bức tranh việc làm cũng cần được theo dõi với thái độ cẩn trọng. Tỷ lệ thất nghiệp 3.7% thấp hơn rất nhiều so với mức mà Fed cho là đạt trạng thái toàn dụng nhân công (full employment). Điều này có nghĩa là việc thị trường việc làm xoay chiều dường như chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
“Vào thời điểm, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng trở lại thì dường như cũng là thời điểm gần kề với cuộc suy thoái mới (dựa trên lịch sử)”, trích từ báo cáo của Schwab.
Sau đà giảm mạnh trong ngày thứ Hai (12/11), chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vẫn ở trên mức 20, bằng với mức trung bình dài hạn.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|