Chứng khoán châu Á lấy lại sắc xanh, Shanghai tăng hơn 1%
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều khởi sắc trong ngày thứ Hai (12/11) mặc dù nhà đầu tư vẫn còn nghi nghại về các rủi ro toàn cầu có thể kể đến như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, triển vọng tăng trưởng cũng như giá dầu.
Tính tới lúc 14h15 ngày thứ Hai (12/11 – giờ Việt Nam), các thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu tăng. Trong đó, chỉ số Shanghai Composite tiến 31.78 điểm (tương ứng 1.22%) và giữ vững trên mốc 2,600 điểm, còn Shenzhen Composite cộng gần 0.2%. Bên cạnh đó, chỉ số Taiex của Đài Loan tiến 0.35%, còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0.35%.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 19.63 điểm (tương ứng 0.09%), còn Topix gần như đi ngang.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h15 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Australia, chỉ số ASX 200 xóa sạch đà giảm đầu phiên và quay đầu tăng nhẹ 19.5 điểm (tương ứng 0.33%). Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – giảm 0.66% khi một số cổ phiếu ngân hàng lớn suy giảm: Cổ phiếu ANZ sụt 3.74% và National Australia Bank lùi 0.2$. Trong khi đó, cổ phiếu Westpac tiến 0.13% và Commowealth Bank cộng 0.58%.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường là chỉ số Kospi của Hàn Quốc với mức giảm 5.65 điểm (tương ứng 0.27%).
Giá dầu sẽ được theo dõi vô cùng sát sao trong ngày thứ Hai (12/11) sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh lên tiếng cảnh báo đà tăng của sản lượng dầu có thể đẩy thị trường vào tình trạng dư cung trong năm 2019.
Ủy ban bao gồm một vài thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà xuất khẩu dầu khác cho biết, các nhà sản xuất dầu có thể buộc phải đưa ra đợt cắt giảm sản lượng mới nhằm giữ cân bằng cho thị trường dầu. Tuyên bố trên được đưa ra khi đà tăng của nguồn cung dầu và triển vọng nhu cầu ảm đạm hơn đã làm giá dầu giảm mạnh, thậm chí giá dầu WTI rơi vào thị trường con gấu (tức giảm hơn 20% so với mức đỉnh gần đây).
Thông cáo của ủy ban này ám chỉ về khả năng tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC nhóm họp ở Vienna vào tháng tới.
“Đà giảm khá nhanh chóng của giá dầu đã khiến các thành viên OPEC phải tập trung vào chủ đề cắt giảm sản lượng vào cuối tuần trước”, Wei Liang Chang, Chiến lược gia giao dịch ngoại hối tại Mizuho Bank, cho biết trong báo cáo buổi sáng. “Ngay cả là như thế, đợt điều chỉnh của giá dầu dường như một phần là do đà giảm của thị trường cổ phiếu toàn cầu và các rủi ro quản lý sản lượng làm khuếch đại đà giảm đó khi tâm lý thị trường đảo chiều”.
Ả-rập Xê-út phát tín hiệu giảm nguồn cung
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, cho biết họ dự tính giảm nguồn cung dầu trên thị trường dầu bớt 500,000 thùng/ngày trong tháng 12/2018, khi quốc gia đứng đầu OPEC đối mặt với sự không chắc chắn trong việc cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất khác đồng ý cắt giảm sản lượng cùng nhau.
Khalid al-Falih nói với các phóng viên rằng, trong tháng 12/2018, Saudi Aramcos sẽ giảm lượng dầu thô xuất khẩu bớt 500,000 thùng/ngày so với tháng 11/2018, vì nhu cầu thấp hơn. Quyết định này giúp nguồn cung dầu toàn cầu giảm bớt 0.5%.
“Chúng tôi đã nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng”, ông Falih nói với các phóng viên ở Abu Dhabi trước cuộc họp của ủy ban giám sát thị trường chung giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
“Tôi sẽ nói cho bạn một chút thông tin là con số xuất khẩu dầu trong tháng 12/2018 sẽ giảm 500,000 thùng so với tháng 11”, ông nói thêm.
Hợp đồng dầu WTI tương lai tăng 1.33% lên 60.99 USD/thùng và hợp đồng dầu Brent tiến 1.98% vào 70.85 USD/thùng.
Thị trường tiền tệ
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.984, tăng từ mức dưới 96 trong tuần trước.
Đồng Yên Nhật được giao dịch ở mức 113.95 đổi 1 USD, còn đồng AUD ở mức 0.7229 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|