Bốn giải pháp tăng vốn cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Theo nhiều chuyên gia, để đáp ứng được nguồn vốn lớn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cần phối hợp nhiều giải pháp và có lộ trình phù hợp.
Dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 của Capital House
|
Sau hơn hai năm kể từ khi Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực, vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chính thức triển khai chương trình cho vay mua nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc với lãi suất 4,8%/năm, đánh dấu việc đưa chính sách an sinh quan trọng này đi vào đời sống.
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai chương trình này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến người dân khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà với lãi suất thấp.
Hiện việc phát triển nhà ở xã hội theo báo cáo của các địa phương đến tháng 10/2018, cả nước mới hoàn thành 1.189 dự án với diện tích hơn 3,9 triệu m2, chiếm 30% trong chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 12,5 triệu m2 đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khó có thể thành hiện thực nếu không có sự vào cuộc quyết liệu từ các cơ quan quản lý. Nguyên nhân chính của thực trạng này đã được chỉ ra là do thiếu nguồn vốn để thực hiện.
Về vấn đề này, dưới góc độ của ngân hàng, tại Toạ đàm "Cho vay mua nhà ở xã hội – hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thừa nhận, từ khi Nghị định 100 ban hành vào tháng 10/2015 tới khi Ngân hàng Chính sách có vốn thì mất 2 năm 6 tháng.
"Hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn, đây là chương trình lớn nhưng trong lúc kinh tế còn khó khăn thì vốn sẽ có nhưng chưa thể có ngay”, ông Lý cho hay.
Ông Nguyễn Văn Lý
|
Theo ông Lý: "Từ nay tới 2020, Chính phủ sẽ bố trí 2.326 tỷ đồng nhưng theo khảo sát của Bộ Xây dựng thì nhu cầu tới 2020 lên tới 18.000 tỷ đồng. Vừa rồi Bộ Xây dựng có văn bản đề xuất Chính phủ bố trí thêm 3.000 tỷ đồng. Đó là điều mà chúng tôi trăn trở nhất, vì nguyện vọng người dân lớn nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng".
Bên cạnh đó, về mặt thực thi, nhiều dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư đã gọi vốn ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội phải giải chấp mới cho vay được, chưa kể còn khó khăn trong giải chấp.
Về phía người vay cũng không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng để vay vốn được như đất một nơi, hộ khẩu một nơi hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất cho thuê, đất được để lại, đất xây dựng không theo quy hoạch, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay.
Mặt khác, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban cề các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, về phía các chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch. Hầu hết các tỉnh từ TP. HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Bình Dương, giao đất thì có giao nhưng thành đất sạch để làm nhà thì rất khó khăn.
"Nhiều chủ đầu tư nói rằng, chúng tôi không cần gì hết, chỉ cần được giao đất sạch để thi công thì tiến độ sẽ được nhưng vẫn không đạt được mục tiêu đó", ông Lợi cho biết.
Bên cạnh đó, về ưu đãi cho chủ đầu tư, ưu đãi đã không cao nhưng lại quy định cho họ làm nhà ở xã hội với mức lợi nhuận thu được không quá 10%, tức không hấp dẫn. Như vậy thì làm sao thu hút được nhiều nhà đầu tư vào cuộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi.
Bốn giải pháp tăng vốn cho nhà ở xã hội
Trước những khó khăn về vốn cho phát triển nhà ở xã hội, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội cho rằng, có bốn phương thức để tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội.
Một là, ở các địa phương như Bắc Ninh khi có nguồn thu nhập tốt thì có thể dành khoản đó để chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hai là, bản thân các ngân hàng thương mại, cần có chính sách thực hiện bù lãi suất cho phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, độ mở và độ chắc chắn để ngân hàng thương mại thấy được có lợi ích để tham gia vào thực hiện chính sách này.
Mặc dù lãi suất có thể thấp hơn vốn thương mại khác nhưng ngân hàng thương mại vẫn có thể tham gia. Ngân hàng thương mại không có nghĩa là chỉ đi kinh doanh mà còn thực hiện chính sách xã hội. Thực tế có nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Ba là, cần làm sao để lồng ghép được các chương trình khác. Các địa phương đô thị hóa nhiều, chúng ta có vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới, vậy tại sao không điều chỉnh nguồn vốn này chuyển một phần vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện nhà ở xã hội.
Bốn là, hiện tính đến năm 2020, chúng ta thiếu 15.764 tỷ đồng vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Hiện giờ chỉ còn một “khe cửa hẹp”, đó là chúng ta cần xem xét khả năng bố trí được một phần vào vốn dự phòng được không?
Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội, có nhiều đại biểu đã phát biểu, nhà ở xã hội, nhà ở khu công nghiệp là vấn đề rất cấp bách giống như lũ lụt, lở đất. Vậy có thể cắt được ra vài nghìn tỷ từ vốn dự phòng cho thực hiện vấn đề này thì cũng giải quyết được vấn đề.
Đây là bốn khía cạnh có tính nhân văn, nếu Chính phủ và Quốc hội quyết tâm được thì việc tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội sẽ thành công, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Còn theo ông Bùi Sĩ Lợi, chính sách phải đi liền với ngân sách. Để có vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đầu tiên phải ra soát lại hệ thống chính sách đối với nhà ở cho thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Qua đó, từ thực tiễn cơ sở để đánh giá quá trình xây dựng chính sách. Chính sách phải có tính hấp dẫn, thông thoáng, thủ tục phải gọn nhẹ và thuận lợi, hấp dẫn thì mới có tính thu hút, khả thi.
Mặt khác, muốn có nguồn lực phải xây dựng được đề án, hay nói cách khác là chiến lược nhà ở phải cụ thể và xuất phát từ thực tế. "Tôi đi khảo sát, giám sát ở những doanh nghiệp, có những doanh nghiệp cho biết, nếu Chính phủ có mục tiêu, có điều kiện và chủ trương xây nhà hỗ trợ cho công nhân thu nhập thấp bằng nguồn của Nhà nước thì doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp một phần đề thu hút, hỗ trợ cho người lao động hoặc vay hộ cho người công dân với thời hạn dài hơn và thậm chí không có lãi suất", ông Lợi cho hay.
Quan trọng nhất, theo ông Lợi, muốn có ngân sách, Chính phủ phải chỉ ra được nguồn lực cần bao nhiêu, phải tính toán cụ thể và phải có báo cáo ngay Quốc hội để cân đối nguồn vốn dự phòng, nguồn vốn vay phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước.
An Chi
Nhà quản trị
|