‘Nghị định 86 muốn dìm xe công nghệ như taxi truyền thống’
Nghị định 86 đã sửa đổi đến lần thứ 6 nhưng quy định quản lý với xe công nghệ như Grab, Go-Viet... vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Định danh chính xác mới xây dựng được quy định quản lý xe công nghệ phù hợp
- Ảnh minh hoạ
|
Tại toạ đàm về Mô hình xe công nghệ do báo Người đại biểu nhân dân tổ chức tối 19.11, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng, trong nền kinh tế chia sẻ với cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không có Grab, Go-Viet thì cũng sẽ có những doanh nghiệp khác hoạt động.
Nhìn nhận về dự thảo nghị định 86 đang được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến lần thứ 6, ông Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện nhà nước và pháp luật, cho rằng không thể có tư tưởng tẩy chay cái mới vì không biết, không quản được.
“Không thể nói chuyện cấm hay không cấm khi doanh nghiệp không vi phạm pháp luật. Những mô hình kinh doanh nền tảng như Grab rất mới, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng bỡ ngỡ. Nhưng mới thì ta phải tìm hiểu, phải học hỏi để quản lý”, ông Phát nói. Theo chuyên gia này, trong thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp nào lạc hậu phải rời khỏi thị trường.
Cùng quan điểm này, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho rằng, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, không chỉ ở lĩnh vực vận tải mà còn phát triển rộng sang các lĩnh vực khác như khách sạn, nhà hàng..., không thể ngăn cản được.
Trên thực tế, những tranh cãi khiến dự thảo Nghị định 86 dù đã sửa đổi tới lần thứ 6 vẫn chưa thể chốt được bắt nguồn từ mâu thuẫn trong việc định danh loại hình này.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những doanh nghiệp công nghệ như Grab không thể định danh là công ty vận tải. Lý do những doanh nghiệp này cung ứng công nghệ để tài xế sử dụng kết nối với hành khách, đón khách. “Bản thân Grab không sở hữu xe cũng như sở hữu lao động, lái xe Grab không phải nhân viên Grab, vì vậy không thể xem là công ty vận tải, chỉ có thể xem là doanh nghiệp công nghệ, làm nhiệm vụ môi giới”, ông Hiếu nhìn nhận.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, thì cho rằng: “Triết lý của Nghị định 86 dường như đang muốn dìm xe công nghệ xuống giống taxi truyền thống để dễ quản lý”.
"Không nên đeo đá cho anh này, cởi trói cho anh kia"
Theo luật sư Nguyễn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trên thực tế, người dân không di chuyển bằng phương tiện này thì sẽ sử dụng phương tiện khác, vì là nhu cầu thực không thể kìm hãm.
“Chúng ta không nên đeo đá thêm cho doanh nghiệp. Chúng ta đang xóa bỏ điều kiện kinh doanh, tiêu chí bất hợp lý để doanh nghiệp phát triển. Chúng ta nên xây dựng luật theo hướng làm thế nào để taxi truyền thống hoạt động tự do hơn, bớt rào cản. Nhưng không thể cấm cản xe công nghệ”, ông Chiến nói, và cho rằng, vấn đề đặt ra là nên tạo hành lang pháp lý chuẩn mực hơn, thông thoáng hơn, phù hợp hơn để làm sao đi vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp thực hiện kết nối, phục vụ lợi ích của người dân, xã hội.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề của cơ quan quản lý cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa taxi truyền thông và công nghệ, trong đó taxi công nghệ phải theo quy định chung về vấn đề thuế, an ninh, bảo hiểm cho người tiêu dùng.
GS-TS Từ Sỹ Sùa, nguyên Trưởng bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, Đại học GTVT Hà Nội, cũng cho rằng, vận tải hành khách bằng bất kỳ loại hình nào thì tính mạng con người là quan trọng nhất. Để đảm bảo cần 2 điều kiện cơ bản: phương tiện phải có niên hạn sử dụng và người lái phải đủ điều kiện.
“Không nên đeo đá cho anh này trong khi cởi trói cho anh kia, phương tiện không cần đeo mào nhưng có thể nhận diện bằng logo. Luật Giao thông đường bộ cần sửa đổi, bổ sung mục taxi công nghệ để phù hợp hơn”, ông Sùa đề nghị.
Trước đó, liên quan vấn đề định danh xe công nghệ, tại phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Vinasun taxi và Grab, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã kiến nghị xử lý Grab như taxi truyền thống.
Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Vinasun có quyền khởi kiện doanh nghiệp được cho là gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của mình, đây là hành động văn minh.
Tuy nhiên, quy định về hành vi liên quan đến việc khuyến mại có hợp pháp hay không thuộc thẩm quyền luật Cạnh tranh, tòa án không có chức năng giải thích pháp luật chính thức. Bởi thế, vụ kiện chỉ hợp lý khi có quyết định xử lý về cạnh tranh không lành mạnh.
|
Mai Hà
THANH NIÊN
|