Chủ Nhật, 14/10/2018 21:01

Truy tố Vũ 'nhôm' cùng 25 bị can trong vụ Đông Á Bank

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 25 bị can trong vụ án kinh tế xảy ra tại Đông Á Bank.

Ngày 14-10, một nguồn tin cho biết VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 25 bị can khác trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (Đông Á Bank).

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình và các đồng phạm.

Theo TTXVN, Phan Văn Anh Vũ bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Phương Bình (cựu TGĐ, phó chủ tịch HĐQT, chủ tịch Hội đồng tín dụng Đông Á Bank) bị truy tố về hai tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

24 bị can còn lại bị truy tố về các tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng xác định với vai trò là TGĐ, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng Đông Á Bank, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 2.100 tỉ đồng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng; tổng cộng gây thiệt hại cho Đông Á Bank là hơn 3.600 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tại thời điểm ngày 31-12-2015 Đông Á Bank lỗ lũy kế hơn 31.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.400 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỉ đồng.

Trong số các nhóm hành vi trên, Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 203 tỉ đồng của Đông Á Bank.

Cụ thể, năm 2013, Đông Á Bank bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Bị can Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ Đông Á Bank từ 5.000 tỉ lên 6.000 tỉ đồng để thu hút vốn đầu tư, xử lý khó khăn cũng như nâng cao thương hiệu, vị thế của ngân hàng này.

Do quen biết nhau từ trước, hai bên bàn bạc, thống nhất về việc Phan Văn Anh Vũ sẽ mua 60 triệu cổ phần Đông Á Bank với giá 600 tỉ đồng để trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại Đông Á Bank.

Nguồn tiền để mua số cổ phần trên gồm 400 tỉ đồng mà Vũ “nhôm” vay của Đông Á Bank bằng việc thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng. Đối với 200 tỉ đồng còn lại, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Phan Văn Anh Vũ, sau đó Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỉ vào Đông Á Bank.

Đến năm 2014, do việc tăng vốn điều lệ không thành công, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên chuyển trả 600 tỉ đồng và hơn 9,5 tỉ đồng tiền lãi vào tài khoản của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ làm chủ tịch HĐQT.

Cáo trạng xác định Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỉ đồng nhưng lại nhận hơn 609,5 tỉ đồng, tức là đã chiếm đoạt của Đông Á Bank 200 tỉ đồng (tiền gốc) do ký chứng từ nộp khống và gần 3,2 tỉ đồng (tiền lãi) từ số tiền này.

Vũ “nhôm” chưa nộp tiền khắc phục hậu quả

Trước đó, trong kết luận điều tra bổ sung mới nhất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay Phan Văn Anh Vũ vẫn chưa khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Cụ thể, VKSND Tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần thứ hai, đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh, kê biên tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả theo đề nghị của Phan Văn Anh Vũ về việc xin gặp gia đình để thống nhất nộp khắc phục hậu quả 200 tỉ đồng và hơn 3 tỉ đồng tiền lãi liên quan đến việc mua cổ phần DAB tại các lá đơn mà bị can này gửi tới VKSND Tối cao.

Về vấn đề này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã làm việc với Phan Văn Anh Vũ nhằm làm rõ phương án khắc phục hậu quả. Theo đề nghị của Vũ, công an đã cho bị can này gặp vợ và anh trai để trao đổi về việc Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sẽ nộp tiền mặt để khắc phục hậu quả số tiền 200 tỉ đồng cùng hơn 3 tỉ tiền lãi như đã nói ở trên. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa nộp tiền.

Quá trình điều tra, cơ quan công an cũng đã xác minh nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của Vũ “nhôm” (căn hộ P1202 The Lancaster số 22 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) nhưng chủ sở hữu của căn hộ này lại là hai người khác không có quan hệ họ hàng gì với Vũ, do đó chưa đủ căn cứ kê biên tài sản này.

Ngoài ra, Vũ còn liên quan đến bảy bất động sản tại nhiều địa chỉ ở Đà Nẵng cũng như TP.HCM. Tuy nhiên, cả bảy bất động sản này đều là vật chứng của vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ do Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý, đã được cơ quan này kê biên và niêm phong.

PHÚC BÌNH

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Một ngân hàng Việt bị tấn công, hacker ‘dọa’ bán 275.000 dữ liệu (14/10/2018)

>   Tín dụng tiêu dùng - Một miếng bánh, nhiều người mơ? (17/10/2018)

>   Đà nào tạo bước cho lãi suất leo thang? (15/10/2018)

>   Hơn 5 triệu cp VPB được chuyển quyền sở hữu (13/10/2018)

>   Tỷ giá sẽ ra sao những tháng cuối năm? (12/10/2018)

>   Chủ thẻ tất cả ngân hàng có thể sử dụng thẻ trả trước phi vật lý Sacombank (12/10/2018)

>   Thoái vốn SaigonBank và... đất! (12/10/2018)

>   Maritime Bank khai trương chi nhánh Bạc Liêu (12/10/2018)

>   MSB quyết định mua lại tối đa 70 triệu cổ phiếu quỹ giá 11,000 đồng/cp (11/10/2018)

>   Dẹp loạn cho vay nặng lãi (11/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật