Tín dụng tiêu dùng - Một miếng bánh, nhiều người mơ?
Làn sóng lập công ty tài chính (CTTC) những năm gần đây đã góp phần thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng sôi động, không chỉ những CTTC thuộc sở hữu của các ngân hàng thương mại (NHTM) mà nhiều CTTC thuộc sở hữu nước ngoài, tư nhân cũng đang ồ ạt nhảy vào “mảnh đất màu mỡ” này. Theo chia sẻ từ các chuyên gia, hiện thị trường này đang còn nhiều vùng chưa khai thác và sẽ phát triển rộng hơn nữa.
Câu chuyện về thị trường tín dụng tiêu dùng đã không còn mới mẻ khi đã bùng nổ cách đây hơn 5 năm. Từ nhiều ngân hàng mở rộng mảng cho vay tiêu dùng, mở khối tín dụng tiêu dùng, đến tách riêng thành công ty tài chính hoạt động độc lập.
Điều dễ thấy nhất là những CTTC này đã hái ra tiền cho các nhà băng ngay từ buổi đầu sơ khai, có những nơi còn đóng góp rất lớn vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng. Cho đến hôm nay, thị trường tín dụng tiêu dùng đang trở nên rầm rộ và thành miếng bánh “béo bở” mà ngày càng nhiều người muốn sẻ chia. Không chỉ những CTTC thuộc sở hữu ngân hàng mà ngày nay các CTTC thuộc các Tập đoàn, công ty cổ phần cũng bùng nổ, tạo nên làn sóng tín dụng tiêu dùng ồ ạt.
Tính đến 30/06/2018, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, có 16 công ty tài chính hoạt động tại Việt Nam, trong đó 6 đơn vị là thành viên của nhiều ngân hàng trong nước như CTTC Cộng đồng thuộc MaritimeBank, FE Credit thuộc VPBank, HD Saison thuộc HDBank, SHBVF thuộc SHB và MB Shinsei thuộc MB; riêng CTTC Kỹ Thương thuộc Techcombank vừa được bán cho Lotte Card. Đáng chú ý, CTTC TNHH MTV Bưu điện (PTF) về chung một nhà với SeABank.
Lợi nhuận hợp nhất và riêng lẻ các ngân hàng có CTTC 6 tháng đầu năm 2018 (ĐVT: Tỷ đồng)
|
Nếu như trong năm 2017, FE Credit đóng góp đến hơn phân nửa vào tổng lợi nhuận chung của VPBank. Trong 277,750 tỷ đồng tổng tài sản của năm 2017, FE Credit cũng chiếm hơn 20% (và 23% dư nợ cho vay khách hàng). Thì trong nửa đầu năm 2018, kết quả kinh doanh của FE Credit có chậm hơn so với các năm trước, chia sẻ với các nhà đầu tư tại Hội nghị nhà đầu tư sáng ngày 20/07/2018, ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit cho biết. Cụ thể tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4% và chiếm 22% trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hợp nhất. Sự tăng trưởng chậm lại là do công ty điều chỉnh ở một số đối tượng cho vay. Trước đó, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc thường trực ngân hàng cho biết lợi nhuận của FE Credit đóng góp khoảng 36% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất.
Trong tổng lợi nhuận tăng 2.3 lần cùng kỳ của HDBank 6 tháng đầu năm 2018, HD SaiSon đóng góp 400 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Chất lượng hoạt động dịch vụ cho vay tiêu dùng của HD SaiSon tiếp tục được kiểm soát chặt, song song với việc kết hợp ngân hàng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới và liên kết với các đối tác Nhật Credit SaiSon trong liên doanh. Hiện nay, HD SaiSon phục vụ gần 5 triệu khách hàng với mạng lưới 12,548 điểm bán hàng.
Nhìn vào tổng thể, hầu hết lợi nhuận ở các ngân hàng sở hữu CTTC đều ghi nhận một phần không nhỏ từ CTTC mang lại. Hiện nay cũng đã có thêm nhiều CTTC tư nhân, sức cạnh tranh cao hơn, nhưng mục tiêu của những ngân hàng vẫn là đẩy mạnh phát triển ở những CTTC, thay đổi cơ cấu sản phẩm và mở rộng hoạt động. Chưa kể đến vẫn còn nhiều ngân hàng với ý định lập hoặc mua lại CTTC đang manh nha nhảy vào lĩnh vực này.
PTF là công ty 100% thuộc sở hữu của Tập đoàn VNPT, được cấp phép thành lập vào tháng 10/1998 và là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam. Hiện PTF có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và tổng tài sản tại thời điểm kết thúc năm 2017 đạt 347 tỷ đồng.
|
Điển hình là ngày 22/6/2018 mới đây, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) đã chính thức về chung “một nhà” với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Ngân hàng này nhận chuyển nhượng vốn góp tại PTF từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến những CTTC thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như Home Credit, Prudential Finance... – những cái tên một thời “làm mưa làm gió” tại thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam.
Công ty tài chính – Trào lưu hay mảnh đất tiềm năng?
Nằm trong kế hoạch năm 2018 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), OCB sẽ trình ĐHĐCĐ tách khối khách hàng đại chúng – ComB đang hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng thành Công ty tài chính độc lập để thuận lợi cho việc quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro. Công ty TNHH MTV Tài chính Ngân hàng TMCP Phương Đông (gọi tắt là Công ty tài chính OCB) hoạt động dưới hình thức công ty con do OCB đầu tư 100% vốn với số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng (mức vốn pháp định tối thiểu đối với Công ty tài chính) hoặc mua lại một Công ty tài chính khác với mức tối thiểu 70% vốn điều lệ của công ty này.
Hay như Vietcombank dự kiến sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính trực thuộc sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Để đảm bảo lộ trình thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, mới đây, Vietcombank đã thoái hơn 10.9% vốn tại Công ty Tài chính Xi măng (CFC).
Không chỉ ngân hàng, mà gần đây, một số công ty tài chính thuộc sở hữu của các Tập đoàn, công ty cũng ồ ạt ra mắt thị trường như Easy Credit là Khối Tín dụng Tiêu dùng của Chi nhánh TP.HCM thuộc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (TP. Hà Nội).
Thời gian qua, hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ cũng là một điều kiện giúp tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển và nhận được nhiều sự tin tưởng từ khách hàng hơn.
Trong đó có thể kể đến các văn bản quy phạm pháp luật của NHNN như Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng; Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định riêng về hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng; Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng giúp hoạt động cho vay tiêu dùng trở nên minh bạch hơn.
Trong vòng 5 năm qua (2012 - 2017) dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần, đạt 1.1 triệu tỷ đồng. Từ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng đã chiếm 18% vào năm 2017. Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng 59% so với cuối năm 2016; trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… chiếm tỷ trọng 52.9% (cuối năm 2016 là 49.5%); cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15.3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8.3%... Có thể thấy rõ ràng, tín dụng tiêu dùng đang ngày càng phát triển qua những con số thống kê, và với nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhiều của đội ngũ dân số trẻ, thị trường này mới chỉ là bắt đầu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia đánh giá, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Trước hết là đối với dân cư, tín dụng tiêu dùng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhất là thế hệ trẻ và người thu nhập thấp. Đối với doanh nghiệp, khi kích thích tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, hàng hóa xoay vòng nhanh hơn, dẫn đến doanh nghiệp phát triển. Còn đối với các tổ chưc tín dụng, tín dụng tiêu dùng được xem là nghiệp vụ chiếm thị phần lớn và đem lại lợi nhuận lớn cho các TCTD. Đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen và các hệ lụy xã hội đi kèm.
Tuy không thể phủ nhận vai trò của tín dụng tiêu dùng, song để thị trường này phát triển một cách lành mạnh, vẫn cần có nhìn nhận đúng về vai trò của công ty tài chính từ người tiêu dùng. Đây cũng là lý do vì sao mảng cho vay tiêu dùng trở thành lĩnh vực hấp dẫn và các công ty tài chính trở thành đối tượng săn tìm ráo riết của nhà đầu tư ngoại.
Cát Lam
FILI
|