'Tắc' dự án chống ngập 10.000 tỉ: Thành phố nhận lỗi, rồi sao?
Sau gần 5 tháng dự án chống ngập 10.000 tỉ nằm “bất động”, đại diện TP.HCM đã chính thức lên tiếng nhận lỗi. Tuy nhiên sau lời xin lỗi, số phận của dự án này thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đã đứng yên gần 5 tháng. Ảnh: CTV
|
Tư vấn “dỏm” làm khó dự án
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 1.10, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM (trung tâm chống ngập) Nguyễn Hoàng Anh Dũng thông tin: Sau nhiều “khúc mắc” khiến dự án phải ngưng hoạt động, trung tâm chống ngập đã chủ động tổ chức cuộc họp để các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh ngiệp (DN) dự án, tư vấn giám sát hợp đồng...) có cơ hội trực tiếp trao đổi, nhanh chóng gỡ khó cho dự án nhưng liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) từ chối không tham dự.
Đây không phải lần đầu tiên TVGSHĐ cáo vắng trong các buổi gặp gỡ làm việc về dự án chống ngập “khủng”, mặc dù đơn vị này được đánh giá là nguyên nhân chính khiến dự án lâm vào tình trạng “bất động”.
Theo giải trình của ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), trong cuộc gặp mặt báo chí mới đây, TVGSHĐ tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở, gây áp lực khiến TP không dám ký xác nhận. Người đứng đầu Tập đoàn Trung Nam còn dẫn nhiều văn bản để cho rằng TVGSHĐ “vu” cho chủ đầu tư tự ý thay đổi vật liệu thép và cố tình lờ đi hồ sơ điều chỉnh của tư vấn thiết kế, đưa những thông tin sai lệch, tạo dư luận xấu.
“Chúng tôi cũng như trung tâm chống ngập đã nhiều lần đề nghị sắp xếp buổi làm việc chung để các bên trao đổi rõ ràng, ai đúng ai sai cũng nhanh chóng giải quyết để tìm hướng ra cho dự án nhưng đơn vị này chưa lần nào chịu cùng ngồi lại”, ông Tiến nói.
Đáng chú ý, Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (Công ty Meinhardt), một trong 3 liên danh tư vấn đang đứng trước nghi vấn không đủ tư cách để thực hiện các hợp đồng tư vấn. Cụ thể, Meinhardt vừa có tên trong danh sách các DN nợ đọng thuế do Cục Thuế Hà Nội công bố hồi giữa tháng 8 với mức nợ hơn 33,6 tỉ đồng. Ít ngày sau, Cục Thuế TP.HCM cũng yêu cầu đốc thúc nợ tới lần thứ 3 với công ty này. Tổng số tiền nợ lãi chậm nộp và tiền phạt nợ đọng thuế khoảng 27 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 7,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, Meinhardt cũng còn nợ BHXH số tiền trên 4 tỉ đồng. Khoảng giữa tháng 9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã gửi văn bản yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Cục Thuế TP.HCM làm rõ và có ý kiến cụ thể về việc DN nợ thuế kéo dài có đủ tư cách để thực hiện các hợp đồng tư vấn hay không nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả.
Chọn lại tư vấn hợp đồng
Đáng nói, trong khi hai bên DN, TVGSHĐ liên tục “đấu qua đấu lại”, người cầm trịch ở giữa là TP lại dùng dằng, lúng túng không dám đưa ra quyết định khiến dự án không thể nhúc nhích, kéo theo nhiều hệ quả. Phải đến cuộc họp chiều 1.10 vừa qua, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan mới chính thức lên tiếng thay mặt TP nhận lỗi với người dân, với Chính phủ. Người phát ngôn của UBND TP thừa nhận dự án chậm trễ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá trị công trình, làm phát sinh lãi suất.
“Đề nghị tư vấn nói gì, làm gì cũng phải hướng tới sự thành công của dự án. Kỳ này TP sẽ làm rõ, không thể để việc này ảnh hưởng đến uy tín, công tác quản lý của TP”, vị này khẳng định và cho biết trong tuần này, TP sẽ tổ chức cuộc họp để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan để đảm bảo đúng nhiệm vụ và hướng tới mục tiêu chung là sớm khởi động lại, hoàn thành dự án.
Đánh giá cao lời xin lỗi của phía TP nhưng luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, nhận định không chỉ nhận lỗi, TP cần mạnh dạn, quyết liệt giải quyết ngay vấn đề bằng cách chọn lại tư vấn hợp đồng và tiến hành giải quyết thủ tục giải ngân nhanh để dự án có thể về đích đúng hẹn. Theo ông Hậu, ngay từ đầu, đây là dự án chống ngập “khủng”, quy mô lớn mà TP.HCM lại chỉ định thầu gói thầu TVGSHĐ là không chuyên nghiệp. Chưa kể một DN nợ thuế số tiền lớn như thế, kéo dài như thế, lại không có thái độ hợp tác với nhà thầu thì không đủ tư cách để tiếp tục tham gia dự án.
Cũng theo luật sư Hậu, dự án “treo cẩu” gần tháng, chắc chắn gây nhiều thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Nếu TP vẫn chưa thể xác định được ai đúng, ai sai thì phía Tập đoàn Trung Nam hoàn toàn có thể kiện TVGSHĐ ra tòa và đòi bồi thường thiệt hại.
Hà Mai
Thanh Niên
|