Sá gì chuyện lỗ!
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định một trong những điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần là “Hoạt động kinh doanh của hai (02) năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”.
Thật ra yêu cầu này đã được đặt ra từ Luật Chứng khoán năm 2006, lúc đó điều kiện chỉ là một năm có lãi liền trước năm chào bán. Có thể thấy luật mong muốn các công ty nào chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đều phải có lãi, xem lãi như một trong những chỉ dấu cho thấy đó là công ty lành mạnh. Có thật như thế không? Xu hướng trên thế giới hiện nay là gì?
Nếu các nước cũng đặt ra điều kiện như thế, e rằng rất nhiều công ty danh tiếng đã không thể IPO, cũng chẳng thể niêm yết trên sàn chứng khoán. Spotify, nơi cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến vừa mới IPO thành công vào tháng 4 năm nay, đẩy giá trị thị trường của doanh nghiệp này lên tới 26,5 tỉ đô la Mỹ mặc dù năm trước đó vẫn lỗ đến 1,5 tỉ đô la Mỹ. Dropbox, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ trực tuyến cũng lỗ chừng 112 triệu đô la Mỹ vào năm 2017 và cũng IPO ngon lành vào đầu năm nay.
Theo số liệu của báo Wall Street Journal, hơn ba phần tư trong số 108 công ty Mỹ hoàn tất IPO vào năm 2017 vẫn đang lỗ trong 12 tháng trước khi IPO. Tỷ lệ công ty đang lỗ khi IPO có xu hướng tăng dần cho thấy công chúng đầu tư không quan ngại gì cho lắm chuyện lãi lỗ trong ngắn hạn. Mô hình hoạt động của nhiều công ty, nhất là các công ty công nghệ, sinh học và các công ty khởi nghiệp (startup) là tối đa hóa lượng hàng bán ra hay lượng người dùng dịch vụ của mình chứ không còn là tối đa hóa lợi nhuận. Ai nấy đều tìm mọi cách tăng thị phần, cho dù việc tăng thị phần kèm theo là chi phí hoạt động lớn. Ở đây nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng khi chúng sẵn sàng làm nhà tài trợ hào phóng cho các thử nghiệm mạo hiểm miễn sao giá trị đầu tư ban đầu khi lên sàn chứng khoán sẽ tăng vọt nhiều lần.
Có thể còn nhiều tranh cãi về con đường phát triển này nhưng đó là xu hướng của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài. Giả dụ có một startup có tiềm năng đánh bại Grab, trở thành công ty vận hành mạng lưới xe taxi điện tử lớn nhất bởi thiết kế được phần mềm gọi xe còn hay hơn là Uber nữa. Một startup như thế ắt sẽ lỗ kéo dài chừng nào các đối thủ cạnh tranh như Grab vẫn sẵn sàng chịu lỗ để duy trì lượng khách hàng được trợ giá gián tiếp. Quy định như dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) ngay lập tức khóa lại tiềm năng gọi vốn lâu dài của startup này.
Hơn nữa, khái niệm lỗ ở đây phải hiểu theo nghĩa khác thông lệ. Amazon lỗ không phải vì họ bỏ ra 100 đô la Mỹ làm được một sản phẩm chỉ bán để thu về 99 đô la Mỹ. Amazon lỗ vì họ dùng hết dòng tiền thu về để đầu tư ngược trở lại nhằm tăng giá trị công ty. Cho nên trong suốt hơn 20 năm hoạt động, dù Amazon vẫn cứ báo lỗ đều đều hoặc lãi không đáng kể mãi cho đến gần đây nhưng doanh thu của họ tăng vọt, giá trị cổ phần tăng theo. Chẳng lạ gì khi Amazon IPO vào năm 1997 giá trị thị trường của nó chỉ là 438 triệu đô la Mỹ nhưng 20 năm sau, giá trị này tăng vọt lên 460 tỉ đô la Mỹ. Và nên nhớ Amazon chưa bao giờ chia cổ tức!
Bên cạnh yêu cầu các công ty muốn IPO phải có lãi, Việt Nam cũng đòi các doanh nghiệp lớn phải chia cổ tức đều đặn, áp lực này không những chỉ có ở các nhà đầu tư bình thường mà còn ở nhà đầu tư là Nhà nước nữa. Chẳng hạn, Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng trong đó Nhà nước có cổ phần phải chia cổ tức bằng tiền mặt mặc dù các ngân hàng này rất muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Khi đối diện với nguyên tắc “tiền đẻ ra tiền”, dẫu biết rằng tiền lãi để lại không chia sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở, tâm lý của nhà đầu tư vẫn mong “cổ tức năm nay cao hơn năm trước” một cách rất ngắn hạn.
Với các thay đổi chóng mặt về công nghệ và tự động hóa, chi phí lớn nhất của doanh nghiệp sẽ không còn là tiền lương cho công nhân nữa mà sẽ dồn cho việc sử dụng vốn. Vậy mắc gì công ty làm ra lãi để chịu thuế thu nhập doanh nghiệp - họ cứ lỗ hay huề vốn rồi dùng tiền đó đầu tư làm công ty ngày càng phình to ra để đồng vốn cũng lớn theo. Vì thế, thay vì dùng khái niệm lãi/lỗ, tại sao dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) không thử dùng các tiêu chí khác để đo lường mức độ “lành mạnh” của một công ty như dòng tiền, doanh thu, lượng người dùng... để phù hợp với xu hướng của thời đại.
Nguyễn Vạn Phú
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
|