Nông nghiệp 4.0
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nông dân có thể chọn ứng dụng công nghệ ở vài khâu trong sản xuất để tăng lợi nhuận
Việc tìm kiếm những mô hình nông nghiệp công nghệ cao và tiến bộ khoa học phù hợp sẽ giúp nông dân không đứng bên lề cuộc đua công nghệ 4.0.
Truy xuất nguồn gốc bằng blockchain
Ông Đặng Ngọc Siêu, một nông dân trồng thanh long ở xã Hiệp Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long An với diện tích 0,4 ha. Điều đặc biệt là người tiêu dùng Úc có thể biết khá rõ về ông và vườn thanh long nhà ông khi dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nông dân TP HCM áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc rau
|
Ông Siêu là một trong những nông dân tham gia thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi cơ sở dữ liệu mã hóa) trong truy xuất nguồn gốc chuỗi thanh long xuất khẩu sang Úc do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ. Với điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, ông Siêu được cấp một tài khoản của ứng dụng truy xuất nguồn gốc. Khi thu hoạch và bán thanh long cho thương lái hoặc doanh nghiệp (DN), ông sẽ đăng tải thông tin về lô thanh long vừa bán. Tại thời điểm đó, một giao dịch được tạo ra, đi kèm với một mã QR. Mã QR này sẽ gắn với lô thanh long cho đến khi được bày bán trên kệ.
Tại TP HCM, trại cá cảnh của ông Tống Hữu Châu (quận 12) là một trong những hộ thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, trại cá của ông sản xuất cá giống theo phương pháp sinh sản nhân tạo, có hệ thống cấp, thoát nước tự động hoặc bán tự động và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và giao dịch thương mại.
Theo ông Châu cho rằng nói công nghệ 4.0 trong nông nghiệp có vẻ cao xa nhưng thực tế nông dân đã áp dụng bằng việc thanh toán tiền qua ngân hàng, trao đổi công việc làm ăn qua mạng mà không cần gặp mặt. "Trong ngành cá cảnh có những công nghệ cao như chuyển gien nhưng chúng tôi chưa thực hiện vì đầu tư lớn và khó thương mại hóa sản phẩm. Điều quan trọng là hiệu quả, không nhất thiết phải công nghệ thật cao" - ông Châu nêu quan điểm.
Nhiều mô hình thành công
PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), cho rằng nông dân vẫn có thể tham gia làm nông nghiệp công nghệ cao, "nông nghiệp 4.0" bằng các ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phù hợp. Như với cây lúa, nông dân có thể ứng dụng cơ giới hóa, dùng giống mới, tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học,… để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Thực tế, theo GS Võ Tòng Xuân (Trường ĐH Nam Cần Thơ), ở nhiều địa phương của Việt Nam, bà con nông dân đã sử dụng công nghệ cao nhiều năm nay rồi. "Trong nhiều nhà màng, nhà kính, người ta ứng dụng kỹ thuật vào để điều khiển khí hậu phù hợp cho rau sinh trưởng và ngăn được sâu bệnh từ bên ngoài. Điển hình như ở Đà Lạt (Lâm Đồng), nông nghiệp công nghệ cao không thua gì ở các nước khác" - GS Xuân nhận xét.
Theo Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM, thời gian qua, đơn vị đã xây dựng và chuyển giao được nhiều mô hình sản xuất cho DN và nông dân. Tiêu biểu nhất mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao với lợi nhuận bình quân 1,4 tỉ đồng/năm/ha.
Ngoài ra, còn có mô hình trồng cà chua trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt có chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn trồng dưa lưới có thể đem lại lợi nhuận từ 600 - 700 triệu đồng/năm/ha. Đại diện ban quản lý này cho biết do chi phí đầu tư ban đầu cho các quy trình công nghệ/sản phẩm chuyển giao tương đối lớn gây khó khăn đối với các tổ chức, cá nhân tiếp nhận.
Ngoài chuyển giao mô hình, quy trình sản xuất, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP còn cung cấp ổn định hàng trăm ngàn cây giống/năm cho các hộ dân và nhà vườn ở khu vực TP HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Lâm Đồng,… Nhờ giống chất lượng cao, tỉ lệ sống cao (>95%) nên cây phát triển tốt, đồng đều, ít bị bệnh gây hại. Từ đó, giúp nhà vườn giảm giá thành so với việc sử dụng cây nhập khẩu cùng loại.
Với những hiệu quả đạt được, UBND TP HCM mới đây đã giao Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao tham mưu việc hình thành thêm 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm dự án giống thủy sản nước mặn/lợ tại huyện Cần Giờ (89,7 ha), dự án trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch tại huyện Củ Chi (23,3 ha). Theo kế hoạch, 2 khu này sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2021.
Mục tiêu sản lượng và phẩm chất nông sản
Theo GS Võ Tòng Xuân, "nông nghiệp 4.0" gắn liền với vốn đầu tư lớn, con người am tường kỹ thuật và loại bỏ một số lớn lực lượng lao động. "Như vậy, trong thời gian tới, có lẽ đa số nông dân Việt Nam sẽ khó đến gần nấc thang nông nghiệp 4.0 như các nước tiên tiến. Dù vậy, căn cứ vào mục tiêu ứng dụng công nghệ để nâng sản lượng và phẩm chất nông sản thì nông dân có thể áp dụng để cải tiến tập quán sản xuất cũ. Hoặc dùng chế phẩm sinh học để giảm phân bón hóa học, nhất là hạn chế đạm hóa học để bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng hương vị ngon tự nhiên của nông sản" - GS Xuân gợi ý.
|
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH
Người Lao động
|