Dow Jones rớt gần 300 điểm, S&P 500 rơi vào trạng thái điều chỉnh
Tuần qua, Dow Jones mất 3%, S&P 500 sụt 4% và Nasdaq Composite giảm 3.8%
S&P 500 chốt phiên ngày thứ Sáu (26/10) tại mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2018 và dao động gần giai đoạn điều chỉnh sau khi nhóm cổ phiếu công nghệ và Internet bị bán tháo thêm, khép lại một tuần đầy biến động của chứng khoán Mỹ, Reuters đưa tin.
Trong suốt phiên giao dịch, S&P 500 đã lao dốc hơn 10% từ mức đóng cửa cao kỷ lục xác lập vào ngày 20/09/2018, nhưng xóa bớt đà sụt giảm để khép phiên trên mức này. Mức đóng cửa thấp hơn 10% hoặc nhiều hơn so với mức đóng cửa cao mọi thời đại được xem là xác nhận bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Nasdaq Composite đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/03/2018 sau khi xác nhận bước vào giai đoạn điều chỉnh hồi đầu tuần.
Kết quả lợi nhuận đáng thất vọng vào cuối ngày thứ Năm (25/10) từ Amazon.com và Alphabet, vốn là hai cổ phiếu đã tiếp sức cho đà leo dốc kéo dài cả thập kỷ trên thị trường chứng khoán, đã làm dấy lên làn sóng bán tháo trong ngày thứ Sáu và làm lu mờ dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng khỏe mạnh.
Cụ thể, doanh thu của Alphabet – công ty mẹ của Google – thấp hơn dự báo, qua đó làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc giám sát pháp luật và sự cạnh tranh có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng cực nhanh của công ty. Cổ phiếu Alphabet đã sụt 5.6% trước khi phục hồi để khép phiên chỉ giảm 1.8%.
Cổ phiếu Amazon.com rớt 7.8%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2014, sau khi công bố doanh số quý 3 thấp hơn dự báo và đưa ra dự báo doanh số mùa lễ hội cuối năm thấp hơn.
Ernesto Ramos, Quản lý danh mục tại BMO Global Asset Management, nhận định: “Nhà đầu tư có thể thấy nhiều biến động hơn trong thời gian sau của mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 và trước khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 06/11/201”.
Trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ, kết quả và dự báo lợi nhuận đáng thất vọng của các doanh nghiệp mùa báo cáo lợi nhuận này đã cho thấy hàng rào thuế quan, sự gia tăng tiền lương và chi phí đi vay, cũng như lo ngại về các sự kiện địa chính trị đã tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp như thế nào.
Vào đầu ngày thứ Sáu, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khỏe mạnh, cung cấp một số hỗ trợ cho chứng khoán trong phiên.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP tại Mỹ thấp hơn dự báo trong quý 3 khi đà sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu đậu nành do liên quan đến thuế quan đã được bù đắp phần nào bởi mức chi tiêu tiêu dùng mạnh nhất trong gần 4 năm và sự gia tăng của đầu tư dự trữ.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, gần như đi ngang tại mức 24.16 trong ngày thứ Sáu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones lùi 296.24 điểm (tương đương 1.19%) xuống 24,688.31 điểm, chỉ số S&P 500 mất 46.88 điểm (tương đương 1.73%) còn 2,658.69 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 151.12 điểm (tương đương 2.07%) xuống 7,167.21 điểm.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều quay đầu về sắc đỏ từ đầu năm đến nay.
Tuần qua, Dow Jones mất 3%, S&P 500 sụt 4% và Nasdaq Composite giảm 3.8%.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 2.68:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 2.13:1.
Khoảng 10.2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 8.3 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
An Trần
Fili
|